Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và TP. Hà Nội.
Tại buổi gặp, thay mặt cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Israel, Đại sứ Lý Đức Trung đã báo cáo với Phó Thủ tướng kết quả hoạt động của Đại sứ quán, quan hệ Việt Nam-Israel, cũng như tình hình cộng đồng người Việt Nam tại Israel thời gian gần đây.
Về quan hệ Việt Nam-Israel, sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Israel trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của nhau tại các khu vực Đông Nam Á và Trung Đông.
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Israel đạt 2,2 tỷ USD. Quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Israel có những động lực phát triển mới khi Tập đoàn CT Group khai trương Văn phòng đại diện tại Tel Aviv để kết nối, thúc đẩy hợp tác với thị trường đổi mới sáng tạo và công nghệ cao của Israel.
Tập đoàn Vingroup cũng đầu tư khoảng 40 triệu USD vào phát triển pin sạc nhanh cho xe ô tô điện và công nghệ ô tô tự lái cũng như chính thức chỉ định đại lý phân phối xe ô tô VinFast tại thị trường Israel.
Năm 2023 có ý nghĩa quan trọng khi sau 7 năm, trải qua 12 vòng, Việt Nam và Israel đã chính thức kết thúc đàm phán và chuẩn bị ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA) – hiệp định thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam với khu vực Trung Đông đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Bên cạnh đó, các hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực khoa học công nghệ, nông nghiệp thông minh, giao lưu nhân dân cũng diễn ra sức sôi động, góp phần tích cực vào việc củng cố, phát triển trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, mang tới cơ hội học tập và tăng tần suất đi lại du lịch cho nhân dân hai nước.
Trong chuỗi các hoạt động nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ, Đại sứ quán Việt Nam tại Israel cũng đã thúc đẩy việc thành lập Hội hữu nghị Israel - Việt Nam và khai trương Không gian Văn hoá và Du lịch Việt Nam tại thành phố Netanya, Israel.
Cộng đồng người Việt Nam tại Israel có gần 700 người, trong đó có 500 kiều bào thế hệ thứ nhất, hầu hết đều giữ quốc tịch, hộ chiếu Việt Nam. Nhìn chung cộng đồng người Việt Nam tại Israel luôn đoàn kết, quan tâm lẫn nhau, luôn hướng về quê hương đất nước.
Israel là địa bàn thu hút lưu học sinh Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, do tác động của dịch COVID-19, số lượng tu nghiệp sinh Việt Nam sang Israel học tập giảm mạnh.
Cộng đồng người Việt Nam tại Israel mong muốn Việt Nam và Israel tiếp tục thúc đẩy hợp tác tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Israel, trong đó có doanh nghiệp của kiều bào tăng cường đầu tư vào Việt Nam; cải cách chính sách thị thực nhằm đẩy mạnh thu hút khách du lịch từ Israel đến thăm Việt Nam.
Nhiều bạn trẻ Việt Nam là tu nghiệp sinh tại Israel mong muốn có nhiều cơ hội và hình thức trao đổi, giao lưu với các địa phương của Việt Nam để kết nối, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Phát biểu tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng ghi nhận, biểu dương nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước trên các lĩnh vực; mong muốn Đại sứ quán không chỉ hoàn thành tốt trọng trách là cầu nối thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Israel mà còn là chỗ dự tinh thần, gắn kết hơn nữa cộng đồng người Việt Nam tại Israel.
Phó Thủ tướng cũng mong muốn bà con kiều bào luôn gìn giữ truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam; luôn đoàn kết, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau; tuân thủ luật pháp sở tại, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Israel cũng như quan hệ hữu nghị Việt Nam-Israel và luôn hướng về quê hương, đất nước.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thông báo về tình hình kinh tế-xã hội và đối ngoại của đất nước; việc sửa đổi, bổ sung chính sách thị thực và chế độ chính sách đối với nhân viên ngoại giao cho thời gian tới.
Về phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế phục hồi nhanh nhất sau đại dịch, đạt mức tăng trưởng 8,02% năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3,72% trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn đến 200% trong khi khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 732,5 USD tỷ năm 2022, tăng 9,5% so với năm 2021, và là năm thứ 7 liên tiếp Việt Nam xuất siêu. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 317 tỷ USD, xuất siêu 12,26 tỷ USD.
Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 27,72 tỷ USD năm 2022 và gần 13,5 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023, tập trung vào các lĩnh vực chế biến, chế tạo, tài chính, ngân hàng…
Về đối ngoại, Việt Nam coi trọng quan hệ với các đối tác tại khu vực Trung Đông, trong đó có Israel. Quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Israel đạt nhiều bước phát triển tích cực trong thời gian qua.
Trong chuyến thăm Israel lần này, Phó Thủ tướng sẽ chứng kiến lễ ký kết Hiệp định tự do thương mại giữa (FTA) Việt Nam và Israel – FTA đầu tiên giữa Việt Nam với một quốc gia ở Trung Đông và là FTA thứ 16 giữa Việt Nam với các đối tác trên thế giới.
Về thị thực, Phó Thủ tướng cho biết dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua quy định cho phép người nước ngoài nhập, xuất cảnh Việt Nam bằng thị thực điện tử trong kỳ họp tới với kỳ vọng tạo cú hích trong thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch.
Trước mong muốn của bạn Bích Thủy (tu nghiệp sinh Việt Nam tại Israel) về hỗ trợ tài chính cho khoảng 10 tu nghiệp sinh Việt Nam có nhu cầu tiếp tục học tập, nghiên cứu tại Israel, Phó Thủ tướng giao Đại sứ Việt Nam tại Israel lập danh sách các bạn có nhu cầu gửi Phó Thủ tướng để có hình thức hỗ trợ các bạn tu nghiệp sinh này hiện thực hóa giấc mơ học tập, nghiên cứu của mình.
Trước đó, trong chuyến thăm chính thức Tây Ban Nha đầu tháng 3/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng đã trực tiếp trao tặng một phần kinh phí cho Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Tây Ban Nha Nguyễn Thị Phương Thảo để hỗ trợ các hoạt động của Hội./.
Hải Minh