Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ba điểm nhấn của ngành lâm nghiệp trong năm 2022: Độ che phủ rừng duy trì ở mức 42%; diện tích rừng trồng mới đạt 234.000 ha tính đến hết tháng 11/2022; xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ dự kiến đạt 16,9 tỷ USD, đạt 104% kế hoạch đề ra, xuất siêu khoảng 13 tỷ USD.
Thu dịch vụ môi trường rừng cũng đạt kết quả khả quan, đến thời điểm hiện tại đạt trên 3.640 tỷ đồng, đạt 121,3% kế hoạch thu năm 2022 và bằng 119,5% so với cùng kỳ năm 2021. Công tác bảo vệ rừng chuyển biến rõ rệt diện tích thiệt hại do phá rừng giảm, công tác phòng chống cháy rừng được nâng cao (giảm 64% số vụ và 97% thiệt hại so với năm 2021).
Trị giá xuất khẩu lâm sản trong 11 tháng năm 2022 tăng trưởng chủ yếu là nhờ giá viên nén gỗ tăng từ 110 USD/tấn trong năm 2021 lên 195 USD/tấn trong năm 2022; giá dăm gỗ tăng từ 130 USD/tấn trong năm 2021 lên 200 USD/ tấn trong năm 2022.
Các yếu tố tích cực về giá giúp xuất khẩu dăm gỗ tăng 60,8% và xuất khẩu viên nén gỗ tăng 74,8% so với cùng kỳ năm trước.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị cho biết do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine khiến nguồn cung khi đốt bị đứt gãy, nhiều nước châu Âu tiến hành tích trữ viên nén gỗ để sưởi ấm trong mùa đông. Bên cạnh đó, giá nhiên liệu, chi phí vận chuyển tăng cao dẫn đến Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (3 nước tiêu thụ trên 85% lượng dăm của thế giới) không mua dăm gỗ từ các thị trường xuất khẩu dăm gỗ lớn như Australia, Chile, Nam Phi, Brazil mà quay sang mua của Việt Nam.
Tuy nhiên, bước sang năm 2023, dự báo ngành lâm nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu sản phẩm gỗ, lâm sản ngoài gỗ do người tiêu dùng tại Mỹ, EU thắt chặt chi tiêu để chống lại lạm phát.
Không chỉ phát triển trong xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ, ngành lâm nghiệp đang có tương lai phát triển thương mại từ việc trồng và bảo vệ rừng bền vững.
Trong giai đoạn 2017 - 2019, thế giới đã ghi nhận những dấu hiệu tích cực cho sự phát triển của thị trường CO2 rừng với gần 400 triệu USD được tạo ra từ các giao dịch thị trường các tự nguyện toàn cầu; ít nhất 5,9 tỷ USD đã được chi trả cho các dự án bồi hoàn CO2 rừng trên toàn thế giới và ít nhất 1,3 tỷ USD đã được các bên tăng cường giải ngân hoặc ký hợp đồng để hỗ trợ các nước đang phát triển bảo vệ rừng.
Hiện nay, nhiều nước đã có thị trường carbon nội địa nhưng thị trường CO2 quốc tế thì phải có chứng nhận, tín chỉ quốc tế và cần nguồn kinh phí lớn để có thể xác nhận có bao nhiêu tín chỉ CO2 ở khu rừng đó.
Theo ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), nếu hình thành thị trường tín chỉ CO2 thì Việt Nam sẽ có thêm nguồn lực quan trọng cho công tác bảo vệ, phát triển rừng.
Việt Nam có 4 vùng mà rừng có khả năng hấp thụ CO2 lớn là miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Trong đó, vùng Bắc Trung Bộ thông qua ký kết của Việt Nam với Ngân hàng Thế giới (WB) đã cam kết chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 trong giai đoạn 2018 – 2023 với giá 5 USD/tấn. Điều đáng mừng là ngay trong chu kỳ đầu tiên 2018 – 2021, Việt Nam đã đủ lượng tín chỉ CO2 như đã ký cam kết với WB.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang xây dựng dự thảo nghị định chuyển nhượng phát thải và quản lý tài chính, đến nay, công tác xin ý kiến các bộ ngành đã hoàn tất, chờ Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Khi có Nghị định này, số tiền từ việc bán 10,3 triệu tấn CO2 cho các quỹ đối tác thông qua WB sẽ có cơ sở để phân bổ cho các chủ rừng, ban quản lý bảo vệ rừng, cộng đồng cư dân đang nhận giao khoán, bảo vệ rừng. Việc chi trả cơ bản giống như chi trả dịch vụ môi trường rừng hiện nay nhưng sẽ ưu tiên cho các hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng.
Đáng chú ý, hiện có nhiều đối tác, doanh nghiệp muốn tiếp cận mua tín chỉ carbon của Việt Nam. Đơn cử như Công ty lâm nghiệp SK thuộc Tập đoàn SK (Hàn Quốc) đã đặt vấn đề mua tín chỉ CO2 ở một số tỉnh miền núi phía Bắc.
"Tiềm năng bán tín chỉ CO2 là rất lớn. Mỗi năm có thể có vài chục triệu tấn CO2 đem ra tín chỉ hóa và giao dịch, từ đó có nguồn tài chính bù đắp lại khoản kinh phí bảo vệ, phát triển rừng mà mức hỗ trợ của nhà nước chưa đủ, giảm thiểu áp lực lên ngân sách Nhà nước, bổ sung kinh phí cho việc quản lý, bảo vệ rừng, tạo động lực cho người dân làm cho rừng giàu lên", ông Trần Quang Bảo nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho biết, thời gian tới, ngành lâm nghiệp sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong quản lý bảo vệ và phát triển rừng, sản xuất lâm nghiệp, tập trung vào lĩnh vực giống chất lượng cao; thâm canh tăng năng suất, chất lượng rừng, chế biến gỗ và lâm sản; ưu tiên là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng lâm nghiệp đồng bộ, hiện đại hoá ngành lâm nghiệp và dịch vụ logistics, phát triển ngành chế biến gỗ hiện đại.
Đỗ Hương