Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo lãnh đạo Viện Đào tạo quốc tế, Chương trình nghị sự 2030 được ký kết vào năm 2015 đã thúc đẩy hành động của các quốc gia trên thế giới trong những năm qua nhằm đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Mặc dù thế giới đã đi được một nửa chặng đường trong hành trình đạt được các mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030 nhưng hiện mới chỉ có 12% các mục tiêu phát triển bền vững đang đi đúng hướng. Năm 2024 được coi là một năm đầy thách thức trong bối cảnh bất ổn toàn cầu khi căng thẳng địa chính trị gia tăng cùng với hậu quả của đại dịch COVID-19 và ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng rõ rệt. Đây cũng được coi là năm bản lề trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường.
Trong những năm qua, Việt Nam đã tích cực triển khai và thực hiện khá thành công một số nhiệm vụ để hướng tới phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, những thành tựu và tiến bộ đã đạt được chưa tương xứng với tiềm năng của đất nước.
Năm 2023, thế giới, bao gồm Việt Nam bước vào chu kỳ tăng trưởng kinh tế thấp. Xu hướng chuyển đổi toàn cầu về tăng trưởng, năng lượng, lương thực… ngày càng rõ hơn khi những khái niệm chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng sạch… thường xuyên được nhắc đến.
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang, hậu quả của dịch bệnh, khủng hoảng khí hậu nghiêm trọng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng Công nghiệp 4.0, Việt Nam cần tận dụng tốt hơn cơ hội và hạn chế những tác động tiêu cực. Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, bên cạnh các công cụ, chính sách của Nhà nước thì còn cần có sự nỗ lực, tích cực đổi mới, phát triển theo hướng bền vững của các doanh nghiệp và mọi người dân.
TS Trịnh Thanh Huyền, Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế (Học viện Tài chính) cho hay: Hội thảo với chủ đề "Phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh mới" cung cấp một cái nhìn tổng quan về phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam thu hút sự quan tâm và tham gia viết bài của các bạn sinh viên đang theo học tại các trường đại học lớn, cả ở Hà Nội và TPHCM. Trải qua các vòng phản biện, 37 bài viết của 149 sinh viên đến từ 7 trường đại học lớn là Viện Đào tạo quốc tế (Học viện Tài chính); Học viện Ngân hàng, Đại học Thương mại, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Ngoại thương, Đại học Luật và Đại học Công nghệ TPHCM đã chính thức được duyệt đăng toàn văn kỷ yếu.
Các bài viết đăng trong kỷ yếu Hội thảo đều có hàm lượng thông tin phong phú tập trung vào các chủ đề: Thị trường tài chính bền vững; trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và phát triển bền vững; yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG); công nghệ tài chính và chuyển đổi số thúc đẩy tăng trưởng bền vững; ảnh hưởng của các vấn đề rủi ro đạo đức tới sự ổn định tài chính dài hạn; kinh doanh bền vững.
Tham gia phát biểu và chia sẻ tại Hội thảo, ngoài 4 bài tham luận xuất sắc được lựa chọn từ 37 bài đăng kỷ yếu. "Đây là lần thứ 3 tổ chức sự kiện khoa học tạo cơ hội để các sinh viên cọ xát, nâng cao khả năng nghiên cứu, liên hệ giữa lý thuyết vào thực tiễn", TS Trịnh Thanh Huyền nói.
Dưới góc độ ngân hàng, lãnh đạo Ban chiến lược Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) chia sẻ kinh nghiệm về phát triển tài chính xanh và vai trò của các NHTM Việt Nam. Đại diện VietinBank cho hay: Các ngân hàng đang tích cực xây dựng khung phát triển bền vững . Trong đó, ngân hàng đã làm việc với đối tác quốc tế hoàn thiện khung ESG tập trung vào các giải pháp tài chính xanh, đồng hành cùng với khách hàng doanh nghiệp.
Lãnh đạo ngân hàng đã có chiến lược hoạt động, đầu tư các nguồn lực, thời gian để triển khai. Ngân hàng có các trụ cột chính là: Kinh doanh truyền thống, ESG, chuyển đổi số và phát triển hệ sinh thái các công ty con. Ngân hàng thúc đẩy chuyển đổi số đi đôi với ESG.
Trong quá trình triển khai, ngân hàng rất cần sự đồng hành của các khách hàng, phối hợp của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức quốc tế, các ngân hàng tài trợ để có thêm nguồn lực đầu tư cho phát triển bền vững. VietinBank hỗ trợ phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả, giảm tiêu tốn năng lượng. Ngân hàng tập trung xanh hóa hoạt động ngân hàng, một số tòa nhà cao tầng có thể lắp pin năng lượng mặt trời, sử dụng năng lượng tái tạo, xây dựng các định mức sử dụng năng lượng, điện nước, tiết kiệm năng lượng...
"Có sản phẩm như tiền gửi xanh với lãi suất ưu đãi. Cụ thể, khi khách hàng có tiền gửi muốn đóng góp với xã hội đóng góp phát triển bền vững đến VTB đăng ký sản phẩm tiền gửi xanh, có cam kết nguồn tiền này sư dụng cho các dự án xanh", đại diện VietinBank cũng giới thiệu.
Anh Minh