Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Sáng 16/3, tại phiên họp thứ 9, dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu nội dung làm việc quan trọng tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn về hai nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương, tài nguyên và môi trường.
Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn, được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Nhà Quốc hội và kết nối trực tuyến đến 62 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Sau phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã phát biểu, làm rõ hơn về vấn đề sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu, điều hành giá xăng dầu thời gian qua và một số nội dung khác.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẳng định, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và đặc biệt là một trong những mặt hàng có tác động rất lớn tới các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô, nhất là kiềm chế lạm phát.
Vì vậy, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định, nghị định để quản lý mặt hàng quan trọng này. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, hiện có đầy đủ công cụ pháp lý để quản lý chặt chẽ mặt hàng xăng dầu, bảo đảm cung ứng cho sản xuất, cho đời sống.
Trong thời gian qua, dự trữ xăng dầu đáp ứng được yêu cầu. Qua cuộc làm việc trực tiếp với Bộ Công Thương vào đầu tháng 2/2022, Phó Thủ tướng cho biết, khi đó, dự trữ xăng dầu vẫn còn khoảng 1,2 triệu tấn. Sản xuất xăng dầu trong tháng 2 khoảng 900.000 tấn và nhập khẩu khoảng 900.000 tấn, như vậy, chúng ta có khoảng 3 triệu tấn xăng dầu. Trong khi đó, nhu cầu xăng dầu một tháng khoảng 1,8 triệu tấn.
Tuy nhiên, trong tháng 2, có tình trạng một số cửa hàng xăng dầu đóng cửa, không bán hàng và giá xăng dầu tăng liên tục trong mấy kỳ liên tiếp.
Phó Thủ tướng cho biết, trong tháng 2, sản lượng của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn có suy giảm nhưng đây không phải là nguyên nhân chính gây ra tình trạng cửa hàng xăng dầu đóng cửa. Nguyên nhân chính là do các kênh phân phối, "điều phối giữa nhà phân phối cấp 1, cấp 2, cấp 3 với các cửa hàng xăng dầu có vấn đề". Việc một số cửa hàng xăng dầu đóng cửa chỉ là cá biệt, nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của nhân dân, người tiêu dùng do lo ngại sẽ thiếu xăng dầu.
Theo Phó Thủ tướng, hiện chúng ta chưa tự chủ được nguồn cung xăng dầu mà vẫn còn phụ thuộc vào nhập khẩu. Hiện nay, cả nước mới có 2 nhà máy sản xuất xăng dầu, bao gồm Nhà máy lọc dầu Dung Quất, đưa vào hoạt động từ năm 2009 và Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, đưa vào hoạt động năm 2018. Cả 2 nhà máy hiện đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xăng dầu cả nước (khoảng 20-21 triệu tấn xăng dầu/năm). Phó Thủ tướng cho biết, nguồn dầu thô dùng cho các Nhà máy Dung Quất và Nhà máy Nghi Sơn vẫn phải nhập khẩu. Khai thác dầu thô của chúng ta cũng chưa đáp ứng được yêu cầu.
Nhấn mạnh tinh thần điều hành là bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống, giá cả vận hành theo cơ chế thị trường nhưng có kiểm soát, điều tiết của nhà nước để bảo đảm vĩ mô, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã có giải pháp đối với cả 3 lĩnh vực: Sản xuất, nhập khẩu và phân phối.
Về sản xuất, hiện Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã tăng sản lượng lên 105% và Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cũng cam kết tăng công suất trở lại.
Về nhập khẩu, Bộ Công Thương đã có văn bản giao bổ sung hạn mức xăng dầu nhập khẩu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
"Về sản xuất và nhập khẩu thì chúng ta đã kiểm soát, bảo đảm cho cơ số dự trữ khoảng 2-3 tháng cho xăng dầu", Phó Thủ tướng nói.
Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ, các cơ quan pháp luật làm rõ việc dự trữ xăng dầu có bảo đảm đúng quy định như trong Nghị định mà Chính phủ đã ban hành hay không. "Trước việc đóng cửa một số cửa hàng như vậy thì phải làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm và xử lý cho bằng được".
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng làm rõ vấn đề mức chiết khấu xăng dầu bằng 0 giữa một số thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ xăng dầu, một lý do mà các cây xăng đóng cửa.
Về vấn đề điều hành giá xăng dầu, Phó Thủ tướng nêu rõ, bảo đảm theo cơ chế thị trường nhưng có sự kiểm soát, không để mặt hàng xăng dầu ảnh hưởng tới sản xuất, kinh tế vĩ mô. Với tinh thần đó, Chính phủ đã thực hiện một loạt giải pháp như sử dụng Quỹ bình ổn giá, đã có nghị quyết báo cáo cấp có thẩm quyền để giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Bên cạnh đó, nếu giá xăng dầu còn tiếp tục tăng thì có cơ chế, chính sách hỗ trợ các đối tượng để bảo đảm sao cho sản xuất ổn định, giá cả ổn định.
"Tinh thần là vừa điều hành theo cơ chế thị trường, nhưng vừa phải bảo đảm kinh tế vĩ mô, bảo đảm sản xuất, đời sống, an sinh", Phó Thủ tướng nói.
Về giải pháp dài hạn, Phó Thủ tướng cho biết, ông đã có cuộc làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), với tinh thần dứt khoát phải làm chủ mặt hàng xăng dầu và sản xuất trong nước. Chính phủ đã yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam sớm đầu tư xây dựng nhà máy lọc dầu tại Vũng Tàu. Bên cạnh đó, cần tăng sản lượng khai thác; chú trọng việc tìm kiếm, thăm dò thêm các mỏ dầu mới. Hiện nay, chúng ta mới đáp ứng được 50% dầu thô phục vụ sản xuất xăng dầu trong nước.
Cho rằng vẫn còn một số bất cập trong điều hành hợp đồng khoan thăm dò, Phó Thủ tướng nêu rõ, sẽ điều chỉnh cơ chế, chính sách để khi chúng ta khoan được dầu thô thì ưu tiên phục vụ cho sản xuất xăng dầu trong nước, phát huy tối đa hiệu quả của nguồn tài nguyên đặc biệt này.
Đức Tuân