Thông báo nêu rõ: Thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan đã quyết liệt chỉ đạo triển khai và hoàn thành nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, cả công việc trước mắt cũng như công việc mang tính lâu dài. Trong đó, đã hoàn thành xây dựng dự thảo Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cacbon và khí metan của ngành giao thông vận tải, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030, Kế hoạch hành động của các ngành thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26… Xây dựng và công bố Báo cáo tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam; đã tổ chức triển khai cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2022; thành lập Nhóm làm việc đàm phán về quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, công lý với một số đối tác phát triển; rà soát, hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với xu thế chuyển đổi năng lượng xanh, sạch. Nhiều Bộ, ngành đã ký kết các thỏa thuận, bản ghi nhớ hợp tác, tích cực trao đổi với nhiều tổ chức quốc tế, các định chế tài chính quốc tế để huy động nguồn lực triển khai thực hiện cam kết.
Các địa phương đã tích cực, chủ động vào cuộc cùng với Chính phủ và các Bộ, ngành, bước đầu đã nhận thức và tổ chức triển khai, quán triệt về các cam kết tại Hội nghị COP26, nhất là đánh giá, khảo sát chuyển đổi năng lượng, làm rõ những thế mạnh của địa phương, những nhiệm vụ phải triển khai để ứng phó với biến đổi khí hậu. Cộng đồng doanh nghiệp cũng đã hành động ngay với các dự án phát triển xe điện, điện gió ngoài khơi, sản xuất hydro xanh, sản xuất năng lượng sinh khối…
Công tác truyền thông đã được tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm; đồng thời khuyến khích, động viên, tạo động lực, truyền cảm hứng cho cả hệ thống chính trị, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Để quyết tâm thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Ban chỉ đạo đã thống nhất bổ sung, làm rõ các quan điểm, chủ trương để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26:
Thứ nhất, thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" là cơ hội để phát triển bền vững, ưu tiên trong các quyết sách phát triển, tiêu chuẩn đạo đức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân.
Thứ hai, ứng phó với biến đổi khí hậu được thực hiện trên nguyên tắc công lý, công bằng, với cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân; dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực và hiệu quả, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và hợp tác quốc tế.
Thứ ba, ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm, nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mọi người dân. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt; người dân và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và là chủ thể thực hiện cùng với sự tham gia hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội.
Thứ tư, triển khai các giải pháp cấp bách, có trọng tâm, trọng điểm để làm giảm mức độ dễ bị tổn thương, tăng cường sức chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu; ưu tiên cao nhất bảo đảm an toàn, sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng; tập trung phát triển hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng dựa trên tiềm năng, lợi thế của vùng, miền.
Thứ năm, tập trung nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển các cơ chế tài chính, thị trường cacbon, thúc đẩy chuyển dịch đầu tư cho phát triển kinh tế ít phát thải; tăng cường hợp tác công tư, phát huy nguồn lực của Nhà nước để thúc đẩy, kích hoạt việc thu hút các nguồn lực của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nguồn lực quốc tế trên cơ sở bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.
Thứ sáu, thực hiện các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Với quan điểm trên, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục thực hiện các mục tiêu trọng tâm. Cụ thể, về hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, theo dõi tình hình thực hiện Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP26 của các Bộ, ngành, cơ quan, kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo những vấn đề phát sinh.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án phát triển thị trường cacbon tại Việt Nam theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; đề xuất lộ trình áp dụng thuế cacbon, các loại thuế khuyến khích sử dụng năng lượng sạch.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất chính sách khuyến khích phát triển, chuyển giao công nghệ và ngành công nghiệp chuyển đổi năng lượng; đề xuất giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất các trang thiết bị phục vụ chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính.
Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng chương trình chuyển đổi số phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có phát triển xanh.
Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chương trình để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
Các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng theo chức năng quản lý nhà nước được giao ban hành các hướng dẫn chi tiết về kiểm kê khí nhà kính, đo đạc - báo cáo - thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đảm bảo nội dung, tiến độ theo đúng quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.
Về tổ chức Hội nghị đối thoại với các đối tác phát triển, Ban Chỉ đạo thống nhất nội dung Đề án tổ chức Hội nghị đối thoại hợp tác với các đối tác phát triển về triển khai thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" và chuyển đổi năng lượng như đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các Bộ, ngành triển khai thực hiện nhiệm vụ theo phân công tại Đề án, trong đó chú ý nêu bật những kết quả đã thực hiện, đồng thời nêu rõ nhu cầu hỗ trợ cụ thể của mỗi Bộ, ngành để thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Đề xuất yêu cầu hợp tác với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển để tiến tới ký kết các thỏa thuận hợp tác cụ thể.
Về đàm phán Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, Ban Chỉ đạo cơ bản đồng ý với những nội dung chính về Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với các đối tác. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao khẩn trương hoàn thiện kế hoạch đàm phán với các đối tác, đảm bảo tính công bằng, công lý, khả thi, phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước và xu thế phát triển của thế giới; phát huy tiềm năng, lợi thế, tận dụng cơ hội và hóa giải những thách thức một cách hiệu quả nhất.
Các Bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng, hoàn thành trước ngày 15/8/2022 các báo cáo về chuyển đổi công bằng, công lý trong ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao, bao gồm: Chuyển đổi công bằng trong khai thác, chế biến nhiên liệu hóa thạch; chuyển đổi công bằng trong sản xuất điện (Bộ Công Thương); chuyển đổi công bằng trong lĩnh vực giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải); chuyển đổi công bằng trong lĩnh vực xây dựng và quản lý tòa nhà (Bộ Xây dựng); chuyển đổi công bằng trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); tác động của quá trình chuyển đổi năng lượng tới an sinh, xã hội và việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội); tác động của quá trình chuyển đổi năng lượng tới các doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Về thực hiện các cam kết khác của Việt Nam tại COP26, Bộ Công Thương hoàn thành Kế hoạch thực hiện Tuyên bố về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch, báo cáo tại phiên họp lần thứ tư của Ban Chỉ đạo.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành Kế hoạch thực hiện Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất, báo cáo tại phiên họp lần thứ tư của Ban Chỉ đạo.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành khẩn trương cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam, bổ sung những điểm mới, nỗ lực của Việt Nam thực hiện cam kết đã đưa ra tại Hội nghị COP26, hoàn thành trong tháng 9/2022.
Ban chỉ đạo cũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ liên quan tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền về những bất cập, đề xuất sửa đổi các quy định hiện hành tạo thông thoáng cho các hoạt động phát triển năng lượng tái tạo theo đúng chủ trương của Đảng và định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; nghiên cứu việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ về hoạt động đo gió, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tác động môi trường trên biển phục vụ lập các dự án điện gió có tính cấp bách trên cơ sở đảm bảo quốc phòng, an ninh và góp phần thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu khảo sát, đánh giá tổng thể về tiềm năng năng lượng gió tại các vùng biển và đất liền trên phạm vi cả nước.
Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ liên quan nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền cơ chế xác định giá bán điện gió và điện mặt trời thực hiện theo cơ chế thị trường, cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm giá mua bán điện hợp lý theo đúng quy định của pháp luật điện lực, pháp luật giá và pháp luật có liên quan; nghiên cứu ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA).
Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan đề xuất phương án tăng cường đội ngũ cán bộ cho lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu ở các cấp, các ngành, theo hướng cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đảm bảo không tăng tổng biên chế…
Vũ Phương Nhi