Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tham dự có đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo Sở Tư pháp một số địa phương, lãnh đạo Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, các nhà nghiên cứu, cán bộ giảng dạy và công chứng viên đang hành nghề.
Đại diện Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) cho biết, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, sau hơn 8 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014, có thể khẳng định hoạt động công chứng ở nước ta ngày càng phát triển. Số lượng công chứng viên (CCV) tăng khoảng gần 2,7 lần, số lượng tổ chức hành nghề công chứng tăng hơn 2 lần so với thời điểm Luật Công chứng năm 2014 có hiệu lực thi hành. Chất lượng đội ngũ CCV ngày càng được nâng cao, quy mô, hoạt động của các tổ chức hành nghề ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội, người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục. Cụ thể, Luật Công chứng hiện hành còn thiếu các quy định thể hiện rõ mô hình công chứng Việt Nam là công chứng nội dung (xác định tính hợp pháp, tính xác thực của hợp đồng, giao dịch). Việc xác định bản dịch thuộc phạm vi công chứng còn chưa đúng bản chất công chứng vì thực chất đây là việc chứng thực chữ ký người dịch thuộc phạm vi hoạt động chứng thực. Do đó, quy định về công chứng bản dịch chưa thực sự phát huy tác dụng trong thực tiễn.
Chất lượng đội ngũ CCV chưa đồng đều, một bộ phận CCV còn hạn chế về trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp chưa cao; còn tình trạng vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hành nghề, cạnh tranh không lành mạnh, chạy theo lợi nhuận gây ảnh hưởng đến hình ảnh của nghề công chứng và uy tín của đội ngũ CCV trong xã hội. Việc hợp danh của CCV tại Văn phòng công chứng (VPCC) ở một số địa phương còn mang tính hình thức. Quy định về chấm dứt tư cách thành viên hợp danh và bổ sung thành viên hợp danh mới tại VPCC còn chưa chặt chẽ, chưa có cơ chế hữu hiệu để kiểm soát và thực tế đã phát sinh không ít tranh chấp giữa các thành viên hợp danh trong một VPCC.
Mặc dù đã được xác định là dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, nhưng việc triển khai định hướng phát triển tổ chức hành nghề tại một số địa phương còn có phần lúng túng, không đồng đều, tập trung tại những địa bàn có điều kiện KT-XH phát triển, nhất là sau khi Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề bị bãi bỏ, có tình trạng nhiều VPCC xin chuyển về các đô thị hoặc khu trung tâm của huyện, thị xã dẫn đến tình trạng một số tỉnh, thành phố tại một số địa bàn cấp huyện không có VPCC hoạt động. Tình trạng thay đổi thành viên hợp danh của VPCC còn khá phức tạp gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước và không bảo đảm sự ổn định trong hoạt động của các VPCC.
Một số trình tự, thủ tục về công chứng không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn, vừa gây khó khăn cho CCV trong quá trình thực hiện quy trình công chứng vừa không tạo thuận lợi cho tổ chức hành nghề và người dân, doanh nghiệp.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động công chứng tuy đã được thực hiện nhưng mới chỉ là bước đầu, chưa tương xứng với sự phát triển các nhu cầu giao dịch dân sự, kinh tế và sự chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực liên quan. Đến nay, việc xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng tại một số địa phương còn gặp khó khăn, vướng mắc; chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu công chứng thống nhất trong cả nước; việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu công chứng với các cơ sở dữ liệu liên quan chưa được thực hiện.
Một số quy định của Luật Công chứng năm 2014 cần được sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy vị trí, vai trò của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của CCV trong bối cảnh đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động này.
Do đó, việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và để bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật thì việc rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật về công chứng đảm bảo đồng bộ, thống nhất với hệ thống văn bản pháp luật khác có liên quan là cần thiết.
Đánh giá về công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, ông Nguyễn Mạnh Dương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình cho biết, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực công chứng, để bảo đảm hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật, công tác thanh tra, kiểm tra về tổ chức và hoạt động công chứng tiếp tục được quan tâm thực hiện; hàng năm Sở Tư pháp tiến hành thanh tra, kiểm tra về tổ chức và hoạt động công chứng của các tổ chức hành nghề công chứng theo đúng Kế hoạch đã được ban hành.
Qua công tác thành tra, kiểm tra kịp thời phát hiện các hạn chế, tồn tại, sai sót, vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời chấn chỉnh, khắc phục các sơ hở nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và hiệu quả thực hiện các quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh góp phần tạo điều kiện giải quyết thuận lợi, nhanh chóng, chính xác yêu cầu công chứng của tổ chức, cá nhân; phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, cải cách tư pháp của tỉnh.
Tuy nhiên, ông Dương cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc, bất cập là hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động công chứng hiện nay vẫn còn có quy định chồng chéo, mâu thuẫn. Một số tổ chức hành nghề công chứng chú trọng vào hoạt động hành nghề, chưa quan tâm đến công tác quản trị nội bộ của tổ chức mình, kiện toàn và sắp xếp bộ máy nhân sự phù hợp; chất lượng đội ngũ công chứng viên tuy được nâng cao nhưng vẫn còn trường hợp hạn chế kỹ năng hành nghề dẫn đến vi phạm trong khi hành nghề phải bị xử phạt vi phạm hành chính. Hội Công chứng viên tỉnh chưa phát huy cao vai trò, trách nhiệm tự quản trong quá trình chỉ đạo, điều hành...
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Tổng Thư ký Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam Đào Duy An đánh giá cao nội dung sửa đổi Luật Công chứng nhằm khắc phục 6 nhóm vấn đề bất cập: Về mô hình công chứng; chất lượng đội ngũ CCV; phát triển tổ chức hành nghề công chứng trong điều kiện bãi bỏ quy hoạch; trình tự, thủ tục về công chứng; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; vai trò của tổ chức xã hội nghề nghiệp CCV.
Một trong những nhóm vấn đề bất cập được nhận diện là Luật Công chứng hiện hành chưa quy định hành lang pháp lý cho hoạt động công chứng điện tử và chuyển đổi số hoạt động công chứng nên chưa có cơ sở pháp lý để triển khai các hoạt động này. Dự thảo Luật đã bổ sung 04 điều hoàn toàn mới để quy định một số vấn đề cơ bản nhất về công chứng điện tử nhằm tạo cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số hoạt động công chứng. Trên cơ sở các quy định cơ bản này, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định các vấn đề cụ thể về công chứng điện tử và triển khai thực hiện quá trình chuyển đổi số hoạt động công chứng trên thực tế.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam Đào Duy An, dự thảo Luật cũng sửa đổi cơ bản quy định về cơ sở dữ liệu công chứng, xác định rõ nội dung cơ sở dữ liệu công chứng là văn bản công chứng và hồ sơ công chứng; xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng tập trung thống nhất trên phạm vi toàn quốc làm nền tảng cho hoạt động công chứng điện tử và lưu trữ điện tử.
Đề cập đến công tác đào tạo, bồi dưỡng hành nghề công chứng, TS. Lại Thị Bích Ngà, Phó Trưởng khoa Đào tạo Công chứng viên và các chức danh khác (Học viện Tư pháp) phân tích: Đào tạo nghề công chứng là một trong những nội dung được nghiên cứu để sửa đổi trong dự thảo Luật Công chứng lần này. Theo đó, dự thảo đã bỏ quy định về miễn đào tạo nghề công chứng được quy định tại Điều 10 Luật Công chứng hiện hành và thay vào đó đưa ra quy định về giảm thời gian đào tạo nghề công chứng cho một số chủ thể, với thời gian đào tạo được giảm ½ so với thời gian đào tạo bình thường.
Việc sửa đổi này là phù hợp với quan điểm của Đảng, Nhà nước và quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động công chứng và đào tạo nghề công chứng nhằm đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.
Trong đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW đã đưa ra nhiều quan điểm, giải pháp liên quan tới nguồn nhân lực tư pháp trong đó có đội ngũ các chức danh bổ trợ tư pháp và công tác đào tạo các chức danh bổ trợ tư pháp như: "Tiếp tục hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực để xã hội hóa và phát triển các lĩnh vực công chứng, hòa giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp; xây dựng đội ngũ hành nghề công chứng, hòa giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng, hoạt động chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội".
"Dự thảo không quy định về miễn đào tạo nghề công chứng đã thể hiện việc Ban soạn thảo khi xây dựng nội dung này có tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Luât Công chứng của các nước trong Liên minh công chứng La-tinh quốc tế đều ghi nhận về đào tạo nghề công chứng chặt chẽ, với thời gian đào tạo thường là từ 1 - 3 năm. Pháp luật của một số quốc gia không ghi nhận về việc miễn đào tạo", TS. Bích Ngà cho hay.
Theo các đại biểu, so với Luật Công chứng năm 2014, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) có những điểm mới.
Thứ nhất, xác định đúng phạm vi hoạt động công chứng và thẩm quyền của CCV, theo đó công chứng là việc CCV chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch dân sự bằng văn bản; việc chứng nhận bản dịch không còn thuộc phạm vi công chứng. Thay vào đó, dự thảo Luật đã giao cho CCV thực hiện chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân vì có thêm lựa chọn khi có nhu cầu chứng nhận bản dịch, đồng thời góp phần giảm tải công việc cho các Phòng Tư pháp cấp huyện đang thực hiện nhiệm vụ này. Như vậy, cùng với việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký cá nhân theo quy định của Luật Công chứng hiện hành, CCV sẽ có thẩm quyền thực hiện thêm một loại việc chứng thực là chứng thực chữ ký người dịch.
Thứ hai, bổ sung quy định nhằm xác định rõ việc hành nghề công chứng là việc CCV thực hiện việc công chứng giao dịch. Như vậy, mặc dù CCV được giao thực hiện một số việc chứng thực song nếu CCV không công chứng giao dịch mà chỉ thực hiện việc chứng thực thì không được xem là hành nghề công chứng. Đây là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, xác minh, xem xét xử lý vi phạm trong quá trình hành nghề của CCV.
Thứ ba, sửa đổi quy định thời điểm có hiệu lực của văn bản công chứng (được tính theo thời điểm CCV ký và TCHNCC đóng dấu thay vì tính theo ngày ký và đóng dấu như hiện nay) để đảm bảo chặt chẽ và phù hợp với quy định pháp luật có liên quan.
Thứ tư, bổ sung quy định về một số hành vi bị nghiêm cấm mới đối với CCV, tổ chức hành nghề công chứng, cá nhân, tổ chức có liên quan nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CCV, góp phần phát triển đội ngũ CCV chất lượng cao và các tổ chức hành nghề ổn định, bền vững, tăng cường trách nhiệm, ý thức của cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc công chứng.
Các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước đã thực hiện hơn 41 triệu việc công chứng; tổng số phí công chứng thu được hơn 13 nghìn tỷ đồng; tổng số thù lao công chứng thu được hơn 2 nghìn tỷ đồng; tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách nhà nước hơn 2,3 nghìn tỷ đồng. Các việc công chứng hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở, bất động sản và tài sản quan trọng khác chiếm tỷ lệ từ 70-80% số việc công chứng và giá trị phí, thù lao công chứng, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giảm thiểu số lượng và quy mô tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện các giao dịch liên quan.
(Nguồn: Bộ Tư pháp)
Lê Sơn