Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chiều 27/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Y tế làm việc với Sở Y tế TPHCM về phòng, chống dịch sốt xuất huyết (SXH).
SXH là dịch bệnh thường xuyên xảy ra ở địa bàn TPHCM nói riêng và các tỉnh phía nam nói chung trong những tháng của mùa mưa. Tính đến tháng 6/2022, đã có 77.000 ca mắc SXH (trong đó có 30 ca tử vong), tăng 131% so với cùng kỳ; còn so với trung bình giai đoạn năm 2016-2020, tăng 61%. TPHCM hiện là địa phương ghi nhận số ca mắc SXH nhiều nhất với 18.976 trường hợp (tính đến 27/6) và có 10 ca tử vong.
Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng bày tỏ, những ngày qua, lãnh đạo Sở Y tế đã bàn bạc rất nhiều, không phải về việc "hãy diệt hết muỗi, loăng quăng" mà bàn bạc làm thế nào để đối phó với căn bệnh có từ hàng chục năm nay, cứ định kỳ là lại bùng lên và giờ đây, số ca mắc và số ca chuyển nặng tăng lên cao hơn so với cùng kỳ.
"Nhiệm vụ phòng, chống SXH gần như giao phó cho Sở Y tế, trong khi mỗi mình ngành y tế không thể diệi hết muỗi, loăng quăng được", ông Tăng Chí Thượng nêu vấn đề và đề xuất giải pháp vận động hệ thống y tế cơ sở với sự tham gia của ban chỉ đạo phòng, chống dịch của địa phương. Cụ thể, Sở Y tế Thành phố đã chính thức đề xuất đổi tên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế Thành phố thành Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch để phát huy vai trò hết sức quan trọng của các địa phương trong nhiệm vụ này.
Đồng tình với ý kiến trên, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nêu rõ: "Cơ chế truyền bệnh SXH hàng chục năm qua không có gì thay đổi, vì vậy, số ca mắc SXH tăng cao chắc chắn là do việc kiểm soát về loăng quăng, muỗi có vấn đề".
TPHCM hiện đang có rất nhiều công trình xây dựng, nhiều nhà máy, xí nghiệp, nhà hàng, cơ sở thờ tự, nhiều khu đất trống để chuẩn bị dự án mới… nên việc diệt muỗi, loăng quăng chỉ tập trung ở nhà dân là chưa đủ mà phải có đội giám sát, kiểm tra ở các phường, xã đến tổ dân phố để kiểm tra các nơi ứ đọng nước…
Theo Thứ trưởng, ở một số địa phương, số lượng bệnh nhân SXH đã bắt đầu tăng lên, dự báo sẽ tiếp tục tăng dần trong tháng 7,8 và có thể kéo dài đến tháng 10,11, cho nên việc quan tâm chỉ đạo không chỉ là trách nhiệm của ngành y tế mà cả hệ thống chính trị phải thực sự vào cuộc.
"Tôi hoàn toàn thống nhất với đề xuất của Sở Y tế là chúng ta phải có một ban chỉ đạo, có thể tích hợp với ban chỉ đạo phòng, chống dịch nói chung của Thành phố nhưng phải có hoạt động chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố cùng các sở, ban, ngành tham gia, đặc biệt là hệ thống các quận, huyện, cho đến các phường, xã, người dân cùng nhau vào cuộc", ông Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Từ đó, Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Thành phố phối hợp với Cục Y tế dự phòng tiếp tục tập huấn cho đội ngũ y tế cơ sở để tham mưu cho chính quyền địa phương tham gia vào công cuộc phòng, chống SXH. Ngoài ra, cần xây dựng hoạt động tuyên truyền, tập huấn về cách nhận biết bệnh SXH, những ca nặng cho hệ thống y tế tư nhân, đặc biệt là ở các phòng khám, phòng mạch trên địa bàn Thành phố bởi đây là những đơn vị tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hữu Hưng, ngay từ những tháng đầu tiên của mùa mưa, khi số ca SXH có dấu hiệu tăng cao, Sở đã tham mưu UBND Thành phố ban hành văn bản nêu rõ tình hình, SXH không chỉ là dịch bệnh lưu hành như những năm trước mà đã có những dấu hiệu cảnh báo là sẽ bùng phát nếu không có những biện pháp mạnh mẽ.
Sở Y tế Thành phố đã tiến hành tập huấn cho 2 khối: Khối dự phòng về xử lý dịch bệnh và Khối điều trị, đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra để làm việc với các quận, huyện nhằm trực tiếp phát hiện những khó khăn, tồn tại.
Đồng thời, giao các địa phương để thống kê, cập nhật, trên cơ sở đó xử lý các điểm nguy cơ, tạm chia thành 3 nhóm: Nhóm 1 là nơi có người đứng đầu như công sở, trường học, các bệnh viện, các cơ sở thờ tự. Người đứng đầu các cơ sở này phải ký cam kết với UBND Thành phố đảm bảo trong khu vực họ quản lý thường xuyên được xử lý, dọn dẹp các vật chứa nước.
Nhóm thứ 2 là những cơ sở nhỏ lẻ như nhà dân, cà phê sân vườn, vựa ve chai có phép - được các quận, huyện thường xuyên kiểm tra.
Nhóm thứ 3 là những khu vực cần có lực lượng địa phương tham gia như khu vực công cộng xung quanh chợ.
Sở Y tế cũng trực tiếp mời các sở, ngành có liên quan để thống nhất thực hiện phối hợp qua phân công của UBND Thành phố.
"Khi đi kiểm tra, Sở Y tế nhận thấy những vật chứa có nước và có loăng quăng còn tồn tại rất nhiều, mặc dù UBND các địa phương đã tích cực tham gia. Chính vì vậy, Sở muốn tạo ra một chiến dịch mạnh mẽ, có sự tham gia của toàn dân. Sở đã tham mưu UBND một chiến dịch tổng vệ sinh theo hướng tìm diệt loăng quăng và được UBND Thành phố ban hành thành Kế hoạch. Trong kế hoạch này yêu cầu các địa phương phải tổng vệ sinh hằng tuần vào ngày Chủ nhật, cao điểm vào tháng 7, sau đó sẽ thực hiện các đợt tiếp theo vào cuối tháng 8,9. Sở sẽ giám sát việc thực hiện vào hằng tuần để tránh việc các địa phương chỉ làm lễ ra quân mà không tiếp tục thực hiện", ông Hưng cho biết.
Ngoài việc tập huấn cho các cán bộ y tế công lập và ngoài công lập, Sở Y tế cũng đã mời các chuyên gia trong lĩnh vực điều trị cũng như dự phòng để tư vấn, góp ý cho Sở.
Bên cạnh tuyên truyền, vận động, Sở Y tế còn tiến hành xử phạt các trường hợp vi phạm hành chính trong phòng, chống dịch SXH.
Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, trong quá trình điều trị cho bệnh nhân SXH ghi nhận nhóm nguy cơ diễn tiến nặng tập trung ở trẻ em béo phì và phụ nữ có thai. Đây là một trong những nhóm chưa xuất hiện trong Hướng dẫn quốc gia điều trị SXH, thế giới thì càng chưa đề cập đến.
Anh Thơ