In bài viết

Tính cấp thiết hình thành kho dữ liệu số dùng chung cho công tác truyền thông

(Chinhphu.vn) - Ngày 12/8, Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động Cổng Thông tin điện tử các Bộ, ngành năm 2023 do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ chủ trì tổ chức đã diễn ra thành công tốt đẹp tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Bên cạnh các ý kiến phát biểu trực tiếp, Hội nghị đã nhận được nhiều tham luận của các bộ, ngành. Cổng TTĐT Chính phủ xin trân trọng giới thiệu nội dung tham luận của Bộ Tư pháp về "Tính cấp thiết hình thành kho dữ liệu số dùng chung và sự cần thiết xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện sản xuất các sản phẩm truyền thông".

16/08/2023 08:37
Tính cấp thiết hình thành kho dữ liệu số dùng chung - Ảnh 1.

Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động Cổng Thông tin điện tử các Bộ, ngành năm 2023 diễn ra thành công tốt đẹp

"Trong xã hội hiện đại ngày nay, công tác truyền thông có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, tác động lên mọi mặt của đời sống xã hội. Trong hoạt động quản lý nhà nước, truyền thông là phương thức hiệu quả để truyền tải thông tin từ cơ quan quản lý tới đối tượng quản lý, đồng thời là công cụ đắc lực để tiếp nhận phản hồi từ người dân, xã hội để hướng tới mục tiêu chung là tạo nên đồng thuận xã hội.

Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước ta hiện nay, với việc xác định phương châm hành động cho nhiệm kỳ 2021-2026 là "Xây dựng Chính phủ "đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ", việc Chính phủ cũng như các bộ, ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác truyền thông nói chung, đầu tư phát triển các phương thức, công cụ, kênh truyền thông nói riêng càng có ý nghĩa cấp thiết.

Tính cấp thiết hình thành kho dữ liệu dùng chung

Tại Bộ Tư pháp, thời gian qua, công tác truyền thông đã được các đơn vị thuộc Bộ quan tâm thực hiện, song hành và gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị, góp phần lan tỏa hình ảnh, những đóng góp của Bộ, ngành tư pháp đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Tuy nhiên, do chưa có phần mềm Kho dữ liệu số để quản lý, lưu trữ, khai thác các sản phẩm truyền thông về hoạt động của bộ, ngành tư pháp, nên phương thức lưu trữ của các đơn vị không thống nhất làm mất mát, hư hại; thiếu đầu mối, công cụ, phương tiện trong quản lý thống nhất, tập trung các sản phẩm truyền thông dẫn đến những khó khăn trong tra cứu, khai thác, sử dụng dữ liệu, sản phẩm truyền thông, đáp ứng yêu cầu công tác.

Từ thực tiễn quản lý dữ liệu truyền thông nêu trên tại Bộ Tư pháp, chúng tôi cho rằng, việc xây dựng Phần mềm Kho dữ liệu số hỗ trợ lưu trữ, quản lý, khai thác dữ liệu số đa phương tiện tập trung là cần thiết nhằm tạo nên một hệ thống dữ liệu rõ ràng, cụ thể, có sự phân loại dữ liệu theo nhiều tiêu chí (theo đơn vị; lĩnh vực; cá nhân và hoạt động, sự kiện…) từ đó hỗ trợ hoạt động quản lý dữ liệu truyền thông của bộ, ngành được đầy đủ, chính xác, kịp thời. Bên cạnh đó, điều này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tra cứu, khai thác, trích xuất thông tin khi có nhu cầu và cho phép đánh giá nhu cầu khai thác, sử dụng của các dữ liệu đa phương tiện của bộ, ngành.

Việc xây dựng phần mềm Kho dữ liệu số hỗ trợ lưu trữ, quản lý, khai thác dữ liệu số đa phương tiện dự kiến sẽ mang lại những hiệu quả như sau:

Thứ nhất, dữ liệu tập trung, thống nhất theo một quy chuẩn, bảo đảm an toàn, thuận tiện trong việc tra cứu, khai thác, quản trị, hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý và xây dựng các sản phẩm truyền thông của bộ, ngành.

Thứ hai, giúp bảo quản các dữ liệu truyền thông một cách an toàn, kéo dài tuổi thọ của tài liệu, tránh thất lạc, mất mát; tăng tính hiệu quả của tài liệu khi được khai thác, sử dụng, tái sử dụng hợp lý.

Thứ ba, tốc độ tìm kiếm, thu thập các tài liệu liên quan đến việc xây dựng sản phẩm truyền thông, mở rộng phương thức khai thác để đáp ứng yêu cầu của người dùng sẽ được tăng nhanh, tạo cơ sở vững chắc cho việc triển khai các nội dung tiếp theo của quá trình chuyển đổi số, một yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình thực hiện Chính phủ điện tử.

Ngày 30/12/2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký ban hành Quyết định số 2599/QĐ-BTP phê duyệt Đề án "Xây dựng Kho dữ liệu truyền thông về hoạt động của bộ, ngành Tư pháp". 

Quá trình xây dựng phần mềm Kho dữ liệu số đang được các đơn vị triển khai thực hiện, dự kiến sẽ vận hành vào cuối năm 2023. Việc xây dựng Kho dữ liệu số của bộ, ngành, hướng tới hình thành Kho dữ liệu truyền thông dùng chung của Chính phủ sẽ giúp chuyên nghiệp hoá công tác truyền thông, ứng dụng chuyển đổi số, quản lý thống nhất mọi cơ sở dữ liệu, góp phần phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước của Chính phủ nói chung và các bộ, ngành nói riêng.

Tính cấp thiết hình thành kho dữ liệu số dùng chung - Ảnh 2.

Việc xây dựng phần mềm Kho dữ liệu số hỗ trợ lưu trữ, quản lý, khai thác dữ liệu số đa phương tiện dự kiến sẽ mang lại nhiều hiệu quả.

 Sự cần thiết xây dựng Kế hoạch phối hợp thực hiện sản xuất các sản phẩm truyền thông

Cùng với các bộ, ngành, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã có sự phối hợp chặt chẽ với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trong triển khai thực hiện hiệu quả công tác truyền thông.

 Nhiều nhiệm vụ trọng tâm, sự kiện và hoạt động nổi bật của bộ, ngành tư pháp đã được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ kịp thời phản ánh thông qua tin, bài, phỏng vấn, các chương trình giao lưu, toạ đàm… qua đó góp phần lan toả sâu rộng kết quả công tác, đồng thời, kịp thời định hướng người dân và xã hội những vấn đề thuộc phạm vi quản lý.

Để tăng cường hơn nữa hoạt động truyền thông, đặc biệt là truyền thông chính sách, đòi hỏi sự đầu tư, gắn kết hơn nữa hoạt động truyền thông của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ với hoạt động truyền thông của các bộ, ngành. Trên cơ sở đó, việc xây dựng Kế hoạch phối hợp thực hiện sản xuất các sản phẩm truyền thông giữa Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và các bộ, ngành là cần thiết nhằm đạt được một số mục đích sau:

Thứ nhất, tạo cơ sở, căn cứ phối hợp để triển khai một cách đồng bộ, toàn diện và bài bản công tác truyền thông giữa hoạt động của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và các bộ, ngành. 

Hằng năm, các bộ, ngành đều ban hành công tác truyền thông trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, nếu có sự gắn kết từ khâu xây dựng Kế hoạch và tham gia sâu hơn vào công tác truyền thông tại các bộ, ngành, sẽ tạo sự chủ động cho Cổng và các cơ quan trong phối hợp tổ chức thực hiện.

Thứ hai, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất các chương trình truyền thông của Cổng được phong phú về nội dung, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm.

Thứ ba, lan toả, tạo hiệu ứng truyền thông tốt hơn cho hoạt động của Cổng; phát huy và nâng cao vai trò trung tâm của Cổng trong triển khai, tổ chức thực hiện công tác thông tin, truyền thông hoạt động của Chính phủ."