Temasek (1974) là một Tập đoàn đầu tư toàn cầu thuộc sở hữu của Chính phủ Singapore, với giá trị ròng của danh mục đầu tư đạt 403 tỷ SGD (297 tỷ USD) tại thời điểm ngày 31/3/2022, chủ yếu tại thị trường Singapore và châu Á.
Tại Việt Nam, Temasek đã đầu tư từ năm 2004 và đến năm 2021 đã giải ngân trực tiếp hơn 1 tỷ USD, sở hữu cổ phần trong một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam như VNG, Scommerce, Golden Gate và Vietcombank.
Thủ tướng hoan nghênh và đánh giá cao hoạt động hợp tác, hỗ trợ của Tập đoàn với các đối tác Việt Nam, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam trong suốt gần 20 năm qua.
Thủ tướng đề nghị tập đoàn mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực hạ tầng (hạ tầng cứng và mềm); lĩnh vực chuyển đổi xanh, kinh tế tuần toàn; đổi mới sáng tạo, sản xuất chip, trung tâm đổi mới sáng tạo tại TPHCM…, tiếp tục đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế xã hội của Việt Nam.
Thủ tướng cũng đề nghị Temasek với mạng lưới đối tác và khách hàng quốc tế rộng lớn sẽ là cầu nối để đưa các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam thời gian tới.
Tiếp đó, Thủ tướng tiếp Lee Wai Fai, Giám đốc Tài chính Tập đoàn UOB.
UOB (1935) là một trong những ngân hàng lớn nhất châu Á, năm 2021, đạt mức lợi nhuận trước thuế khoảng 5,4 tỷ SGD. UOB hoạt động tại Việt Nam từ năm 1993, đến nay đã đầu tư hơn 450 triệu SGD. Tháng 1/2022, UOB đã tuyên bố mua lại mảng bán lẻ của tập đoàn Citigroup tại 4 quốc gia Đông Nam Á trong đó có Việt Nam với tổng giá trị là 3,6 tỷ USD.
Lãnh đạo UOB khẳng định Việt Nam là một trong những địa bàn kinh doanh quan trọng nhất; tin tưởng sự tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam trong thời gian tới; giới thiệu về các khoản đầu tư của UOB tại Việt Nam và kế hoạch trong tương lai, việc hỗ trợ xúc tiến đầu tư… để tiếp tục nắm bắt cơ hội, đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam.
Thủ tướng đánh giá cao đóng góp tích cực, hiệu quả của Ngân hàng UOB trong phát triển lĩnh vực tài chính – tín dụng, đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam; hợp tác xúc tiến và kết nối đầu tư.
Thủ tướng đề nghị UOB tiếp tục phát huy kết quả đạt được, góp phần tạo sự cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả trong lĩnh vực tài chính – tín dụng; giới thiệu và đề xuất các nhà đầu tư tiềm năng, tiếp tục là cầu nối để xúc tiến nhiều hơn nữa các tập đoàn, công ty của Singapore sang Việt Nam đầu tư kinh doanh trong thời gian tới, đặc biệt trong các lĩnh vực hai bên có thế mạnh và tiềm năng hợp tác.
Sáng cùng ngày, Thủ tướng đã tiếp ông Loh Chin Hua, CEO Tập đoàn Keppel.
Keppel (1968) là tập đoàn đa ngành của Singapore hiện diện tại hơn 20 quốc gia, tập trung cung cấp giải pháp nhằm đô thị hóa bền vững về năng lượng, môi trường, cơ sở hạ tầng,… với doanh thu hơn 8,6 tỷ SGD và lợi nhuận đạt 1 tỷ SGD năm 2021.
Ông Loh Chin Hua cho biết Việt Nam là địa bàn đầu tư trọng điểm của tập đoàn với hơn 22 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,6 tỷ USD và tập đoàn có thể kết nối, kêu gọi nguồn vốn từ bên thứ 3 đầu tư vào Việt Nam.
Keppel dự kiến tiếp tục đầu tư các khu đô thị phức hợp mới tại Việt Nam, sử dụng các công nghệ bền vững, sử dụng giải pháp năng lượng hiệu quả; đề nghị hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án…
Đánh giá cao các hoạt động đầu tư, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả thời gian qua của tập đoàn tại Việt Nam, Thủ tướng khuyến khích Keppel mở rộng đầu tư trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, hạ tầng khu công nghiệp, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo và nhất là nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, hạ tầng y tế, giáo dục…
Tại các cuộc tiếp, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam; khẳng định Chính phủ Việt Nam cam kết đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh có hiệu quả và thành công tại Việt Nam; đồng thời đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục đóng góp về cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực.
Hà Văn