Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Chí Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam nhìn nhận, sau khi Luật Quy hoạch được thông qua, quy hoạch về công chứng được bãi bỏ từ 01/01/2019 đã đặt ra thách thức cho công tác quản lý nhà nước về công chứng ở các địa phương. Pháp luật về công chứng của Việt Nam (Luật Công chứng năm 2014) được xây dựng trên cơ sở có quy hoạch phát triển các tổ chức hành nghề công chức (HNCC), bảo đảm sự phát triển cân bằng giữa nhu cầu xã hội và các nguồn lực đáp ứng nhu cầu đó.
Bởi lẽ, công chứng được xác định là dịch vụ công; một trong những đặc điểm và nhiệm vụ quan trọng của dịch vụ công là phải bảo đảm khả năng tiếp cận dịch vụ cho người dân một cách thuận lợi. Để khắc phục những bất cập này, việc nghiên cứu và đưa vào dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) các quy định để bảo đảm được các mục tiêu quản lý nhà nước về công chứng trong điều kiện không còn quy hoạch là nhiệm vụ cần thiết.
Tham khảo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trong hệ thống công chứng Latinh (Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức, Trung Quốc, Nhật Bản…) cho thấy, đối với dịch vụ công chứng, nhà nước luôn luôn có sự can thiệp, điều tiết phù hợp để bảo đảm các yếu tố của dịch vụ công. Cách thức điều tiết có thể là kiểm soát số lượng công chứng viên tại các địa bàn dân cư căn cứ trên mật độ dân cư hoặc mật độ tòa án; cũng có quốc gia kiểm soát số lượng tổ chức hành nghề công chứng; có quốc gia kiểm soát cả số lượng công chứng viên lẫn số lượng tổ chức hành nghề công chứng. Rất ít quốc gia để cho hoạt động công chứng phát triển hoàn toàn dựa vào quy luật cung cầu của thị trường.
"Thực tiễn thời gian qua sau khi quy hoạch công chứng bị bãi bỏ thì các tổ chức hành nghề công chứng đã có hiện tượng di chuyển vào khu vực thành thị tạo nên hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh; ngược lại, ở một số địa bàn cấp huyện khác đã không có tổ chức hành nghề công chứng", Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam nêu rõ.
Vì lý do đó, để thực hiện được chức năng xã hội của công chứng là một dịch vụ công theo đúng nghĩa, bảo đảm người dân ở mọi vùng miền, mọi tầng lớp đều có thể tiếp cận và sử dụng một cách thuận tiện thì nhà nước cần có công cụ quản lý và cơ sở pháp lý để điều tiết, kiểm soát.
Trên tinh thần này, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đã quy định nguyên tắc phát triển tổ chức hành nghề công chứng phải căn cứ vào điều kiện KT-XH, diện tích, số lượng và mật độ phân bố dân cư, nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch trên địa bàn cấp huyện dự kiến thành lập là phù hợp với yêu cầu của thực tiễn đặt ra để bảo đảm cho dịch vụ công chứng phát triển ổn định, bền vững, bao phủ được toàn bộ địa bàn dân cư.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Dương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình đánh giá quy định như dự thảo Luật là phù hợp, nhằm tăng cường quản lý nhà nước về công chứng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Dương, công chứng là một nghề bổ trợ tư pháp, là loại hình dịch vụ công cơ bản do Nhà nước ủy nhiệm để đảm bảo an toàn pháp lý cho các giao dịch trong xã hội, đặc biệt là những giao dịch quan trọng liên quan đến đất đai, bất động sản, thế chấp tài sản. Do vậy, việc quản lý, phát triển CCV, tổ chức HNCC phải đảm bảo chặt chẽ, cần có sự quản lý, kiểm soát, mà không giống như các loại hình kinh doanh tự do khác...
Theo kinh nghiệm của một số nước như Trung Quốc, các tổ chức HNCC đều thành lập theo đơn vị hành chính cấp huyện và phân bố hợp lý, hay việc thành lập các VPCC ở Angeria bảo đảm mỗi địa hạt đều có từ 1 đến 2 VPCC, bảo đảm phát triển các tổ chức HNCC có sự quản lý, kiểm soát, điều tiết cần thiết từ phía cơ quan nhà nước mà không phát triển tự do như các doanh nghiệp thông thường.
Chính vì vậy, dự thảo Luật quy định về nguyên tắc thành lập tổ chức hành nghề công chứng và điều khoản về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc xây dựng Đề án quản lý, phát triển tổ chức HNCC tại địa phương là cần thiết, góp phần tăng cường quản lý nhà nước ở các địa phương.
Trả lời Báo Điện tử Chính phủ, TS. Lại Thị Bích Ngà, Phó Trưởng khoa Đào tạo Công chứng viên (Học viện Tư pháp) phân tích: Việc dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) quy định "Ban hành Đề án quản lý, phát triẻn tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương" là một trong những trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc quản lý Nhà nước về công chứng là một quy định phù hợp.
Thứ nhất, tổ chức hành nghề công chứng là môi trường hành nghề của công chứng viên. Với chức năng chức năng xã hội là cung cấp dịch vụ công do Nhà nước uỷ nhiệm, dịch vụ do công chứng viên cung cấp là dịch vụ nhân danh Nhà nước nên việc hành nghề công chứng của công chứng viên trong đó có tổ chức hành nghề cần phải được Nhà nước quản lý chặt chẽ.
Thứ hai, thực tế trong thời gian vừa qua (nhất là sau khi quy hoạch tổng thể phát triển các TCHNCC bị bãi bỏ theo Luật Quy hoạch), do Luật hiện hành chỉ giao cho UBND cấp tỉnh trách nhiệm ban hành tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng, nên việc phát triển tổ chức HNCC tại một số địa phương còn có phần lúng túng, không đồng đều, tập trung tại những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, có tình trạng nhiều VPCC xin chuyển về các đô thị hoặc khu trung tâm của huyện, thị xã dẫn đến tình trạng một số tỉnh, thành phố tại một số địa bàn cấp huyện không có VPCC hoạt động...
Theo TS. Bích Ngà, tình hình này không chỉ là gây khó khăn cho người dân, ở những địa bàn không có tổ chức hành nghề công chứng, trong việc tiếp cận với dịch vụ công chứng, mà còn phát sinh hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề công chứng tại những địa phương có quá nhiều tổ chức hành nghề công chứng. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ công chứng.
Do vậy, quy định này của dự thảo Luật không chỉ đảm bảo cho người dân được tiếp cận thuận lợi với dịch vụ công chứng, thể hiện sự đúng đắn của chủ chương xã hội hoá hoạt động công chứng của Đảng và Nhà nước, mà còn đảm bảo cho chất lượng dịch vụ công chứng, việc hành nghề của công chứng viên được ổn định, tránh tình trạng thành lập tổ chức HNCC tràn làn như ngành nghề kinh doanh thông thường dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và góp phần cho sự phát triển ổn định, bền vững của nghề công chứng, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo thống kê, Việt Nam có hơn 3.220 công chứng viên với gần 1.300 tổ chức hành nghề công chứng. So với thời điểm Luật Công chứng 2014 có hiệu lực từ 01/01/2015, đội ngũ công chứng viên và các tổ chức hành nghề công chức ngày càng phát triển. Việc công chứng các hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở, bất động sản và tài sản quan trọng khác chiếm tỉ lệ trên 70%.
Do vậy, việc thành lập các tổ chức hành nghề công chứng ở nước ta cần đảm bảo sự phát triển liên tục, ổn định, bền vững. Theo đó, dự thảo Luật quy định nguyên tắc phát triển tổ chức hành nghề công chứng phải căn cứ vào điều kiện kinh tế-xã hội, diện tích, số lượng và mật độ phân bố dân cư, nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch trên địa bàn cấp huyện dự kiến thành lập.
Lê Sơn