Đó là yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương nêu ra tại phiên họp thường kỳ đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội tháng 2 năm 2023 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong tháng 2, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 75 triệu USD, tăng 21,3% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 80,4 triệu USD, giảm 37,7% so cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 2 ước tăng 13,7% so với cùng kỳ. Khách du lịch cũng tăng 12,5% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế ước đạt 83.000 lượt, tăng hơn 50% so với cùng kỳ. Doanh thu từ du lịch ước đạt 458 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ. Thu ngân sách đến hết tháng 2 ước đạt 1.927 tỷ đồng, đạt 19,4% dự toán. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Khu kinh tế, công nghiệp đã cấp mới 2 dự án FDI với tổng vốn đầu tư cấp mới 3,5 triệu USD, tương ứng với 174,64 tỷ đồng.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho rằng năm 2023 được dự báo nhiều khó khăn, đòi hỏi các sở ngành, địa phương phải tập trung cao độ, quyết tâm hoàn thành tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đặt nền móng tốt nhất để đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý cần tập trung rà soát các chỉ tiêu, các dự án tạo năng lực mới có khả năng đóng góp tăng trưởng kinh tế năm 2023. Tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành Trung ương và các cơ quan, đơn vị, địa phương về Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thực hiện tốt thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây....
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra thực tế để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại các dự án trọng điểm; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách, nhất là các giải pháp tháo gỡ vướng mắc liên quan quy hoạch, thủ tục đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng…
Về công tác giải ngân đầu tư công, năm 2023, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế được Thủ tướng Chính phủ giao là 5.923,257 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách địa phương 3.218,266 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương 2.704,991 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh, đến ngày 28/2 đã giải ngân là 524,291/5.923,257 tỷ đồng, đạt 8,9% kế hoạch.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đại Vui đề nghị các sở, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục để phân bổ chi tiết số vốn kế hoạch 2023 còn lại theo quy định; quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Nhằm đảm bảo hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ban hành kế hoạch giải ngân và phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện cho từng dự án ngay từ đầu năm, giám sát theo từng tháng. Tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường; tăng cường giao ban tiến độ, tần suất kiểm tra hiện trường để chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương yêu cầu lãnh đạo các đơn vị chủ đầu tư tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập; người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công.
Các chủ đầu tư đăng ký và cam kết tiến độ giải quyết từng dự án, báo cáo UBND tỉnh, phân công lãnh đạo theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm trong phát triển kinh tế-xã hội, phát triển đô thị.
Thế Phong