Mục tiêu chung của Đề án là phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển (nuôi biển) tỉnh Khánh Hoà theo hướng: (1) góp phần tăng năng suất, giá trị ngành nuôi trồng thủy sản và nâng cao thu nhập của người dân nuôi biển và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan thông qua việc giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội, hướng tới xuất khẩu thủy sản với tiêu chuẩn cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; (2) bảo vệ môi trường biển, hướng tới phát triển kinh tế biển bền vững, từng bước hình thành vùng nuôi biển từ 3 đến 6 hải lý, vừa đảm bảo phát triển kinh tế biển, vừa giảm áp lực nuôi biển ven bờ; (3) bảo đảm giảm thiểu xung đột về không gian phát triển giữa các ngành kinh tế tại các khu vực nuôi biển.
Thời gian thí điểm nuôi biển công nghệ cao đến hết năm 2029, với mục tiêu cụ thể:
- Vùng biển đến 3 hải lý: diện tích thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao đạt 240 ha, sản lượng đạt hơn 3.600 tấn.
- Vùng biển từ 3 đến 6 hải lý, diện tích thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao đạt 200 ha, sản lượng đạt hơn 5.100 tấn.
Phát triển sản xuất giống phục vụ nuôi biển công nghệ cao
Nhiệm vụ của Đề án gồm: Phát triển sản xuất giống phục vụ nuôi biển công nghệ cao; phát triển công nghệ nuôi thương phẩm; quan trắc môi trường, chủ động phòng chống dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu; dịch vụ hậu cần nuôi biển; chuyển đổi công nghệ nuôi biển đến 3 hải lý.
Trong đó, Đề án ưu tiên nghiên cứu, chọn tạo giống phục vụ nuôi biển phù hợp với kế hoạch phát triển của tỉnh, tập trung: Nhóm cá biển (cá song/mú, cá vược/chẽm, cá chim vây vàng); Nhóm giáp xác (tôm hùm xanh, tôm hùm bông); Nhóm nhuyễn thể (mực, hàu…); Nhóm rong tảo biển (rong câu chỉ vàng, rong sụn, rong mứt, tảo biển…) và các đối tượng khác phục vụ nuôi biển.
Quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác nguồn giống thủy sản, đặc biệt quan tâm bảo vệ, khai thác hợp lý đối với một số giống loài nuôi biển đang phụ thuộc vào nguồn giống tự nhiên (như tôm hùm bông, tôm hùm xanh), đảm bảo không xâm hại đến nguồn lợi tự nhiên và phát triển bền vững.
Đồng thời, ứng dụng và phát triển các công nghệ tiên tiến như: công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT) giám sát vật nuôi và an ninh, công nghệ năng lượng mặt trời, công nghệ cho ăn tự động, công nghệ giám sát môi trường tự động, công nghệ vật liệu mới vào nuôi biển nhằm tạo sản phẩm giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường và phát triển xanh.
Xây dựng tiêu chí, phân loại lồng bè ở các mức tiêu chuẩn, công nghệ cao khác nhau (phù hợp khu vực, vùng nuôi, quy mô nuôi, cấp bão chịu đựng,...) để áp dụng trên địa bàn tỉnh.
Nghiên cứu, áp dụng các biện pháp bảo vệ an toàn cho lồng bè, an toàn cho người lao động tham gia nuôi biển trước các điều kiện thời tiết không thuận lợi (gió, bão,...); nghiên cứu, ứng dụng và phát triển nuôi biển tích hợp đa đối tượng, có kết hợp với du lịch biển trong điều kiện đặc thù của vùng biển tỉnh Khánh Hòa...
Áp dụng công nghệ 4.0 nâng cao hiệu quả công tác quan trắc, cảnh báo sớm tác động môi trường và phòng chống dịch bệnh
Đề án áp dụng những thành tựu của công nghệ 4.0 nâng cao hiệu quả công tác quan trắc, cảnh báo sớm tác động môi trường và phòng chống dịch bệnh trên các đối tượng nuôi biển. Tiến tới xây dựng, vận hành hệ thống quan trắc cảnh báo sớm môi trường, dịch bệnh nghề nuôi biển một cách chủ động.
Đầu tư và áp dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào quản lý và sản xuất ở những vùng nuôi biển tập trung, hạn chế rủi ro, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển sản xuất bền vững...
Phương Nhi