Đây là thông tin đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính - NSNN 6 tháng đầu năm 2022 theo hình thức trực tuyến và trực tiếp do Bộ Tài chính tổ chức chiều ngày 7/7, tại Hà Nội.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, trong tổng số thu hơn 941.000 tỷ đồng, thu nội địa đạt 63,6%, thu từ dầu thô đạt 125,6%, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 79,4% dự toán. Theo phân cấp, thu ngân sách Trung ương đạt 66,4% dự toán, thu ngân sách địa phương đạt xấp xỉ 67% dự toán.
Bộ Tài chính đã điều hành chính sách tài khóa chủ động, quyết liệt thu, chi NSNN, kịp thời ban hành và triển khai thực hiện các chính sách tài khóa, cân đối bảo đảm nguồn lực hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời ban hành các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân. Kết quả thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong 6 tháng đầu năm thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội khoảng 39,8 nghìn tỷ đồng, trong đó: Số tiền gia hạn khoảng 7,4 nghìn tỷ đồng, bằng 5,5% số dự kiến gia hạn (135.000 tỷ đồng) khi xây dựng chính sách; số tiền miễn, giảm khoảng khoảng 32,4 nghìn tỷ đồng, bằng 35,8% trên tổng số dự kiến miễn, giảm (90,5 nghìn tỷ đồng) khi xây dựng chính sách.
Tính cả 6,1 nghìn tỷ đồng số tiền miễn, giảm theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (chính sách ban hành từ năm 2021, tác động làm giảm thu ngân sách trong đầu năm 2022 khi quyết toán thuế năm 2021), tổng số tiền đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn khoảng 45,9 nghìn tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại là chi ngân sách, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội; chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến...
Báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm, cắt giảm và nguồn còn lại của ngân sách Trung ương năm 2021, trong đó 6.840 tỷ đồng thực hiện Chương trình; chuyển 15,6 nghìn tỷ đồng các nguồn kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2021 sang năm 2022 để mua vaccine phòng COVID-19 (6,99 nghìn tỷ đồng), chi cho công tác phòng, chống dịch (8,6 nghìn tỷ đồng)...
Tổng chi NSNN 6 tháng đầu năm ước đạt 713.000 tỷ đồng, bằng 40% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 28,6%, chi thường xuyên đạt 45,8%, chi trả lãi đạt 50,1% dự toán.
Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành: Quyết định số 412/QĐ-TTg về Đề án cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia đến năm 2030; Quyết định số 460/QĐ-TTg về Chiến lược nợ công đến năm 2030; Quyết định số 448/QĐ-TTg về Chương trình quản lý nợ công giai đoạn 2022-2024 và Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2022.
Kết quả tích cực từ phát triển kinh tế-xã hội, tài chính – NSNN đã giúp củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Tổ chức S&P đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng "Ổn định" và là một trong hai quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được nâng bậc tín nhiệm trong 6 tháng đầu năm.
Anh Minh