Theo báo cáo Đổi mới sáng tạo mở (Open Innovation Report) 2023 do Tập đoàn hàng đầu châu Âu về chuyển đổi số Sopra Steria phát hành, kết quả khảo sát 1.648 công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp tại 10 nước châu Âu cho thấy, 72% doanh nghiệp đang hợp tác triển khai dự án đổi mới sáng tạo mở với doanh nghiệp khởi nghiệp, 67% đánh giá hoạt động hợp tác là nhiệm vụ quan trọng với chiến lược phát triển của tổ chức.
Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam năm 2023 do Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Venture công bố chỉ ra, nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đến từ các tập đoàn kinh tế lớn còn hạn chế. Do đó, tại Việt Nam, các tập đoàn lớn có thể đóng vai trò tích cực hơn trong việc hỗ trợ các công ty khởi nghiệp thông qua đầu tư tài chính hoặc các hình thức khác.
Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN (Bộ KH&CN), trong một thời đại toàn cầu, thay đổi nhanh chóng và nhiều biến động như hiện nay, việc các doanh nghiệp chỉ dựa vào nguồn lực của chính mình để phát triển không còn phù hợp. Họ vừa cần phát huy sức mạnh nội tại vừa tìm đến sự hỗ trợ từ các nguồn lực bên ngoài.
Thay vì chỉ tập trung vào nguồn lực bên trong như trước đây thì đổi mới sáng tạo "mở" phần nhiều có sự tham gia của nguồn lực bên ngoài. Nghĩa là doanh nghiệp phối hợp với lực lượng bên ngoài, bao gồm các start-up, viện, trường để giải quyết bài toán cho chính doanh nghiệp. Mặt khác, viện, trường cũng có thể áp dụng sáng kiến từ lực lượng doanh nghiệp hay viện, trường khác để giải quyết chính bài toán của mình.
Thực tế, các doanh nghiệp khởi nghiệp vốn có tính linh hoạt, thường đi đầu trong việc đưa ra giải pháp, công nghệ mới nhưng thiếu thị trường, còn các tập đoàn lớn đang nhận thấy các khoản đầu tư cho R&D nội bộ chưa hiệu quả như kỳ vọng.
Ông Phạm Hồng Quất cho biết, kinh nghiệm xây dựng mô hình hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở tại Mỹ, Singapore, Hàn Quốc... đã cho thấy cần khuyến khích các tập đoàn ra đầu bài, ý tưởng và kết nối những nguồn lực quốc tế để thu hút các giải pháp từ doanh nghiệp khởi nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Hồng Quất, ở giai đoạn ban đầu, điểm nghẽn lớn mà chúng ta cần phải vượt qua là tư duy mở và niềm tin. Tư duy mở để các doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác với nhau và niềm tin để đi đến hành động.
"Điều cốt lõi là có những người tiên phong, câu chuyện điển hình, thực hành tốt để làm bệ phóng cho tư duy và niềm tin này phát triển", ông Phạm Hồng Quất nói.
Thời gian qua, Bộ KH&CN luôn nỗ lực trong việc xây dựng chiến lược, định hướng phát triển mô hình đổi mới sáng tạo mở, thu hút các đối tác trong nước và quốc tế tham gia xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở của tập đoàn, liên kết với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia và quốc tế.
Từ năm 2020, Tập đoàn Qualcomm đã đồng hành cùng Bộ KH&CN tiên phong công bố Thử thách Đổi mới sáng tạo cùng Qualcomm (QVIC). Trong 3 năm, Qualcomm đã hỗ trợ cho 29 doanh nghiệp khởi nghiệp giải các bài toán trong nhiều lĩnh vực như 5G, IoT, robot và máy bay không người lái, trí tuệ nhân tạo, thành phố thông minh, thiết bị đeo và đa phương tiện bằng cách sử dụng các nền tảng và công nghệ di động tiên tiến của Qualcomm Technologies.
Qualcomm chia sẻ công nghệ, phòng lab, kinh nghiệm và hỗ trợ cả tài chính, đào tạo về khởi nghiệp và thương mại hóa sản phẩm. Từ QVIC, các doanh nghiệp khởi nghiệp như Phenika Mass, tMonitor, MiSmart… đã phát triển được nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Trong bối cảnh chuyển đổi xanh, phát triển bền vững đang đặt ra nhiều thách thức, tới đây, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN sẽ phối hợp với Viện Đổi mới sáng tạo Mở và doanh nhân công nghệ (OITI) tổ chức Open Innovation Day 2023 (Ngày Đổi mới sáng tạo mở) trong hai ngày 25-26/10 tại TPHCM với chủ đề Tech Traverse - Nơi công nghệ gặp gỡ ngành công nghiệp hướng đến phát triển bền vững.
Đây là những bước hành động đầu tiên để khai mở cho mô hình hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở này tại Việt Nam; là cầu nối giữa đơn vị ra đề bài là các tập đoàn, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương… với các đơn vị giải đề là doanh nghiệp khởi nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học…
Open Innovation Day 2023 được tổ chức theo mô hình hoạt động của một trung tâm đổi mới sáng tạo mở (Open Innovation Hub) trong thực tế, nơi người tham gia có thể tiếp cận thông qua 3 concept "MỞ".
Đó là: "Kết nối" thể hiện qua sự sắp xếp năng động giữa các phần trình bày về thách thức (Challenge) từ các tập đoàn và giải pháp sáng tạo (Use case) từ các start- up; "Chia sẻ" thể hiện qua việc khuyến khích những nhà lãnh đạo chia sẻ kế hoạch phát triển của doanh nghiệp bám sát các xu hướng về KHCN và thị trường đang dẫn dắt các ngành công nghiệp hàng đầu (trend-setters); "Tranh luận" thể hiện qua việc thiết kế các cuộc thảo luận (fireside chat) nơi các nhà chuyên môn hàng đầu trong lĩnh vực thể hiện các quan điểm đa chiều thông qua các kinh nghiệm và góc nhìn độc đáo.
Sự liên quan giữa các phiên/các khu vực trong Open Innovation Day tạo trải nghiệm cho người tham gia nắm được cơ bản quy trình, cách thức và vị trí, vai trò khi tham gia hệ sinh thái nói chung và Open Innovation Hub nói riêng, tập trung vào các lĩnh vực đang dẫn dắt thị trường đổi mới sáng tạo gồm: Tài chính - ngân hàng; Logistics và Thương mại điện tử; Kinh tế biển; Công nghệ nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm.
Ông Wayne Soh, Phó Chủ tịch Đầu tư khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Plug&Play Technology Center cho rằng, các trung tâm đổi mới sáng tạo mở mà Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN đang hỗ trợ xây dựng sẽ đóng vai trò là điểm khởi đầu vô giá cho các công ty khởi nghiệp và liên doanh đổi mới, dù là ở địa phương hay quốc tế.
Các trung tâm này sẽ hợp lý hóa việc gia nhập thị trường và tạo điều kiện hợp tác với các công ty, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xây dựng quan hệ đối tác hiệu quả. Bằng cách đó, các trung tâm đổi mới đóng vai trò là chất xúc tác giúp thúc đẩy kết nối và đổi mới trong bối cảnh kinh doanh năng động ở khu vực Đông Nam Á.
Hoàng Giang