FTA Việt Nam - Israel (VIFTA) đã chính thức được ký kết vào ngày 25/7/2023, mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam tại thị trường này.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA) được Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat ký kết tại Văn phòng Thủ tướng Israel trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nhà nước Israel Benjamin Netanyahu và Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Lưu Quang.
Theo TS. Lê Quốc Phương, Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương, việc ký kết VIFTA diễn ra chỉ 3 tháng sau khi tuyên bố kết thúc đàm phán, đây là sự nỗ lực của Bộ Công Thương.
TS. Lê Quốc Phương cho rằng, FTA Việt Nam - Israel đã thể hiện rõ nét chính sách của Việt Nam là hội nhập toàn diện và sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và mở rộng quan hệ với tất cả các nền kinh tế. Đồng thời, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu cho hàng hóa của Việt Nam.
Phân tích rõ hơn về cơ hội này, vị chuyên gia nhìn nhận: Israel không phải là đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam do nằm ở khu vực Tây Nam Á, với khu vực này, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam chưa cao, song Việt Nam vẫn đang nỗ lực để mở rộng thị trường bởi hàng hóa giữa hai bên có tính chất bổ sung cho nhau.
Israel hiện là thị trường xuất khẩu đứng thứ 3, là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại khu vực Tây Á. Do đó, sau khi FTA được ký kết và đi vào thực thi sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại hai chiều đi lên.
Bên cạnh đó, với khu vực Tây Á, hiện Israel đóng vai trò như một bàn đạp để hàng hóa Việt Nam hiện diện rõ hơn ở khu vực Tây Nam Á. Nếu vào được thị trường Israel, hàng hóa Việt Nam sẽ có cơ hội vào được rất nhiều thị trường khác của khu vực.
Một điểm nữa, Israel là một nền kinh tế có công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ trong nông nghiệp. Do đó, FTA này không chỉ giúp khơi mở hơn nữa quan hệ thương mại giữa hai nước mà còn giúp thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam - lĩnh vực Việt Nam rất cần và muốn phát triển nhưng sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Xét về mặt quy mô thương mại và đầu tư, so với các FTA đã ký như FTA với EU, CPTPP…, FTA Việt Nam-Israel không có quy mô lớn nhưng lại có nhiều ý nghĩa trong việc hướng tới tương lai.
Hiệp định này sẽ giúp Việt Nam vừa đa dạng hóa, đa phương hóa, mở rộng quan hệ thương mại với khu vực Tây Á, Tây Nam Á, là khu vực mà chúng ta vẫn đang có những quan hệ tương đối hạn chế và mong muốn được mở rộng. Đồng thời, đa dạng hóa các nguồn đầu tư trong bối cảnh kinh tế thế giới còn khó khăn.
Để tận dụng được tốt FTA này, TS. Lê Quốc Phương cho rằng, doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ về thị trường. Đồng thời, sản phẩm của doanh nghiệp phải đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn, kỹ thuật của các thị trường.
Hiện nay, nhiều FTA đòi hỏi các tiêu chuẩn về môi trường, lao động, sử dụng nguồn nhân lực… song tất cả những điều đó, doanh nghiệp Việt còn rất yếu.
Doanh nghiệp cũng cần nỗ lực nâng cao tỉ lệ nội địa hóa. Đồng thời tìm hiểu để tận dụng được các ưu đãi về chứng nhận xuất xứ hàng hóa để tận dụng hiệu quả FTA.
Một nhận định nữa về FTA Việt Nam-Israel, theo PGS.TS Ngô Trí Long (Chuyên gia kinh tế) mỗi FTA luôn đi kèm giữa cơ hội và thách thức.
Mặc dù Israel là một đất nước nhỏ nhưng lại có một nền kinh tế và hoạt động ngoại thương rất mạnh. Dân số Israel chỉ bằng 1/10 của Việt Nam, khoảng gần 10 triệu dân, nhưng thu nhập bình quân đầu người của họ lại rất cao, vào khoảng 55.000 USD/năm. Hoạt động thương mại của Israel, bình quân hằng năm khoảng trên 173 tỷ USD, trong đó họ nhập siêu là chủ yếu.
Mặt khác, Israel là một đất nước không có nguồn tài nguyên dồi dào, diện tích có đến 70% là sa mạc nên nguồn tài nguyên rất khan hiếm. Cũng chính vì điều kiện thiên nhiên rất khó khăn, cho nên hoạt động thương mại của họ chủ yếu là nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu hàng tiêu dùng.
Theo số liệu được công bố, hằng năm, kim ngạch nhập khẩu của Israel khoảng 35 tỷ USD đối với mặt hàng tiêu dùng. Trong khi đó ngành hàng này lại là một trong những thế mạnh của Việt Nam. Đồng thời, chúng ta cũng cần tạo ra những điều kiện để có thể tận dụng thế mạnh của họ bằng những tri thức, bằng kỹ thuật công nghệ cao mà Việt Nam có nhu cầu.
Bên cạnh đó, khi FTA có hiệu lực với thuế quan giảm theo từng giai đoạn sẽ có lợi thế rất lớn về hoạt động xuất nhập khẩu. Hiện, Việt Nam có khoảng 70 mặt hàng có thể xuất khẩu được sang Israel.
"Mỗi một hiệp thương mại tự do lại đem lại những cơ hội và thách thức khác nhau. Thách thức đối với Việt Nam là về năng lực cạnh tranh. Do đó, doanh nghiệp phải chủ động trong tìm hiểu những cơ chế, chính sách, thị trường, những rào cản thương mại để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa của mình", PGS.TS Ngô Trí Long đề nghị.
Vị chuyên gia cũng cho rằng, các doanh nghiệp muốn tận dụng được lợi thế của FTA Việt Nam - Israel hoạt động phải chuyên nghiệp hơn. Bởi, Israel là đối tác có năng lực cạnh tranh lớn, khoa học kỹ thuật rất phát triển nên những mặt hàng tiêu dùng mà Việt Nam xuất khẩu sang phải chú ý nâng cao chất lượng, đặc biệt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiệp định VIFTA gồm 15 chương và một số phụ lục đính kèm các chương với các nội dung cơ bản như thương mại hàng hóa, dịch vụ - đầu tư, quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT), các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật (SPS), hải quan, phòng vệ thương mại, mua sắm Chính phủ, pháp lý - thể chế.
Với việc đạt được các thỏa thuận tại tất cả các chương trong hiệp định, nhất là cam kết mạnh mẽ của hai bên về nâng cao tỉ lệ tự do hóa thương mại với tỉ lệ tự do hoá tổng thể đến cuối lộ trình cam kết của Israel là 92,7% số dòng thuế trong khi của Việt Nam là 85,8% số dòng thuế, hai bên kỳ vọng rằng thương mại hai chiều sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc, sớm đạt mức 3 tỷ USD và cao hơn nữa trong thời gian tới.
Các sản phẩm được giao dịch giữa hai quốc gia là: Hóa chất, sản phẩm công nghiệp hóa chất, thiết bị điện tử, thiết bị quang học và y tế, máy móc, thiết bị điện và cơ khí, nông sản tươi sống và thực phẩm.
Israel nhập khẩu từ Việt Nam nhiều sản phẩm tiêu dùng như quần áo, giày dép, cà phê, điện thoại di động... Những năm gần đây, xe điện sản xuất tại Việt Nam thậm chí đã bắt đầu được bán tại Israel.
Việc Hiệp định FTA Việt Nam - Israel được ký kết ngay trong năm 2023 càng có ý nghĩa quan trọng bởi năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 30 năm ngày Việt Nam và Israel thiết lập quan hệ ngoại giao.
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Israel đạt 2,2 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Israel đạt 785,7 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Israel đạt 1,4 tỷ USD.
Mỗi năm có khoảng trên dưới 70 diện mặt hàng các loại của Việt Nam được xuất khẩu sang Israel.
Năm 2022, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: Điện thoại di động và linh kiện đạt 293,2 triệu USD, hàng thủy hải sản đạt 80,4 triệu USD (gồm tôm, mực đông lạnh, cá ngừ đóng hộp, cá tra…), nông sản các loại (như hạt điều đạt 59,8 triệu USD, cà phê đạt 24,3 triệu USD, gia vị các loại…), giày dép đạt 92,3 triệu USD, hàng dệt may đạt 32,8 triệu USD.
Ngoài ra, còn có các mặt hàng xuất khẩu khác như: Hàng điện tử, máy móc thiết bị điện, hàng gia dụng, đồ nhà bếp, nước giải khát, lương thực thực phẩm chế biến sẵn thuộc nhóm hàng khô, bánh kẹo, trái cây chế biến sấy khô và đóng hộp…
Ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) khẳng định: Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cùng với Thương vụ Việt Nam tại Israel sẽ liên tục cập nhật thông tin diễn biến thị trường, các thay đổi chính sách thương mại, quy định nhập khẩu mới của Israel và đăng tải rộng rãi trên các trang thông tin điện tử và tạp chí.
Thương vụ Việt Nam tại Israel luôn sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xác minh thẩm tra tư cách pháp nhân các doanh nghiệp đối tác tại Israel, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với thị trường và thiết lập quan hệ hợp tác kinh doanh với Israel.
Phan Trang