Ngày 6/10, Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, Ban Quản lý Dự án Lâm nghiệp và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) phối hợp tổ chức Diễn đàn "Thúc đẩy bình đẳng giới cho phát triển lâm nghiệp bền vững".
Tại diễn đàn, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp nhận định: "Trong chuỗi các hoạt động lâm nghiệp, bao gồm quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản luôn tiềm ẩn và có thể xuất hiện sự bất bình đẳng trong phân công lao động, chênh lệch tiền lương và cơ hội việc làm; trong giao đất rừng, quyền sử dụng đất, lợi ích xã hội và môi trường lao động… Những bất bình đẳng này chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ".
Nghiên cứu do Bộ NN&PTNT, GIZ và Viện Lâm nghiệp Châu Âu phối hợp thực hiện vào năm 2023 cho thấy, phụ nữ trong ngành lâm nghiệp thường ít có khả năng tiếp cận với các cơ hội đào tạo về chuyên môn và kỹ thuật. Do đó, thu nhập của họ thường thấp hơn nam giới và khoảng cách lương theo giới trong ngành lâm nghiệp lớn hơn đáng kể so với các ngành kinh tế và công nghiệp khác tại Việt Nam. Phụ nữ nông thôn thường vẫn bị thiệt thòi do bất bình đẳng giới trong tiếp cận các lợi ích từ các chính sách và dịch vụ, có thể thấy điều này ở sự chênh lệch giữa nam và nữ về tỉ lệ đăng ký tham gia và nhận tiền phân bổ từ nguồn thu Dịch vụ môi trường rừng (PFES).
Ông Santiago Alonso Rodriguez, Trưởng phòng hợp tác phát triển, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cho rằng: "Chúng ta cần sự đóng góp mạnh mẽ của phụ nữ, nhưng đôi khi tiềm năng này chưa được khai thác đầy đủ trong ngành lâm nghiệp Việt Nam cũng như nhiều ngành khác. Vì vậy, còn nhiều công việc cần được thực hiện trong nhiều lĩnh vực và cấp độ khác nhau".
Thúc đẩy bình đẳng giới đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng một ngành lâm nghiệp bền vững. Bình đẳng giới không chỉ đơn thuần là vấn đề công bằng xã hội mà còn là yếu tố quan trọng đảm bảo sự tồn tại lâu dài và thành công của ngành lâm nghiệp. Việc tích cực thu hút sự tham gia phụ nữ và nam giới từ các tầng lớp xã hội khác nhau vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng sẽ tạo nên sự đa dạng về vai trò, nhu cầu và kinh nghiệm trong ngành này. Nhìn nhận và hài hòa được những khác biệt này có thể dẫn đến những quá trình ra quyết định hiệu quả và bao trùm hơn, đồng thời đảm bảo rằng các thực hành lâm nghiệp được thực hiện một cách bền vững.
Chia sẻ kinh nghiệm về lồng ghép giới trong công tác tác bảo vệ, phát triển rừng tại cơ sở, bà Hoàng Lạc Tú Minh, Kế toán trưởng, Công ty Lâm nghiệp Quy Nhơn khuyến nghị: "Lồng ghép giới và công bằng giới cần thực hiện thông qua nâng cao nhận thức về giới, xóa bỏ định kiến giới, không phân biệt đối xử. Đặc biệt là cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ pháp luật về bình đẳng giới trong lãnh đạo và quản lý cán bộ".
Tại Diễn đàn đã trưng bày triển lãm ảnh với chủ đề "Lâm nghiệp qua góc nhìn phụ nữ" nhằm nêu bật vai trò và đóng góp đa dạng của phụ nữ trong ngành lâm nghiệp.
Đỗ Hương