In bài viết

Vai trò của quản trị công trong phục hồi và phát triển KTXH

(Chinhphu.vn) - Sáng 17/10, tại Hà Nội, Tổ chức Hành chính miền Đông thế giới (EROPA) khai mạc Hội nghị thường niên năm 2023 với chủ đề "Vai trò của quản trị công trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (KTXH) hướng tới mục tiêu phát triển bền vững".

17/10/2023 15:10
Khai mạc Hội nghị "Vai trò của quản trị công trong phục hồi và phát triển KT-XH hướng tới mục tiêu phát triển bền vững" - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu khai mạc Hội nghị - Ảnh: VGP/LS

Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Chính quyền địa phương Cộng hòa Philippines Benjamin Abalos, Tổng Thư ký EROPA Alex Brillantes Jr, quyền Chủ tịch Đại hội đồng EROPA Ryan Alvin Acosta, Phó Chủ tịch Hội đồng điều hành EROPA Nguyễn Bá Chiến, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền các nước tại Việt Nam gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Pakistan, Kazakhstan; Trưởng đoàn đại biểu thành viên cấp nhà nước của EROPA gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Nepal, Philippines, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam; các đại biểu là đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế, các báo cáo viên, các chuyên gia quốc tế, đại diện các địa phương của Việt Nam.

Quản trị công phải là quản trị phát triển, kiến tạo 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Tra nêu rõ: Để xây dựng nền quản trị công hiệu quả, là động lực cho phát triển bền vững, chủ đề của Hội nghị rất thiết thực, phù hợp, là sự khẳng định về vai trò và tiếng nói về trách nhiệm của quản trị công đối với phát triển bền vững.

Trong đại dịch COVID-19, những chậm trễ khi ứng phó với các vấn đề về phát triển, biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống đã cho thấy những hạn chế của quản trị toàn cầu. Với các điểm nghẽn của phát triển ở tầm mức quốc gia và quốc tế, quản trị công được kỳ vọng cần phải có đủ năng lực xử lý khủng hoảng, kiến tạo mô hình quản trị quốc gia hiệu quả. 

Những diễn biến phức tạp của đời sống quốc tế một lần nữa đặt ra những thách thức đối với quản trị công cả về lý luận và thực tiễn. Bối cảnh hiện nay cũng cho thấy, mỗi quốc gia đang xử lý những vấn đề phát triển với những cách tiếp cận khác nhau và cần có sự chia sẻ về thành công và những điều chưa thành công để cùng nhau phát triển bền vững.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, quản trị công trong thời đại ngày nay phải thực sự là quản trị phát triển, có khả năng kiến tạo các viễn cảnh và tìm ra con đường để đi đến viễn cảnh tươi sáng đó. Phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới; kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Để kiến tạo phát triển bền vững, vai trò của nền quản trị công, nền công vụ ở mỗi quốc gia cần được khẳng định và thể hiện đầy đủ hơn.

Với vai trò tạo lập và tổ chức thực hiện có hiệu quả thể chế, chính sách cho phát triển bền vững, huy động và sử dụng các nguồn lực cho phát triển, xây dựng các kịch bản phát triển không chỉ trong điều kiện bình thường mà còn trong các điều kiện môi trường nhiều biến động, nhiều bất lợi, thách thức, nền công vụ phải trở thành một nhân tố trung tâm của các nỗ lực phát triển bền vững. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên, cải cách công vụ đã trở thành xu thế, nội dung trọng tâm trong đổi mới quản trị công ở mọi quốc gia như một giải pháp cho phát triển bền vững trong hiện tại và tương lai.

Khai mạc Hội nghị "Vai trò của quản trị công trong phục hồi và phát triển KT-XH hướng tới mục tiêu phát triển bền vững" - Ảnh 2.

Chủ tọa Hội nghị điều hành phiên khai mạc, sáng 17/10 - Ảnh: VGP/LS

Nền quản trị công Việt Nam được ghi nhận bằng thành tựu duy trì tăng trưởng kinh tế

Thông báo tới Hội nghị EROPA, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Với nỗ lực phục hồi và thúc đẩy phát triển bền vững, Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều chính sách đột phá. Đó là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững đất nước; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chú trọng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Tập trung các nguồn lực cho mục tiêu xây dựng mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.

Sự nỗ lực của nền công vụ, nền quản trị công ở Việt Nam đã được ghi nhận bằng thành tựu duy trì tăng trưởng tốc độ trong giai đoạn dài và năm 2022. Trong đó đáng chú ý là giá trị tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an ninh chính trị và môi trường sinh thái, thiết thực nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của người dân để "không ai bị bỏ lại phía sau". 

Từ thực tiễn Việt Nam cho thấy, để thúc đẩy phát triển bền vững, nền công vụ của quốc gia phải thực sự là động lực cho phát triển. Tư duy phát triển bền vững trước tiên phải được thể hiện trong hoạt động công vụ. Đó là nền công vụ xanh với năng lực kiến tạo thể chế phát triển; kịp thời phản ứng chính sách trong thách thức, khó khăn phát sinh liên tục và biến động nhanh chóng từ thực tiễn; khơi dậy được mọi tiềm năng, sức mạnh nội lực và nguồn lực cho sự phục hồi và phát triển bền vững đất nước.

Nền công vụ cần có khả năng nhận diện ra cơ hội phát triển và nhìn nhận sâu sắc những rủi ro tiềm ẩn có thể phương hại đến phát triển bền vững, đưa ra những lựa chọn chính sách để hài hòa giữa các mục tiêu về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Nền công vụ cũng cần khả năng kiến tạo môi trường đầu tư hấp dẫn để thu hút các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, đổi mới sáng tạo, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu, có tác động lan tỏa.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Thư ký EROPA Alex Brillantes Jr  đánh giá cao Bộ Nội vụ và Học viện Hành chính quốc gia Việt Nam đã chuẩn bị chu đáo về mọi mặt cho Hội nghị trực tiếp của EROPA, sau 2 năm phải tổ chức trực tuyến để các đại biểu được gặp gỡ, trao đổi và tham quan thực tế tại nước đăng cai tổ chức.

Tổng Thư ký EROPA nhấn mạnh, các nước và các tổ chức trong cộng đồng EROPA tuy đa dạng nhưng đều có mục tiêu chung là thúc đẩy phát triển nền công vụ và hành chính công với các vấn đề liên quan như phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu...

Khai mạc Hội nghị "Vai trò của quản trị công trong phục hồi và phát triển KT-XH hướng tới mục tiêu phát triển bền vững" - Ảnh 3.

Các đại biểu trong và ngoài nước tham dự Phiên khai mạc EROPA ngày 17/10 - Ảnh: VGP/LS

EROPA hướng tới sự phát triển bền vững 

Theo PGS.TS Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam, kể từ khi được thành lập vào năm 1960, EROPA với những hoạt động tích cực của mình đã thực sự có những đóng góp rất đáng trân trọng trong các lĩnh vực hợp tác nghiên cứu, phát triển khoa học quản lý công, quản trị công, góp phần tích cực thúc đẩy quá trình thực hiện hiệu quả quản trị ở các quốc gia thành viên.

Hội nghị EROPA 2023 với chủ đề "Vai trò của quản trị công trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội hướng tới mục tiêu phát triển bền vững", cùng các tiểu chủ đề một lần nữa chứng tỏ tinh thần hợp tác chặt chẽ, sự thống nhất ý chí của các nhà hành chính công, các tổ chức và cá nhân thành viên của EROPA hướng tới sự phát triển bền vững cho mỗi quốc gia và cho toàn khu vực.

"Chúng tôi tin tưởng sâu sắc rằng tinh thần hợp tác, sự thống nhất ý chí đó là cơ sở vững chắc cho những hành động chung, thiết thực của EROPA, hướng tới thực hiện các mục tiêu quan trọng trong xây dựng một thế giới bền vững, hòa bình và thịnh vượng. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh các xu hướng toàn cầu hóa, đa cực hóa, phát triển hòa bình đã thể hiện đặc biệt rõ nét tại châu Á-Thái Bình Dương, đưa châu Á- Thái Bình Dương trở thành khu vực năng động và có tiềm năng lớn nhất trên thế giới", ông Nguyễn Bá Chiến cho biết.

* Theo dự kiến chương trình, Hội nghị sẽ diễn ra từ ngày 17-19/10 với nhiều phiên thảo luận và chủ đề như: Thực tiễn phục hồi và phát triển KTXH: Những vấn đề đặt ra và yêu cầu đổi mới quản trị công; đổi mới quản trị công nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển KTXH; xây dựng năng lực quản trị công nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển KTXH. 

EROPA thành lập năm 1960 bao gồm thành viên từ các quốc gia, các tổ chức và cá nhân trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có 10 thành viên cấp nhà nước, 58 thành viên là các viện, học viện hay các trường hành chính công, trường đại học, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực quản trị nhà nước và hành chính công được công nhận. Ngoài ra, EROPA còn có 229 thành viên tham gia với tư cách cá nhân.

Lê Sơn