Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, dữ liệu được xem là dầu mỏ mới trong phát triển kinh tế số. Đồng thời, đối với Việt Nam, việc xây dựng cơ sở dữ liệu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên phục vụ phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, cải cách thủ tục hành chính nói riêng và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Do vậy, việc xây dựng và ban hành Nghị định quy định về cơ sở dữ liệu dùng chung là hết sức cần thiết, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, rõ ràng trong triển khai xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu dùng chung với mục đích thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số, trong đó giao dịch điện tử dựa trên giao dịch dữ liệu đóng vai trò quan trọng, trọng tâm, ưu tiên.
Giúp Chính phủ quản trị quốc gia, hoặc phục vụ giám sát, phân tích, nghiên cứu, hoạch định chính sách phát triển của quốc gia.
Tạo điều kiện khai thác và sử dụng rộng rãi trên toàn quốc và chia sẻ dữ liệu với bộ, ngành, địa phương và các cơ quan nhà nước khác phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp hoặc phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Dự thảo Nghị định có 6 chương, gồm 37 điều, cụ thể như sau:
Chương I: Quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 2). Quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ.
Chương II: chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia với cơ sở dữ liệu của cơ quan khác của nhà nước (từ Điều 3 đến Điều 7).
Quy định cụ thể về vai trò cơ sở dữ liệu dùng chung, việc đảm bảo việc thống nhất và phân cấp các cơ sở dữ liệu trong cơ quan nhà nước; xác định dữ liệu chủ của cơ sở dữ liệu dùng chung, nguyên tắc tham chiếu giữa các cơ sở dữ liệu và mối quan hệ giữa các cơ sở dữ liệu dùng chung.
Chương III: Xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia (từ Điều 8 đến Điều 21).
Quy định việc xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia; các yêu cầu, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia, gồm nội dung: yếu tố cơ bản của cơ sở dữ liệu quốc gia; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia; cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia; duy trì cơ sở dữ liệu quốc gia; khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia; quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia.
Chương IV: Kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước (từ Điều 22 đến Điều 30).
Quy định phân loại kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giao dịch điện tử, quản lý giao dịch điện tử thông qua giao dịch dữ liệu; nhân lực, kinh phí kết nối, chia sẻ dữ liệu; dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng ngân sách nhà nước phải đảm bảo để thực hiện chia sẻ dữ liệu; ban hành và công bố công khai quy chế khai thác, sử dụng dữ liệu; phương thức kết nối, chia sẻ dữ liệu; hệ thống trung gian trong kết nối, chia sẻ dữ liệu; Mô hình kết nối, chia sẻ dữ liệu; Khung kiến trúc tổng thể quốc gia số.
Chương V: Dữ liệu mở và điều kiện bảo đảm thực hiện quy định về dữ liệu mở của cơ quan nhà nước (từ Điều 31 đến Điều 34).
Quy định về giấy phép dữ liệu mở, yêu cầu dữ liệu mở, hình thức cung cấp, điều kiện đảm bảo. Chương này có tham chiếu đến các quy định về dữ liệu mở đã được quy định tại Nghị định 47/2020/NĐ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.
Chương VI: Điều khoản thi hành (từ Điều 35 đến Điều 37): Quy định chuyển tiếp, điều khoản thi hành và trách nhiệm thực hiện sau khi Nghị định được ban hành và có hiệu lực.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Minh Hiển