In bài viết

Thúc đẩy phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa

(Chinhphu.vn) – Ngày 6/9, Học viện Tài chính - Bộ Tài chính phối hợp với Đại học Greenwich -Vương quốc Anh, Viện kinh tế - Học viện chính trị QGHCM, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức Hội thảo Quốc tế lần thứ bảy: “Phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa”, SEDBM7.

06/09/2024 15:59
Thúc đẩy phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa- Ảnh 1.

PGS.TS.Nguyễn Mạnh Thiều, Phó Giám đốc Học viện tài chính - Ảnh: VGP/HT

Tại hội thảo, PGS.TS.Nguyễn Mạnh Thiều, Phó Giám đốc Học viện tài chính khẳng định: Những xu hướng phát triển trên thế giới đang diễn ra sẽ tác động không nhỏ đến các quốc gia và khu vực, tạo ra cơ hội để phát triển, nhưng cũng mang đến không ít khó khăn, đòi hỏi mỗi quốc gia lựa chọn phương thức ứng phó phù hợp trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi. Việt Nam đang bước vào giai đoạn quyết định "cất cánh" để trở thành nước công nghiệp. Với chiến lược phát triển sáng tạo, khả năng sử dụng hiệu quả các nguồn lực và nền tảng đối ngoại đã được phát triển trong gần 40 năm đổi mới, Việt Nam hoàn toàn có thể "cất cánh" thành công.

Nghị quyết số 29-NQ/TW, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, "Về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", đặt mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp đang phát triển. Bên cạnh đó Việt Nam đã ký nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới có tiêu chuẩn rất cao và mạng lưới liên kết kinh tế sâu rộng với hầu hết các nền kinh tế quan trọng trên thế giới… nên cần có các giải pháp để tận dụng các cơ hội mang lại cũng như vượt qua các thách thức.

PGS.TS.Nguyễn Mạnh Thiều kỳ vọng, các đại biểu sẽ tập trung làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa của cả Việt Nam và thế giới.

Thúc đẩy phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa- Ảnh 2.

Hội thảo Quốc tế lần thứ bảy: “Phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa”, SEDBM7 - Ảnh: VGP/HT

"Thời gian tới Học viện Tài chính sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác, chia sẻ, đồng hành với các nhà khoa học, các đơn vị trong và ngoài nước cùng tổ chức các diễn đàn khoa học, Hội thảo các cấp với nhiều nội dung phong phú và có chất lượng hơn nữa", PGS.TS Nguyễn Mạnh Thiều nói.

GS Grantley Taylor, đến từ Trường Kinh doanh Curtin (CBS) đã chia sẻ thông tin về Lợi nhuận giao dịch nội gián và Hiệu suất phát thải carbon.

Đại diện Trường Kinh doanh Curtin (CBS) cho hay: Lượng khí thải CO₂ có thể ảnh hưởng lớn đến giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư vì rủi ro biến đổi khí hậu xuất phát từ lượng khí thải CO2 sẽ ảnh hưởng đến việc định giá công ty. Theo quy định, các công ty được yêu cầu phải có kế hoạch hành động nhằm giảm lượng khí thải carbon và báo cáo lượng khí thải GHG theo Thỏa thuận Paris (2015).

Ngoài ra, GS Grantley Taylor cũng thông tin thêm về tác động của Đạo luật Việc làm và Cắt giảm Thuế năm 2018 (TCJA) đến vấn đề lợi nhuận giao dịch nội gián. Cụ thể, TCJA đã làm thay đổi cách tính thuế đối với thù lao đối với các giám đốc điều hành cấp cao Luna và cộng sự vào năm 2023. Cụ thể, lương của CEO, tiền thưởng khuyến khích không bằng cổ phần, thưởng cổ phiếu và tổng thù lao đều cao hơn sau TCJA được triển khai. Các công ty có thể trả cho CEO hơn 1 triệu USD tiền lương trước sau khi TCJA có hiệu lực mà không bị phạt thuế. "Những thay đổi về số tiền bồi thường và kết hợp sau TCJA có thể đã ảnh hưởng đến các quyết định giao dịch của nhà điều hành", GS. Grantley Taylor chia sẻ.

TS Alice Nguyen là giảng viên Marketing tại Đại học West Scotland, Vương quốc Anh chia sẻ thông tin hành vi tiêu dùng, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, sản xuất và tiêu dùng bền vững.

PGS Maggie Xiaowen Gao, Chuyên ngành Kế toán và Tài chính tại Trường Kinh doanh Greenwich, Đại học Greenwich chia sẻ về cách tiếp cận thay thế để hỗ trợ tài chính thực hành tuần hoàn của các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ: quan điểm lý thuyết hoạt động. Đây là một trong những nội dung nghiên cứu về lĩnh vực tài chính doanh nghiệp vừa và nhỏ, tài chính doanh nhân; huy động vốn từ cộng đồng và nền kinh tế tuần hoàn; hoạt động của quỹ tín thác và quỹ tương hỗ, quản trị doanh nghiệp và giá trị công ty, thương mại điện tử và các thị trường mới nổi…

Với các phiên thảo luận chuyên đề với chủ đề tài chính cho phát triển bền vững, nhóm nghiên cứu của TS Bùi Hà Linh đã chia sẻ tác động của các yếu tố tài chính và phi tài chính đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại niêm yết tại Việt Nam; tác giả Nguyễn Tiến Nam chia sẻ về dự báo lãi suất trái phiếu doanh nghiệp phát hành trên thị trường quốc tế bằng mô hình CIR; tác giả Tô Minh Hương đã phân tích các mô hình tài chính xanh thành công trên thế giới và đề xuất mô hình cho Việt Nam; nhóm nghiên cứu của tác giả Phạm Hồng Tuyết chia sẻ về mối quan hệ giữa tham nhũng, chia sẻ thông tin tín dụng và phát triển tài chính: Bằng chứng toàn cầu.

Với chuyên đề phát triển kinh tế, quản trị, kế toán trong bôi cảnh toàn cầu hóa, nhóm của PGS.TS. Đỗ Anh Đức đã trao đổi nghiên cứu về: Xác định các chiều hướng để đo lường chất lượng hậu cần ngược trong thương mại điện tử bằng phương pháp đánh giá tài liệu có hệ thống; nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Ngô Thị Thu Hồng trao đổi về Giải pháp hoàn thiện công tác kế toán môi trường tại các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam; tác giả Phan Huy Tâm trao đổi về Vốn con người và tăng trưởng kinh tế: bằng chứng toàn cầu; nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Thị Thanh trao đổi về các yếu tố tác động đến sự phát triển kinh tế số tại Việt Nam.

Ban Tổ chức cho hay, sau hơn 6 tháng gửi giấy mời viết bài, Ban tổ chức đã nhận được 130 bài viết, tham luận gửi về từ hơn 10 cơ sở đào tạo, Viện nghiên cứu trong cả nước, số bài được biên tập đăng kỷ yếu là 113.


Anh Minh