Đây là nội dung tại Quyết định số 927/QĐ-TTg được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới (Kế hoạch).
Mục đích của Kế hoạch nhằm quán triệt, tổ chức thực hiện đầy đủ, chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp tại Chỉ thị số 34-CT/TW. Đồng thời, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các bộ, ngành, chính quyền địa phương và người dân về công tác phát triển nhà ở xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách và bố trí nguồn lực cho công tác phát triển nhà ở xã hội.
Kế hoạch nêu rõ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả 5 nhiệm vụ, giải pháp:
1- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về công tác phát - triển nhà ở xã hội.
2- Rà soát, hoàn thiện chính sách, hệ thống pháp luật có liên quan đến nhà ở xã hội.
3- Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong phát triển nhà ở xã hội và thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.
4- Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội.
5- Đổi mới phương thức, mô hình quản lý và phát triển nhà ở xã hội.
Về tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về công tác phát triển nhà ở xã hội: Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền các cấp tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung Chỉ thị số 34-CT/TW và các văn bản hướng dẫn thực hiện bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội về tính chất, ý nghĩa của công tác phát triển nhà ở xã hội, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội đối với công tác phát triển nhà ở xã hội.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò và gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát triển nhà ở xã hội; đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của địa phương.
Về rà soát, hoàn thiện chính sách, hệ thống pháp luật có liên quan đến nhà ở xã hội: Ban hành cơ chế, chính sách thuận lợi và chủ động cho các địa phương trong việc dành ngân sách đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để có quỹ đất sạch làm nhà ở xã hội; đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm đồng bộ hạ tầng xã hội trong và ngoài phạm vi dự án.
Ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về nhà ở xã hội cho công nhân và phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân. Hoàn thiện pháp luật và tạo thuận lợi về cơ chế, chính sách để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia phát triển nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận dễ dàng với nhà ở xã hội; cắt giảm tối đa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, kinh doanh, mua bán, quản lý, sử dụng nhà ở xã hội.
Có cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển nhà ở xã hội theo hướng mô hình xanh, sử dụng tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững, phát thải cácbon thấp.
Ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước từ trung ương và địa phương tương xứng, kịp thời để bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển nhà ở xã hội. Nhà nước tập trung phát triển nhà ở xã hội cho thuê khu vực đô thị bằng nguồn vốn đầu tư công.
Đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai hiệu quả chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội.
Mở rộng nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội từ quỹ đầu tư phát triển địa phương và nguồn vốn từ nước ngoài.
Khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư, quỹ tín thác đầu tư và các hoạt động liên danh, liên kết thực hiện dự án nhà ở xã hội.
Bố trí cấp đủ nguồn vốn ngân sách cho Ngân hàng Chính sách xã hội, các ngân hàng thương mại được Nhà nước chỉ định để cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.
Rà soát, đổi mới, tiếp tục mở rộng chương trình cho vay ưu đãi đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo chính sách về nhà ở xã hội.
Minh Hiển