Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đây là thông tin tại Hội nghị sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ, giải pháp công tác thuế 6 tháng cuối năm 2022 diễn ra chiều ngày 30/6 tại Hà Nội.
Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, năm 2022, ngành thuế được giao thu 1.174.900 tỷ đồng, kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm ước đạt 775.262 tỷ đồng, bằng 66% so với dự toán pháp lệnh, bằng 117,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, số thu thuế, phí nội địa đạt 578.404 tỷ đồng, bằng 63,2% so với dự toán pháp lệnh, bằng 113,1% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu loại trừ các yếu tố chính sách miễn, giảm, gia hạn thì số thu thuế, phí nội địa tăng 5,9% so cùng kỳ năm 2021.
Có 16/19 khu vực, khoản thu, sắc thuế đạt khá so với dự toán (đạt trên 55%), trong đó có một số khu vực, khoản thu lớn như: DNNN đạt 56,8%, DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 56,4%, khu vực ngoài quốc doanh đạt 67,7%, thuế TNCN đạt 77,4%, thu lệ phí trước bạ đạt 68,5%.
Có 60/63 địa phương có số thu đạt trên 50% dự toán, trong đó, đáng chú ý một số địa phương thu 6 tháng đạt cao như: Hưng Yên, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Giang, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kon Tum, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh.
Công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế (NNT) tiếp tục được đẩy mạnh qua hình thức điện tử nhằm đáp ứng xu hướng chuyển đổi số của Chính phủ và nhu cầu tiếp cận thông tin theo phương thức điện tử của NNT.
Công tác hỗ trợ NNT được cơ quan thuế các cấp chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp tại cơ quan thuế sang phương thức hỗ trợ trực tuyến, đẩy mạnh triển khai hỗ trợ giải đáp vướng mắc thông qua các hình thức: Điện thoại, thực hiện chuyên mục Giao lưu trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử ngành thuế...
Trong 6 tháng đầu năm, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện thanh, kiểm tra với tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra đạt trên 13.937 tỷ đồng. Đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 74 DN có hoạt động giao dịch liên kết. Truy thu và xử phạt 288 tỷ đồng; giảm lỗ 488 tỷ đồng; giảm khấu trừ 0,87 tỷ đồng. Trong đó, thanh tra, kiểm tra đối với giao dịch liên kết đã truy thu 187 tỷ đồng, giảm lỗ 370 tỷ đồng.
Thực hiện đồng bộ các biện pháp thu nợ, xử lý nợ thuế, trong 6 tháng thu hồi nợ thuế đạt 16.245 tỷ đồng... Về công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, cơ quan thuế các cấp đã quản lý thu thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới, số thu từ hoạt động này thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu trong 6 tháng đạt 760 tỷ đồng, lũy kế đến nay đạt 5.432 tỷ đồng.
Ngành thuế cũng triển khai các biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản theo nguyên tắc "Tiền phòng, hậu kiểm". Thu thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản trong những tháng đầu năm đạt hơn 16,6 nghìn tỷ đồng; tăng 73% so với cùng kỳ năm 2021.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhấn mạnh thời gian tới ngành thuế phải theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích các yếu tố tác động đến số thu, tiến độ thu tại từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế.
Bên cạnh đó, ngành thuế cần tiếp tục triển khai hiệu quả các gói chính sách, giải pháp hỗ trợ NNT đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tạo tiền đề cho tăng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) bền vững. Thứ trưởng Vũ Thị Mai lưu ý, ngành thuế tập trung thanh tra, kiểm tra tại trụ sở NNT theo chuyên đề từ cấp tổng cục đến chi cục đối với các doanh nghiệp thuộc ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao về thuế, các doanh nghiệp hoàn thuế giá trị gia tăng hàng hóa xuất khẩu, các doanh nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế, các doanh nghiệp có giao dịch liên kết; giao dịch liên quan đến thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, các giao dịch đáng ngờ...
Thứ trưởng Vũ Thị Mai phân tích, đến thời điểm 30/6, tỉ lệ tổng tiền thuế nợ trên tổng dự toán thu năm 2022 là 11,3%; trong đó, tỉ lệ tiền thuế nợ có khả năng thu trên tổng dự toán thu năm 2022 là 5,8%. Như vậy, tỉ nợ thuế trên tổng thu NSNN do cơ quan thuế quản lý vẫn còn ở mức cao, do đó ngành thuế triển khai quyết liệt quản lý thu nợ thuế tại cơ quan thuế các cấp.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cũng cho biết, để hoàn thành nhiệm vụ thuế năm 2022 theo chương trình, kế hoạch đã đặt ra, trong 6 tháng cuối năm 2022, ngành thuế tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp quản lý thuế, chống thất thu, tăng cường thu hồi nợ đọng thuế nhằm phấn đầu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách mà Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao.
Bên cạnh đó, ngành thuế tiếp tục tập trung thực hiện tốt các gói miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất trong chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, góp phần giúp doanh nghiệp và người dân nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo đà tăng trưởng kinh tế.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, trọng tâm của quản lý thuế dựa trên nền tảng thuế điện tử và 3 trụ cột cơ bản gồm: Thể chế quản lý thuế đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới; công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh nền kinh tế số.
Để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ thu NSNN năm 2022 được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao nói riêng và nhiệm vụ công tác thuế năm 2022 nói chung, cơ quan thuế các cấp cần tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, toàn ngành tập trung bám sát chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính về triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán NSNN năm 2022 để tổ chức triển khai các giải pháp nhằm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2022. Triển khai thực hiện xây dựng dự toán thu ngân sách năm 2023 và dự kiến thu giai đoạn 3 năm 2023-2025.
Thứ hai, triển khai thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ về thuế theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu trình các cấp có thẩm quyền ban hành các giải pháp phù hợp để tiếp tục hỗ trợ DN và người dân.
Thứ ba, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022.
Thứ tư, tiếp tục rà soát thực hiện cải cách thủ tục hành chính thuế theo yêu cầu tại Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bên cạnh đó, ngành thuế sẽ tập trung xây dựng trung tâm dữ liệu lớn về hóa đơn điện tử (HĐĐT) và các công cụ khai thác, phân tích, quản lý, sử dụng dữ liệu từ HĐĐT phục vụ công tác quản lý thuế; ứng dụng công nghệ AI phân tích, đối soát dữ liệu HĐĐT, quản lý, phân tích rủi ro nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế...
Cơ quan thuế tập trung xây dựng cơ sở pháp lý, giải pháp đồng bộ để chuyển đổi dữ liệu mã số thuế của NNT sang sử dụng mã định danh cá nhân theo Đề án của Chính phủ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần trách nhiệm đội ngũ cán bộ công chức trong thực thi công vụ và thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiết kiệm chống lãng phí, tiêu cực.
Sáu tháng đầu năm 2022, cơ quan thuế tiếp tục thực hiện kiểm soát chặt chẽ các thủ tục hành chính (TTHC) một cách toàn diện và hiệu quả, số TTHC tiếp tục được cắt giảm từ 304 TTHC xuống còn 284 TTHC. Đồng thời, cơ quan thuế tiếp tục thực hiện công khai và cập nhật đầy đủ, kịp thời 179 TTHC lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, các trang thông tin điện tử của cơ quan thuế các cấp... Đối với NNT là DN, cơ quan thuế tiếp tục thực hiện cung cấp dịch vụ khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử đạt tỉ lệ trên 99% số DN đang hoạt động. Đẩy mạnh hỗ trợ khai thuế điện tử đối với NNT là cá nhân. Lũy kế đến giữa tháng 6, đã có 280.786 giao dịch nộp nghĩa vụ tài chính về đất đai của hộ gia đình, cá nhân qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia với số tiền trên 1.224 tỷ đồng.
Anh Minh