Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Năm 2022 là năm đầu tiên Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&CN chủ trì tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày đổi mới sáng tạo thế giới (21/4).
Tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (TECHFEST) năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: "Đổi mới sáng tạo là sự nghiệp của toàn dân nên chúng ta phải có cách tiếp cận toàn dân và đổi mới sáng tạo cũng phải là sự nghiệp cách mạng của toàn dân".
Chỉ đạo sâu sắc của Thủ tướng đã dẫn dắt và kiến tạo nền tảng tư tưởng trong thiết kế và xây dựng hệ sinh thái, nhấn mạnh vai trò quan trọng của đổi mới sáng tạo, của ứng dụng KH&CN cùng triết lý "của dân, do dân và vì dân", góp phần khôi phục và phát triển kinh tế hậu đại dịch.
Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với TS. Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Thuật ngữ "Đổi mới sáng tạo" được đề cập đến khá phổ biến trong hơn thập niên vừa qua. Gần đây, đổi mới sáng tạo "mở" đang là xu hướng mới. Ông có thể cho biết rõ hơn về tính "mở" này?
Ông Phạm Hồng Quất: Có thể hiểu, thay vì chỉ tập trung vào nguồn lực bên trong như trước đây thì đổi mới sáng tạo "mở" phần nhiều có sự tham gia của nguồn lực bên ngoài.
Nghĩa là doanh nghiệp phối hợp với lực lượng bên ngoài, bao gồm các start-up, viện, trường để giải quyết bài toán cho chính doanh nghiệp. Mặt khác, viện, trường cũng có thể áp dụng sáng kiến từ lực lượng doanh nghiệp hay viện, trường khác để giải quyết chính bài toán của mình.
Theo đó, đổi mới sáng tạo "mở" sẽ cần thiết trong bối cảnh hiện nay khi mọi thứ trở nên toàn cầu, mọi nền tảng mở ra. Độ "mở" càng lớn thì chúng ta càng tiếp cận được nhiều tri thức, công nghệ sẵn có ở trên thế giới và tránh việc nghiên cứu lại, trùng lặp.
Theo Báo cáo toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021 – thực hiện bởi Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo BambuUP, trong vòng 5 năm tới, các công ty start-up được dự báo sẽ chiếm 44% trong các nguồn đổi mới sáng tạo cho các tập đoàn, doanh nghiệp ở mọi loại hình (từ lớn tới nhỏ).
Hiện nay với sự phát triển, bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là mạng Internet thì xu huớng "mở" trong đổi mới sáng tạo đem lại hiệu quả kinh tế rất rõ nét. Liên kết giữa tập đoàn, doanh nghiệp với start-up, viện, trường có thể cùng lúc giải quyết bài toán cho nhiều doanh nghiệp, qua đó, tiết kiệm được chi phí vận hành, nguồn nhân lực.
Như vậy, đổi mới sáng tạo "mở" có mâu thuẫn với việc phát triển hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) trong các doanh nghiệp, tập đoàn không, thưa ông?
Ông Phạm Hồng Quất: Hoạt động R&D vẫn rất cần thiết vì một số công nghệ lõi, công nghệ nguồn mang tính bí mật của doanh nghiệp vẫn cần có các phòng lab hoặc viện nghiên cứu riêng nhưng về cơ bản thì doanh nghiệp có thể "mở" ra bên ngoài để đổi mới, cập nhật và phối hợp về công nghệ.
Hiện nay, nhiều tập đoàn trên thế giới thậm chí đã chuyển 70%-80% hàm lượng nghiên cứu ra bên ngoài, chỉ giữ lại một số công nghệ đặc thù. Đơn cử như Tập đoàn Shinhan Group thành lập Shinhan Future Lab, tức là thành lập phòng lab "mở" gọi tất cả các start-up trong một số lĩnh vực mà tập đoàn này quan tâm để giải quyết bài toán của các doanh nghiệp trong tập đoàn. Các giám đốc trở thành các mentor (huấn luyện viên) của các start-up, như thế giảm rất nhiều chi phí R&D.
Tại Việt Nam, theo tôi được biết, cũng đã có nhiều doanh nghiệp đã thành lập các quỹ, chương trình hỗ trợ các viện, trường, liên kết với các tổ chức để thúc đẩy các giải pháp công nghệ từ bên ngoài, với sự tham gia của các kỹ sư công nghệ của các tập đoàn khác, từ đó ứng dụng, tạo ra các sản phẩm mới. Trong hệ sinh thái "mở", các doanh nghiệp sẽ luôn tìm được đối tác phù hợp nhất với chi phí hợp lý nhất.
Các viện, trường cũng hình thành các vườn ươm "mở", mời doanh nghiệp vào đặt hàng giải pháp từ viện, trường với nguồn kinh phí hỗ trợ, tạo một liên kết mang tính thị trường hơn.
Liệu "mở" như vậy thì vấn đề tài sản sở hữu trí tuệ có bị tác động tiêu cực không, thưa ông?
Ông Phạm Hồng Quất: Những sản phẩm của các phòng nghiên cứu thường khó tìm được "tiếng nói chung" với thực tế của thị trường bởi các nhà nghiên cứu thường tập trung phát triển sản phẩm thay vì lắng nghe và tìm hiểu nhu cầu của thị trường.
Chính vì vậy, khi tiếp cận dưới góc độ đổi mới sáng tạo "mở", tài sản sở hữu trí tuệ không mâu thuẫn, thậm chí thúc đẩy khai thác, thương mại hóa tài sản trí tuệ tốt hơn, giúp cho các nghiên cứu đáp ứng với nhu cầu của tập đoàn, xã hội.
Một số tập đoàn của Nhật Bản - nơi chiếm giữ nhiều bằng sáng chế trên thế giới đã tổ chức các cuộc thi sở hữu trí tuệ và mở kho sáng chế của tập đoàn làm giải thưởng. Bất kỳ nhóm start-up hoặc viện, trường nào có được giải pháp tốt thì sẽ nhận được giấy phép khai thác miễn phí bằng sáng chế và được sử dụng luôn phòng thí nghiệm, mạng lưới sản xuất thử, test thử sản phẩm của tập đoàn đó.
Xu hướng "mở" nhưng không mâu thuẫn với vấn đề sở hữu trí tuệ vì quyền sở hữu vẫn thuộc tập đoàn, doanh nghiệp nhưng giá trị kinh tế thì mang lại cho cả tập đoàn, start-up và xã hội.
Ông đánh giá như thế nào về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo "mở" tại Việt Nam?
Ông Phạm Hồng Quất: Báo cáo toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021 – thực hiện bởi Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo BambuUP cho thấy, Việt Nam đang nổi lên là một trong những nền kinh tế năng động mới nổi và là trung tâm phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang trong giai đoạn "vàng" và nhận được sự quan tâm rất lớn của giới đầu tư trong và ngoài nước. Chính vì vậy, cần sự liên kết chặt chẽ giữa chính phủ, tập đoàn, tổ chức xã hội, viện, trường và start-up nhằm hội tụ nguồn lực để tiến xa hơn trong giai đoạn thuận lợi này.
Đổi mới sáng tạo "mở" đã trở thành yếu tố then chốt của doanh nghiệp và các tập đoàn, gắn liền với chiến lược của doanh nghiệp và không chỉ giúp giải quyết bài toán kinh doanh mà còn là bài toán tái cấu trúc của chính doanh nghiệp và tập đoàn mình.
Thông qua việc tận dụng nguồn lực từ bên ngoài để thực hiện đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, từ đó giúp các doanh nghiệp đi nhanh và tiến xa hơn trên hành trình đổi mới sáng tạo để tồn tại và phát triển trong giai đoạn bình thường mới.
Tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (TECHFEST 2021), Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: Đổi mới sáng tạo là sự nghiệp của toàn dân nên chúng ta phải có cách tiếp cận toàn dân, và đổi mới sáng tạo cũng phải là sự nghiệp cách mạng của toàn dân. Vậy giải pháp nào để đổi mới mới sáng là sự nghiệp của toàn dân, thưa ông?
Ông Phạm Hồng Quất: Đổi mới sáng tạo cần bám sát chủ trương của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra, góp phần làm cho mọi người dân ấm no, hạnh phúc, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chứng minh trí tuệ, sức sáng tạo của con người Việt Nam.
Chỉ đạo sâu sắc đó của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong TECHFEST 2021 đã dẫn dắt và kiến tạo nền tảng tư tưởng trong thiết kế và xây dựng hệ sinh thái, đồng thời, đã được tiếp nối và cụ thể hóa trong chuỗi các hoạt động của TECHFEST 2022, nhấn mạnh vai trò quan trọng của đổi mới sáng tạo, của ứng dụng KH&CN cùng triết lý "của dân, do dân và vì dân", góp phần khôi phục và phát triển kinh tế hậu đại dịch.
Cách tiếp cận toàn dân, toàn diện, cũng chính là ý nghĩa của đổi mới sáng tạo "mở". Mô hình "mở" với sự tham gia không chỉ là viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp mà là cơ hội cho các sinh viên, người dân và cả cộng đồng với những sáng kiến phục vụ cuộc sống.
Có như vậy, đổi mới sáng tạo mới tạo ra hiệu quả kinh tế-xã hội và gắn với cộng đồng, từ đó luôn kích thích người dân nghĩ ra giải pháp mới, sáng tạo mới.
Hưởng ứng Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới và Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới, Bộ KH&CN đưa ra thông điệp "Sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo và thế hệ trẻ vì một tương lai tốt đẹp hơn". Ông đánh giá như thế nào về giới trẻ trong công cuộc đổi mới sáng tạo của nước ta?
Ông Phạm Hồng Quất: Sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo những năm gần đây cho thấy sự đóng góp rất nhiều từ những sáng kiến của các bạn trẻ. Nhiều trong số họ đang là đối tác của nhiều tổ chức quốc tế, tập đoàn lớn. Điều này cho thấy, đổi mới sáng tạo hướng đến tập trung vào "con người" đó là giới trẻ, thế hệ trẻ, là trí tuệ, kỹ năng.
Năm 2021, nhóm 3 học sinh Việt Nam với sáng chế "Mũ cách ly di động" đã được Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) trao tặng danh hiệu "Đại sứ trẻ về Sở hữu trí tuệ của WIPO" (WIPO's IP Youth Ambassador).
Cùng với đó, Tập đoàn Phenikaa đầu tư với mục tiêu chắp cánh cho thế hệ trẻ và hiện thực các bước đi chiến lược của Tập đoàn là khoản đầu tư chiến lược trị giá 1,5 triệu USD vào công ty start-up công nghệ Việt sở hữu ứng dụng giao thông công cộng miễn phí hàng đầu Việt Nam- BusMap. Phần lớn các công nghệ lõi do Tập đoàn Phenikaa nghiên cứu phát triển và sở hữu đều được thực hiện bởi chính nguồn nhân lực là người Việt Nam làm việc cho Tập đoàn, trong đó phải kể đến đội ngũ các nhà khoa học – kỹ thuật viên trẻ tuổi tài năng và đam mê công nghệ được "chiêu mộ" từ các start-up, spin-off .
Ngay đầu năm 2022, Qualcomm Technologies cũng đã hợp tác nghiên cứu với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ tại Việt Nam với hỗ trợ 100.000 USD cho 4 nhóm nghiên cứu với những ý tưởng đổi mới của học viện để tiến hành nghiên cứu chuyên dụng trong các lĩnh vực 5G, AI, IoT và hệ thống UAV với thời gian thực hiện các dự án 12 tháng.
Và ngay trong khuôn khổ chương trình TECHFEST Connect, thuộc TECHFEST Việt Nam 2021, Ivenue là nền tảng học trực tuyến thế hệ mới, là start-up với 4 bạn trẻ trưởng thành từ các cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp, là một trong năm dự án khởi nghiệp xuất sắc nhất của Làng công nghệ giáo dục Việt Nam 2021 đã nhận được khoản đầu tư gần 50.000 USD từ các nhà đầu tư thiên thần.
Đây là những minh chứng cho thấy thấy sự đóng góp của các bạn trẻ vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của nước ta.
Chính vì vậy, chủ đề năm nay nhấn mạnh các bạn trẻ sẽ là người nhìn nhận ra giải pháp công nghệ để giải quyết vấn đề hiện tại và hướng tới tương lai. Trong tương lai, các bạn trẻ là những người làm chủ công nghệ và đóng vai trò tạo ra nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả.
Sau đại dịch COVID-19, giới trẻ Việt Nam có rất nhiều ý tưởng và khả năng liên kết mới để giải quyết các bài toán cho doanh nghiệp, xã hội. Trong đó, khởi nghiệp tạo tác động xã hội đang là chủ đề được nhiều người quan tâm. Đơn cử như, trong khuôn khổ chương trình TECHFEST Connect, 3SR là dự án tái tuần hoàn rác thải thông minh của nhóm khởi nghiệp 6 sinh viên dưới sự hướng dẫn của giảng viên cố vấn TS. Bùi Thanh Hương trực thuộc trường Đại học Giáo Dục – Đại học Quốc Gia Hà Nội, đã nhận được khoản đầu tư 20.000 USD từ các nhà đầu tư thiên thần.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang nỗ lực tạo thêm những hành lang chính sách mới, mở để hỗ trợ các bạn tiếp cận được với nguồn công nghệ mở, tiếp cận được thị trường mở, có chính sách đặc thù để đưa các nền tảng, sản phẩm vào các bệnh viện, trường học, các trung tâm chăm sóc điều dưỡng…
Trân trọng cảm ơn ông!
Hoàng Giang (thực hiện)
Bài 2: 'Đi tắt đón đầu' thông qua đổi mới sáng tạo