Theo Bộ Y tế, trong những năm qua, hệ thống bệnh viện y học cổ truyền toàn quốc đã góp phần không nhỏ trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Để tiếp tục phát huy vai trò và tiềm năng của y học cổ truyền; đồng thời ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện Thông tư 37/2011/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của bệnh viện Y học cổ truyền tuyến tỉnh và Quy chế tổ chức và hoạt động của bệnh viện; các quy định về đấu thầu về mua sắm, tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật như: Nghị định số 24/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, Thông tư số 07/2024/TT-BYT ngày 17/5/2024 của Bộ Y tế quy định về đấu thầu thuốc tại cơ sở y tế công lập và Thông tư số 22/2011/TT-BYT của Bộ Y tế quy định tổ chức và hoạt động của khoa Dược bệnh viện và các quy định khác có liên quan.
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị trên tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức y khoa liên tục để nâng cao trình độ chuyên môn cho người hành nghề, đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại.
Các đơn vị nghiêm túc thực hiện tự kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện theo quy định tại Quyết định số 6858/QĐ-BYT ngày 18/11/2016 của Bộ Y tế ban hành "Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam".
Bên cạnh đó, động viên, khen thưởng kịp thời và đề xuất với các cấp khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền.
Nghiên cứu, rà soát các quy định chưa phù hợp trong quá trình triển khai thực hiện tại đơn vị, đề xuất với Bộ Y tế các nội dung cụ thể để sửa đổi quy định trong văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp.
Bộ Y tế đề nghị tăng cường công tác tự kiểm tra, thanh tra tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền trong việc thực thi văn bản quy phạm pháp luật; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
TB