Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phát biểu khai mạc chương trình, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó xác định mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao. Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố festival, trung tâm văn hoá, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.
Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 27/5/2020 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đặc biệt, Thừa Thiên Huế đã được Quốc Hội, Chính phủ quan tâm ban hành Nghị quyết 38/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và Nghị định số 84/2022/NĐ-CP về việc thành lập và Quy chế hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế.
"Các cơ chế, chính sách được đã được thông qua và ban hành có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là công cụ hỗ trợ, khuyến khích, động viên, thúc đẩy tỉnh Thừa Thiên Huế phát huy nội lực, huy động được tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, là động lực quan trọng trong quá trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo lộ trình mà Bộ Chính trị đã đề ra", Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Bên cạnh mặt thuận lợi thì quá trình phát triển thành phố trực thuộc Trung ương cũng gặp những khó khăn, thử thách, như phải làm sao để bảo đảm điều kiện thuận lợi cho bảo tồn và phát triển đô thị di sản. Giải quyết bài toán giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa; giữa bảo tồn, giữ gìn truyền thống và phát huy các giá trị di sản; giữa phát triển đô thị di sản và phát triển thành phố trực thuộc Trung ương; giữ được các thương hiệu mà thành phố đã dày công xây dựng và định vị.
Thứ hai, để phát triển đô thị, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thành phố trực thuộc Trung ương, đòi hỏi tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 2021-2025 lên đến gần 180.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước khoảng 30.000 tỷ đồng, chiếm 17%; vốn doanh nghiệp và dân cư khoảng 60.000 tỷ đồng, chiếm 33%... Trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, việc huy động các nguồn lực đầu tư trở thành thách thức rất lớn đối với tỉnh.
Thứ ba, việc phải bảo tồn di sản, gìn giữ văn hóa đặc sắc và bảo vệ môi trường sinh thái đã tạo nên các rào cản đối với các hoạt động kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, đóng góp nguồn thu ngân sách lớn...
Thứ tư, xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, quy mô nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ, chưa có ngành kinh tế dẫn dắt, chưa tự cân đối ngân sách. Chính vì vậy, tạo ra thách thức cho Thừa Thiên Huế trong việc nâng cao thu nhập và cải thiện cách thức điều tra khảo sát mức sống dân cư trên địa bàn tỉnh để sớm đạt chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người đối với đô thị trực thuộc Trung ương theo các nghị quyết của Quốc hội.
Thứ năm, là địa phương nằm trong vùng duyên hải miền Trung, chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt diễn ra thường xuyên, nên đã tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái và sự phát triển bền vững của tỉnh. Đây là thách thức đặt ra cho Thừa Thiên Huế trong xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng; bố trí, tổ chức không gian phát triển kinh tế-xã hội trên cơ sở thích ứng với biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan.
Theo ông Nguyễn Văn Phương, mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch COVID-19, nhưng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát huy truyền thống đoàn kết, kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được, quyết tâm phấn đấu, nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; tạo nền tảng vững chắc để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó sẽ tập trung hoàn thành và triển khai hiệu quả các quy hoạch, đề án quan trọng, huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nâng cao chất lượng, hiệu quả quy hoạch. Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng để phát triển đô thị và phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, phát huy vị thế 4 trung tâm: Văn hóa-du lịch, y tế chuyên sâu, khoa học-công nghệ và giáo dục-đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.
Tại buổi đối thoại, lãnh đạo UBND cùng các sở, ngành tỉnh đã lắng nghe nhiều ý kiến tâm huyết, trả lời nhiều câu hỏi của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; những khó khăn, vướng mắc cũng như giải pháp triển khai xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian tới.
Nhật Anh