In bài viết

Tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh nhờ chính sách tín dụng theo Nghị định 78 của Chính phủ

(Chinhphu.vn) – Chính sách tín dụng theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn các tỉnh miền Trung.

20/09/2022 18:12
Quảng Bình: Trên 600.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn - Ảnh 1.

Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ tại Quảng Bình.

Ngày 20/9, UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Theo đó, trong 20 năm qua, nguồn vốn cho vay trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng trưởng, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Cơ cấu tăng trưởng nguồn vốn có sự chuyển dịch từ nguồn vốn Trung ương sang nguồn vốn địa phương, nhất là sự tăng lên đáng kể của nguồn vốn ngân sách huyện, thị xã ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).

Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu (hộ nghèo, giải quyết việc làm, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn) với tổng dư nợ là 190.288 triệu đồng, trong 20 năm qua, NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình đã giải ngân 26 chương trình tín dụng chính sách với doanh số cho vay đạt 13.047.159 triệu đồng; doanh số thu nợ đạt 8.989.766 triệu đồng.

Tổng dư nợ đến ngày 31/8 đạt 4.233.174 triệu đồng với 22 chương trình tín dụng và 80.085 khách hàng đang còn dư nợ, tăng 4.042.886 triệu đồng và gấp 21,2  lần so với thời điểm nhận bàn giao, bình quân mỗi năm tăng 202,1 tỷ đồng, dư nợ bình quân là 52,8 triệu đồng/khách hàng.

Trong 20 năm qua, từ nguồn vốn vay của NHCSXH cho vay trên 603.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; hỗ trợ hơn 198.000 lượt hộ thoát nghèo; thu hút và tạo việc làm cho gần 62.000 lượt lao động.

Ông Phan Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho rằng: Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là dấu mốc có tính quyết định đối với mô hình tín dụng chính sách xã hội hiệu quả, riêng có của Việt Nam, mô hình đã được Quốc hội, Chính phủ ghi nhận, các quốc gia đánh giá cao về những đóng góp quan trọng cho công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Tại tỉnh Quảng Bình, chính sách tín dụng góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh; giảm tỉ lệ hộ nghèo qua từng năm và trong từng giai đoạn, góp phần đưa tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh đến cuối năm 2021 còn 6,52%, tỉ lệ hộ cận nghèo là 5,38%.

Phát biểu tại hội nghị, ông Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ. 

"Để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tiếp tục phát huy các kết quả đạt được để triển khai thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội gắn với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; duy trì và phát huy hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý đặc thù để triển khai có hiệu quả hơn nữa tín dụng chính sách xã hội", ông Huỳnh Văn Thuận đề nghị.

Tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh nhờ chính sách tín dụng theo Nghị định 78 của Chính phủ  - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao bằng khen của UBND tỉnh và Ngân hàng Nhà nước cho các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ - Ảnh: Cổng TTĐT Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế: Giảm tỉ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống cho người dân

Chiều 20/9, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Trong 20 năm qua, đã có trên 274.000 lượt hộ nghèo, 76.000 lượt hộ cận nghèo, 80.000 lượt hộ mới thoát nghèo và trên 287.000 lượt các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH để sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống; trên 45.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để trang trải các chi phí học tập; giúp người dân ở khu vực nông thôn xây dựng được trên 223.904 công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường; kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động khắc phục khó khăn do đại dịch COVID-19; đã triển khai cho vay 204,8 tỷ đồng đối với các chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. 

Chương trình tín dụng này đã góp phần làm giảm tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giai đoạn 2005-2010 từ 21,17% xuống còn 4,93% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025; góp phần giúp 64/94 xã được công nhận đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới, 02 huyện hoàn thành và đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới. 

Nhằm tiếp tục thực  hiện có hiệu quả Nghị định số 78 của Chính phủ, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội làm đầu mối, phối hợp với sở Tài chính, NHCSXH tỉnh và các ngành liên quan xây dựng đề án bổ sung nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội để phát triển du lịch, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn toàn tỉnh.

Phấn đấu nâng dần tỉ lệ vốn ủy thác địa phương so với tổng nguồn vốn tín dụng chính sách của tỉnh bằng mức trung bình chung toàn quốc. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, đoàn Đại biểu Quốc hội, các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục thực hiện tốt chức năng chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội; lồng ghép tín dụng chính sách với các chương trình hỗ trợ khác để phát huy hiệu quả cao.

Đối với các ngành và UBND các cấp, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách, gắn với các chương trình kinh tế-xã hội của địa phương nhằm thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới,  bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Đối với NHCSXH tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị triển khai kịp thời các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn; tham mưu cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo, phối kết hợp các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị-xã hội thường xuyên nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng phục vụ; chấp hành đúng cơ chế hoạt động của NHCSXH một cách an toàn và hiệu quả. 

 Lưu Hương