Phiên chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên diễn ra vào sáng 16/3 có 24 đại biểu chất vấn và 7 đại biểu tranh luận trực tiếp.
Tại phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội tập trung đặt câu hỏi vào 3 nội dung: Tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua. Việc thực hiện các Nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc. Giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19, nhất là mặt hàng nông sản.
Phát biểu kết luận nội dung phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và xây dựng, các câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội đã bám sát các nội dung chất vấn.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chuẩn bị tốt nội dung, tập trung trả lời vào các vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm, giải trình khá đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế. Đồng thời, ghi nhận nỗ lực của Bộ trưởng trong việc đề xuất một số giải pháp, nhằm khắc phục những bất cập trong phạm vi phụ trách.
Về tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, Bộ Công Thương trong việc triển khai các giải pháp để điều hành giá xăng dầu, thúc đẩy sản xuất, nhập khẩu và cung ứng xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, diễn biến thực tế cho thấy giá xăng dầu tiếp tục nâng cao, cơ cấu giá cần rà soát thêm, nguồn cung xăng dầu trong nước không đáp ứng được theo kế hoạch do sụt giảm sản lượng của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, việc điều hành giá xăng dầu trong điều kiện giá cả biến động lớn vẫn theo quy định thông thường định kỳ 10 ngày một lần, nên có thời điểm còn có khoảng cách so với thị trường, còn xảy ra tình trạng một số đơn vị kinh doanh đóng cửa, tạm ngừng hoạt động, cung ứng nhỏ giọt, bán nhỏ giọt, làm tình hình phức tạp thêm.
Về thực hiện các nghị quyết, kết luận chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan đến công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ và Bộ Công Thương, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện. Qua đó, đã nâng cao năng lực quản lý, góp phần ổn định thị trường, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng buôn lậu, bán hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, qua phiên chất vấn cho thấy, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả nhưng tình trạng buôn lậu, bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn diễn biến phức tạp; kết quả đạt được chưa bền vững; các đề án về quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả chưa được ban hành đầy đủ; tình trạng lợi dụng thương mại điện tử để ẩn lậu thuế, kinh doanh hàng nhái, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi; năng lực kỹ thuật, nghiệp vụ trong thực thi pháp luật về thương mại điện tử còn bất cập.
Về các giải pháp đảm bảo lưu thông xuất nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19, nhất là mặt hàng nông sản, Chính phủ và Bộ Công Thương đã có nhiều nỗ lực đảm bảo lưu thông xuất nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19 diễn ra phức tạp.
Tuy nhiên, trong tổ chức thực hiện có nơi, có lúc còn gây ách tắc, cản trở lưu thông hàng hóa, còn xảy ra việc nhập lậu thuốc, vật tư y tế, một số mặt hàng giá tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu dùng. Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan đã trao đổi, hội đàm với các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm của Trung Quốc, tăng cường hợp tác song phương và thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết nhưng thực tế, các giải pháp còn bị động, chưa xử lý được tổng thể các khó khăn, vướng mắc, nhất là mặt hàng nông sản.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương và các bộ, ngành triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài liên quan đến nhiệm vụ, lĩnh vực đã được chất vấn.
Theo đó, cần tập trung vào một số vấn đề trọng tâm như: Nâng cao năng lực dự báo, sát sao, quyết liệt hơn để ổn định nguồn cung, bình ổn giá xăng dầu, đảm bảo sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân. Có giải pháp phù hợp hơn để giải quyết được cung từ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn. Cân đối, điều hành kịp thời, linh hoạt giữa sản xuất, nhập khẩu dự trữ để đảm bảo nguồn cung trong ngắn hạn và dài hạn. Phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, các cơ quan, đơn vị liên quan để điều hành giá xăng dầu, theo sát với diễn biến của thị trường.
Quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, kết hợp với các giải pháp về phí, thuế, hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ. Có giải pháp hiệu quả để đảm bảo giá xăng dầu phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo an ninh kinh tế. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, trái quy định.
Tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng, chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong đội ngũ thực thi.
Có giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, nhất là mặt hàng nông sản. Khẩn trương ban hành, xây dựng quy định về tiêu chuẩn, điều kiện chất lượng đối với hàng hóa xuất khẩu chính ngạch qua biên giới và cơ chế, chính sách khuyến khích xuất khẩu chính ngạch đối với một số mặt hàng xuất khẩu nông sản, nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa theo hình thức chính ngạch để đa dạng hóa và các phương thức vận tải.
Thường xuyên cập nhật thông tin tình hình trong nước và quốc tế, phổ biến cho người dân và chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, tiến độ thu hoạch và điều tiết lượng hàng đưa lên các cửa khẩu phù hợp với năng lực, tiến độ thông quan của từng cửa khẩu. Hướng dẫn, tuyên truyền các biện pháp để đảm bảo sản xuất an toàn theo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là về phòng chống dịch COVID-19.
Chủ động nắm bắt, tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương mà Việt Nam đã ký kết. Vận động hệ thống phân phối tập đoàn bán lẻ tiêu thụ, đẩy mạnh thu mua, tiêu thụ chuỗi cung ứng, chú trọng giới thiệu, phân phối sản phẩm trên các sản phẩm thương mại điện tử.
"Với tinh thần đó, đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan quan tâm chỉ đạo để tạo sự chuyển biến cụ thể, rõ nét trong thực tế", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu.
Nguyễn Hoàng