In bài viết

Truyền thông chính sách ‘từ sớm, từ xa’, tạo đồng thuận xã hội

(Chinhphu.vn) – Thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông chính sách "từ sớm, từ xa", nâng cao chất lượng xây dựng và hoàn thiện thể chế, tạo đồng thuận xã hội là yêu cầu lớn trong Đề án của Thủ tướng Chính phủ về "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027".

21/12/2022 16:42
Truyền thông chính sách ‘từ sớm, từ xa’, tạo đồng thuận xã hội - Ảnh 1.

Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Phan Hồng Nguyên - Ảnh: VGP/LS

Đây là ý kiến của ông Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) khi trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027".

Tập trung thực hiện Đề án 407

Ngày 30/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027". Với vai trò là cơ quan đầu mối tham mưu thực hiện Đề án, Bộ Tư pháp đã triển khai các hoạt động này như thế nào, thưa ông?

Ông Phan Hồng Nguyên: Là cơ quan đầu mối tham mưu thực hiện Đề án, Bộ Tư pháp-Cơ quan Thường trực của Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Trung ương đã tham mưu để Hội đồng ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện Đề án; tổ chức Hội nghị triển khai Đề án với sự tham dự của đại diện một số ban Đảng, các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan, tổ chức ở Trung ương và một số tổ chức xã hội-nghề nghiệp, chuyên gia pháp lý, nhà khoa học; tổ chức các Đoàn kiểm tra của Hội đồng phối hợp PBGDPL tại một số bộ, ngành, địa phương, trong đó có nội dung về việc triển khai hoạt động truyền thông chính sách, pháp luật theo Đề án số 407 của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện nhiệm vụ của Đề án giao, Bộ Tư pháp đang phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng Tài liệu tập huấn kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách pháp luật để phục vụ cho công tác tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác truyền thông dự thảo chính sách. 

Phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Báo Pháp luật Việt Nam… tổ chức một số tọa đàm truyền thông về Đề án 407, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), chính sách trong đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ pháp chế các bộ, ngành trung ương, báo cáo viên pháp luật trung ương một số kỹ năng truyền thông chính sách.

Một số Bộ trưởng đã chủ động tọa đàm, cung cấp thông tin về chính sách 

Ông có thể cho biết tình hình triển khai thực hiện Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027" như thế nào?

Ông Phan Hồng Nguyên: Nhìn chung, việc triển khai Đề án đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, chủ động thực hiện, qua đó góp phần đẩy mạnh công tác truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật từ sớm, từ xa, góp phần nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, phù hợp với thực tiễn, tạo đồng thuận xã hội và là tiền đề thuận lợi cho việc tổ chức thi hành pháp luật sau khi văn bản được ban hành.

Hiện đã có 9 bộ, ngành, 55 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch, công văn hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án. Một số bộ, ngành chủ trì soạn thảo đã ban hành và thực hiện kế hoạch truyền thông riêng cho từng dự án luật trên cơ sở Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2022 như: Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Y tế; Bộ Nội vụ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thực tế, một số đồng chí Bộ trưởng, trưởng ngành đã chủ động tham gia các tọa đàm, diễn đàn cung cấp thông tin về chính sách được sửa đổi, bổ sung trong các văn bản luật. Qua hơn 8 tháng thực hiện Đề án, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức một số hình thức truyền thông dự thảo chính sách.

Tuy nhiên, vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương chưa ban hành Kế hoạch tổ chức truyền thông dự thảo chính sách theo yêu cầu của Đề án 407. Hình thức truyền thông chưa phong phú, chủ yếu là tổ chức hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Sự phối hợp giữa các cơ quan báo chí với một số cơ quan chủ trì soạn thảo chưa thực sự chặt chẽ. Kinh phí từ ngân sách nhà nước cho công tác truyền thông về dự thảo chính sách còn rất eo hẹp, chưa có kinh phí riêng cho công tác này nên các cơ quan, đơn vị, địa phương phải cân đối, bố trí từ kinh phí chi cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.

Bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác truyền thông chính sách

Cần có những giải pháp nào để truyền thông dự thảo chính sách có hiệu quả hơn trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Phan Hồng Nguyên: Để triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung của Đề án trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

Một là, phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp trong chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan, tổ chức ở Trung ương, địa phương thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.

Hai là, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch truyền thông dự thảo chính sách hàng năm, trong đó xác định nội dung dự thảo chính sách cần truyền thông, hình thức truyền thông, cơ quan báo chí phối hợp, nguồn lực bảo đảm thực hiện… phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin, báo chí trong tổ chức truyền thông dự thảo chính sách.

Ba là, trong quá trình thực hiện, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin góp ý, phản hồi, phản biện xã hội của các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp về dự thảo chính sách để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Bốn là, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý thông tin, báo chí ở Trung ương, địa phương; báo cáo viên pháp luật, công chức pháp chế các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương, sở, ngành địa phương; tuyên truyền viên pháp luật theo quy định tại Đề án.

Năm là, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương bố trí công chức chuyên trách làm nhiệm vụ truyền thông dự thảo chính sách; bố trí nguồn kinh phí riêng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, chú trọng huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác truyền thông dự thảo chính sách, nhất là cá nhân, tổ chức hành nghề về pháp luật, đội ngũ nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, chuyên gia pháp lý. 

Sáu là, phân công rõ đơn vị có chức năng tham mưu công tác PBGDPL làm đầu mối tham mưu, hướng dẫn, tổng hợp, theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Đề án, còn đơn vị tham mưu xây dựng chính sách, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật chủ trì tổ chức truyền thông chính sách.

Trân trọng cảm ơn ông!

Lê Sơn (thực hiện)