Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tiếp nối thành công của Diễn đàn "Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường" từ các năm trước, chiều tối 16/7, Báo TN&MT phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận tổ chức Diễn đàn Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với TN&MT lần thứ VI - năm 2022 chủ đề: Phát triển xanh và các cam kết của Việt Nam tại COP 26
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho rằng Diễn đàn "Nhà quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường" đã trở thành sự kiện thường niên và là địa chỉ để chia sẻ, trao đổi về các lĩnh vực nóng của tài nguyên môi trường.
Thứ trưởng Lê Công Thành cũng mong muốn các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cả nước tiếp tục chung tay, quan tâm đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường; gìn giữ, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP 26; động viên, khuyến khích phát triển những phong trào, giải pháp, mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng đến sự phát triển bền vững của đất nước.
"Tất cả các ý kiến đóng góp, gợi ý, chúng tôi sẽ xem xét tiếp thu, nghiên cứu để phục vụ việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường, với mục tiêu chung là bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, chủ động thích ứng BĐKH, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26" – Thứ trưởng Lê Công Thành khẳng định.
Diễn đàn lần thứ VI năm nay với chủ đề "Phát triển xanh và cam kết của Việt Nam tại COP26" có các báo cáo tham luận chuyên đề quan trọng và thiết thực của Bộ TN&MT, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam và một số doanh nghiệp tiêu biểu trong hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH.
Là một trong 6 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang tiên phong trong việc thực hiện các cam kết "xanh", được cộng đồng quốc tế đánh giá như là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu cho "ngôi nhà chung" an toàn của nhân loại.
Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu ( Bộ TN&MT) Tăng Thế Cường cho biết tại COP 26, việc Việt Nam cam kết đưa phát thải ròng về "0" vào năm 2050 đã phát đi tín hiệu mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế. Việt Nam xác định đoàn kết ứng phó biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên là ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách. Đây cũng là bước đi dài để bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân và đóng góp trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế phát triển bền vững trong thời gian tới.
Tại COP 26, lần đầu tiên Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thoả thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Đồng thời, Việt Nam cam kết giảm phát thải khí metal 30% vào năm 2030...
Vì vậy, các cam kết mạnh mẽ và những ý kiến đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại COP 26 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với BĐKH.
Các đối tác phát triển trong và ngoài nước đã thể hiện mong muốn hợp tác với Việt Nam để triển khai thực hiện các cam kết, khai thông cơ hội tận dụng sự dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải vào Việt Nam.
Tại COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu.
Ngay sau COP26, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Các bộ, cơ quan liên quan đã tập trung xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động để triển khai thực hiện cam kết.
Theo ông Tăng Thế Cường, chỉ trong thời gian ngắn sau COP26, Việt Nam đã triển khai nhiều hành động thực hiện cam kết, nhận được sự ủng hộ vào cuộc của các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế, các địa phương và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu cam kết của Việt Nam tại COP26 đòi hỏi phải quyết tâm, nỗ lực cao; huy động mọi nguồn lực, toàn xã hội, toàn dân vào cuộc, trong đó kết nối và vận động thu hút nguồn lực từ quốc tế, các dòng tài chính xanh, chuyển giao công nghệ, tri thức, kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế là rất quan trọng.
Để thực hiện các cam kết tại COP 26, Bộ TN&MT đã đề xuất với Chính phủ sớm ban hành một loạt các văn bản pháp lý quan trọng, làm cơ sở triển khai như: Nghị định quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon; danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với BĐKH cấp quốc gia để triển khai thực hiện; Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam… Đây là những văn bản pháp lý, công cụ để thực hiện các cam kết về ứng phó với BĐKH của Việt Nam.
Trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ xây dựng đề án về nhiệm vụ, giải pháp đột phá triển khai kết quả COP26 về BĐKH; thành lập Ban Chỉ đạo để đề xuất cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi và tận dụng các cơ hội huy động nguồn lực cho phát triển hạ tầng và phát triển năng lượng tái tạo ứng phó với BĐKH; hoàn thiện cập nhật Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050…
Cùng với đó, Bộ TN&MT đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và các cam kết được Thủ tướng Chính phủ tuyên bố tại Hội nghị COP26.
Thu Cúc