Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại đây, Thủ tướng đã tham quan Mô hình toàn cảnh Singapore (Island-wide model) và nghe lãnh đạo Cơ quan Phát triển đô thị Singapore (URA) giới thiệu về quá trình phát triển của Singapore với tư cách là một quốc gia thành phố, các vấn đề quan trọng như quy hoạch và sử dụng đất; phát triển nhà ở cho người dân (khoảng 90% người dân Singapre sở hữu nhà ở, phần lớn người dân sống trong các căn hộ chung cư); xây dựng hệ thống giao thông (nhất là đường sắt, sân bay, cảng biển); bảo tồn và phát triển cây xanh; ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Tiếp đó, Thủ tướng tham quan Triển lãm thành phố thông minh Singapore và nghe lãnh đạo Cơ quan Quốc gia thông minh Singapore giới thiệu về việc ứng dụng công nghệ cho thành phố và cung cấp các dịch vụ cho người dân.
Với diện tích hơn 700 km2 và dân số trên 5,5 triệu người, Singpapore giữ vị trí thành phố thông minh nhất thế giới trong nhiều năm liên tiếp.
Theo "Sáng kiến quốc gia thông minh" do Thủ tướng Lý Hiển Long đề ra cuối năm 2014, Singapore bắt tay xây dựng "thành phố của tương lai". Cơ quan Quốc gia thông minh Singapore được thành lập theo sáng kiến này nhằm khai phá và phát huy các tiềm năng trong lĩnh vực số, phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số, mang lại lợi ích cho người dân.
Trao đổi với lãnh đạo URA và Cơ quan Quốc gia thông minh Singapore, Thủ tướng đặt câu hỏi về triết lý quy hoạch của Singapore.
Trả lời câu hỏi này, lãnh đạo URA cho biết trong quy hoạch, Singapore xác định tầm nhìn tới 50 năm và cả bộ máy sẽ phải làm gì, vận động thế nào để đạt mục tiêu đề ra.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam cũng đang thực hiện theo hướng này, với quan điểm quy hoạch phải có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, dài hạn, đồng thời phải hết sức linh hoạt, phù hợp tình hình, không cứng nhắc.
Trả lời câu hỏi của Thủ tướng về yếu tố quyết định để xây dựng thành công thành phố thông minh, lãnh đạo Cơ quan Quốc gia thông minh Singapore cho rằng, điểm trọng tâm là phải giải quyết được những vấn đề của người dân, xem họ cần gì; công nghệ đã có nhưng phải làm thế nào để người dân muốn sử dụng và sử dụng được.
Tán thành quan điểm này, Thủ tướng cho biết, Việt Nam xác định người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực trong quá trình phát triển; căn cứ nhu cầu của người dân để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, xây dựng chính phủ số, phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số.
Hà Văn