Phó Thủ tướng và đoàn công tác đã xuống kiểm tra thực địa và trò chuyện với một số người dân tại Phường 5 (Quận 8) về thực hiện phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại gia đình.
Một người dân cho biết, cán bộ y tế cơ sở, tổ dân phố, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ… rất quan tâm, đã 3-4 lần đến tuyên truyền, hướng dẫn cách vệ sinh nhà cửa, không để những vật dụng lưu cữu nước mưa, đọng nước mưa làm nơi sinh sôi của loăng quăng, bọ gậy.
Ngay sau đó, Phó Thủ tướng đã có cuộc làm việc nhanh ngay tại trụ sở UBND Phường 5 với lãnh đạo UBND TPHCM, Sở Y tế, Quận 8, một số sở, ngành của TPHCM… về công tác phòng, chống sốt xuất huyết, trong bối cảnh dịch mới bắt đầu mùa mưa nhưng số ca nhiễm, tử vong đều tăng.
Ông Hoàng Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Y tế Quận 8 cho biết thường xuyên khảo sát, đánh giá, xử lý, giám sát những điểm có nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn; tổ chức ra quân tổng vệ sinh, diệt loăng quăng, bọ gậy; đánh giá dịch tễ, khoanh vùng các ổ dịch.
Về công tác điều trị, Giám đốc Bệnh viện (BV) Quận 8 Trần Quốc Hùng cho hay, đơn vị chuẩn bị cơ bản đầy đủ các loại thuốc điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Đối với những loại thuốc còn thiếu, hoặc không có, đã được thay thế bằng những thuốc khác tương tự.
Báo cáo với Phó Thủ tướng trong cuộc kiểm tra, làm việc về công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, từ đầu năm đến nay, tại khu vực phía Nam ghi nhận gần 56.000 ca sốt xuất huyết, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2019. Tại TPHCM đã ghi nhận 18.976 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 151,6% với cùng kỳ năm 2021 là 7.542 ca, với số ca sốt xuất huyết nặng là 311 ca, tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc sốt xuất huyết là 1,6% (311/18.976) tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021 là 0,4% (33/7.542).
Đáng chú ý, số ca nhập viện tăng vọt trong những tuần gần đây. Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TPHCM Nguyễn Thành Dũng dẫn số liệu, từ tháng 4 đến tháng 6 số bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị nội, ngoại trú tại bệnh viện tăng gấp 4 lần. Hiện nay, số bệnh nhân nhập viện có tới một nửa là bị sốt xuất huyết.
"Trong khi đó, dịch sốt xuất huyết ở TPHCM mới chỉ ở đầu mùa và đỉnh dịch sẽ vào khoảng tháng 8, tháng 9", ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu lo lắng.
Để ứng phó với những diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết, ngày 26/6, Thành phố bắt đầu triển khai đợt cao điểm tổng vệ sinh trên toàn địa bàn; nhắn tin nhắc nhở người dân dành thời gian dọn vệ sinh nhà cửa, lãnh đạo các đơn vị, cơ quan tổ chức vệ sinh nơi làm việc.
Các quận, huyện như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Tân, Quận 12, Tân Phú là những địa bàn đang cần triển khai quyết liệt giải pháp phòng, chống dịch.
Sở Y tế TPHCM đã xây dựng các kịch bản thu dung, điều trị khi số ca mắc, ca nặng tăng cao; kích hoạt hệ thống hội chẩn từ xa, kết nối với các tỉnh, thực hiện can thiệp tại chỗ; tập huấn phác đồ điều trị cho mạng lưới y tế Thành phố và các tỉnh phía Nam; tăng cường hồi sức chuyên sâu cho BV tuyến cuối…
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị TPHCM phát huy kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID-19, chính quyền cơ sở giao cho các nhóm, đoàn thể thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh… giám sát, tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở định kỳ từng nhóm, cụm gia đình thực hiện vệ sinh nhà cửa, diệt loăng quăng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý thêm, việc phát động người dân, cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện tổng vệ sinh phải liên tục, không chỉ 1-2 đợt. Công tác điều trị, BV các tuyến, các tỉnh phải bảo đảm đầy đủ thuốc, dịch truyền điều trị kịp thời cho bệnh nhân sốt xuất huyết, hạn chế chuyển tuyến trên, chuyển lên TPHCM.
Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, lãnh đạo đạo Bộ Y tế, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thắng khẳng định sẽ tập trung các giải pháp dựa trên kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua để áp dụng cho phòng, chống sốt xuất huyết thời gian tới.
Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM đã báo cáo thêm về tình hình triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn thời gian qua.
Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng thông tin: Suốt 2 tuần qua Thành phố đã mở đợt cao điểm tiêm vaccine, đồng thời thông tin biến thể BA.5 của Omicron đã xuất hiện tại Việt Nam tác động mạnh mẽ đến nhận thức tiêm vaccine mũi tăng cường của người dân.
Trong vòng 2 tuần, số người tiêm vaccine đã gấp 5 lần so với thời gian trước đó. Với tốc độ tiêm những ngày qua, ngành y tế TPHCM hy vọng sẽ sớm hoàn thành mục tiêu bao phủ tiêm mũi 3 (hiện đạt 80%) và tăng nhanh tỉ lệ đối tượng được tiêm mũi 4.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, lãnh đạo Thành phố đã họp và nghiêm khắc phê bình những địa phương chậm triển khai tiêm vaccine, hoặc tỉ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 chưa đạt so với kế hoạch.
Theo Phó Thủ tướng, mặc dù chủng virus gây bệnh có nhẹ đi, nhưng dịch vẫn chưa hết hẳn. Nếu nhiều người nhiễm cùng lúc thì vẫn sẽ dẫn đến quá tải, ca bệnh chuyển nặng, tử vong sẽ nhiều. Vì vậy, mỗi người cần tuân thủ thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Vừa qua, Bộ Y tế đã ra hướng dẫn mới về tiêm liều bổ sung, mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên. Tất cả những đối tượng cần tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì phải thực hiện đầy đủ. Việc này cần được thực hiện bằng tuyên truyền, vận động, gương mẫu. Đây là quyền lợi của mỗi người gắn cùng trách nhiệm với bản thân, cộng đồng.
Ngành y tế cũng cần cử những chuyên gia giỏi, có uy tín để tuyên truyền, giải thích đầy đủ cho người dân về những tác dụng phụ khi tiêm vaccine trước những lời đồn đoán không có cơ sở.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành y tế tiếp tục duy trì, củng cố toàn bộ hệ thống giám sát dịch, "tiếp tục trực chiến".
Sau khi kiểm tra công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, bệnh nhân sốt xuất huyết tại BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tiêm vaccine mũi 4 theo như hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế về tiêm liều bổ sung, mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên.
Mạnh Hùng