Thẻ NAPAS chính thức được triển khai trên tuyến Metro Số 1 TPHCM
Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1 TPHCM (HURC1) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Sacombank, cùng 24 ngân hàng trong hệ thống NAPAS, triển khai dịch vụ thanh toán bằng thẻ NAPAS trên tuyến Metro số 1. Danh sách các ngân hàng tham gia bao gồm: BIDV, Agribank, TPBank, SHB, BVBank, VietBank, SeABank, NamABank, Vietcombank, Wooribank, Techcombank, VIB, NCB, VietABank, Bảo Việt Bank, PBVN, Kienlongbank, Saigonbank, BAB, Eximbank, MB, ACB, OCB, Vietinbank.
Tuyến Metro số 1, hay còn gọi là tuyến Bến Thành – Suối Tiên, đã chính thức vận hành từ ngày 22/12/2024, với tổng chiều dài 19,7 km, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong hệ thống giao thông công cộng của TP.HCM. Việc đưa vào hoạt động tuyến Metro này cho thấy sự đầu tư và phát triển đa dạng các loại hình giao thông công cộng tại Việt Nam, tạo ra mạng lưới vận tải hành khách kết nối các khu vực trong thành phố.
Đáng chú ý, khách hàng có thể thanh toán tiện lợi với thẻ NAPAS không tiếp xúc. Điều này dựa trên nền tảng hệ thống vé điện tử công nghệ Open-loop của HURC1, dịch vụ thanh toán được triển khai với thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng sử dụng công nghệ không tiếp xúc của NAPAS. Hành khách chỉ cần chạm thẻ NAPAS lên thiết bị kiểm soát tại cổng vào (tap-in) và sau khi kết thúc hành trình tại cổng ra (tap-out), giao dịch thanh toán cho chuyến đi sẽ được hoàn tất một cách nhanh chóng và thuận tiện.
Hiện nay, thẻ NAPAS được chấp nhận thanh toán tại các đơn vị cung cấp hàng hóa dịch vụ có lắp đặt thiết bị chấp nhận thanh toán (POS/ mPOS) của các ngân hàng trên toàn quốc. Ngoài ra, thẻ NAPAS được sử dụng để thanh toán trực tuyến trên trang thương mại điện tử, trang thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia và ứng dụng VNeID,... Không chỉ ở trong nước, chủ thẻ NAPAS có thể sử dụng các dịch vụ thanh toán tại Hàn Quốc và dịch vụ rút tiền tại một số quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Lào, Hàn Quốc.
Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng giám đốc NAPAS, chia sẻ: Với lợi thế hơn 80 triệu thẻ NAPAS của 25 ngân hàng tham gia triển khai, dịch vụ thanh toán bằng thẻ NAPAS trên tuyến Metro số 1 giúp đẩy mạnh thói quen thanh toán không tiền mặt khi tham gia giao thông, mang lại sự tiện lợi và an toàn cho hành khách tại TP.HCM, góp phần thúc đẩy giao thông xanh và bảo vệ môi trường, giảm dần hệ thống bán vé thủ công.
Việc đưa thanh toán bằng thẻ NAPAS vào hệ thống thanh toán trên tuyến Metro số 1 giúp người dân trải nghiệm dịch vụ đường sắt đô thị nhanh chóng và hiện đại hơn. Đồng thời, điều này cho thấy những lợi ích khi hạ tầng thanh toán được tích hợp và đồng bộ, góp phần thúc đẩy giao thông xanh tại Việt Nam và đưa hệ thống thanh toán tại các tuyến đường sắt đô thị trong nước bắt kịp với các quốc gia khác trên thế giới.
Thực tế, đây cũng là xu hướng thanh toán giao thông công cộng trên thế giới. hiều quốc gia đã triển khai hệ thống thu phí thanh toán giao thông công cộng theo cơ chế đóng (closed-loop), trong đó người dân thực hiện nạp tiền vào các thẻ lưu trữ giá trị (stored value card) và sử dụng thẻ này khi đi xe buýt hoặc metro. Tuy nhiên, mô hình này bộc lộ nhiều nhược điểm, điển hình là thẻ vé chỉ được sử dụng trong một hệ thống buýt hoặc metro riêng lẻ, hoặc chỉ trong phạm vi một thành phố. Ngoài ra, việc mất thời gian để nạp tiền vào thẻ cũng gây ra những bất tiện cho người sử dụng.
Những năm gần đây, với sự phát triển của các giải pháp trong lĩnh vực thẻ vé điện tử và sự phổ biến của thẻ thanh toán ngân hàng sử dụng công nghệ không tiếp xúc theo tiêu chuẩn EMV, nhiều quốc gia đã nghiên cứu và chuyển dần sang thanh toán giao thông với cơ chế mở (open-loop). Điều này cho phép khách hàng thanh toán phí giao thông công cộng trực tiếp bằng thẻ ngân hàng, với đa dạng các phương tiện di chuyển từ bus, metro, mà không cần sử dụng nhiều thẻ vé chuyên biệt khác nhau.
Việc sử dụng thẻ ngân hàng cũng giúp bỏ qua công đoạn xếp hàng để mua vé hoặc nạp tiền vào thẻ vé. Mô hình thanh toán giao thông mở cũng góp phần giảm bớt chi phí vận hành của các đơn vị cung cấp dịch vụ giao thông công cộng. Thay vì phải phát triển và duy trì hệ thống phát hành thẻ vé riêng, các đơn vị này có thể tận dụng ngay thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán cho các dịch vụ giao thông công cộng.
Hướng tới mô hình xây dựng thẻ vé thông minh trong giao thông công cộng, từ năm 2021, NAPAS đã kết nối triển khai giải pháp thanh toán giao thông bằng thẻ NAPAS với xe buýt điện Vinbus. Đến nay, dịch vụ đã được triển khai cho 11 tuyến Vinbus tại Hà Nội và TP.HCM.
Việc đưa hình thức thanh toán thẻ NAPAS đến với tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên và một số tuyến xe buýt tại TPHCM cho thấy nỗ lực của NAPAS và các ngân hàng trong việc thúc đẩy thanh toán điện tử trong lĩnh vực giao thông công cộng.
Từ ngày 21/1/2025, tuyến metro số 1 vận hành thương mại, khung giá vé theo quy định. Hành khách đi lại sẽ mua vé với giá 6.000 đồng/lượt/người; 40.000 đồng/ngày/người, không hạn chế lượt đi trong ngày, giá vé 3 ngày là 90.000 đồng. Giá vé tháng 300.000 đồng/người/vé/tháng; học sinh, sinh viên 150.000 đồng (giảm 50%). Giá vé tháng 300.000 đồng/người/vé/tháng; học sinh, sinh viên 150.000 đồng (giảm 50%).
Anh Minh