In bài viết

Vì sao bệnh sốt xuất huyết liên tục gia tăng?

(Chinhphu.vn) - Về mặt cơ chế, đặc điểm và độc lực của virus gây bệnh sốt xuất huyết hiện nay không có gì bất thường hay khác so với các năm trước. Tuy nhiên, số ca bệnh liên tục gia tăng, trong đó có nhiều ca nặng, thậm chí tử vong.

06/10/2023 15:37
Vì sao bệnh sốt xuất huyết liên tục gia tăng? - Ảnh 1.

Hiện nay, mỗi ngày Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận 20-30 bệnh nhân nội trú, trong đó có 1/3 là ca mắc sốt xuất huyết - Ảnh: VGP/Hiền Minh

Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), một trong số ít cơ sở tuyến cuối điều trị các bệnh truyền nhiễm trên cả nước, hiện nay mỗi ngày tiếp nhận 20-30 bệnh nhân nội trú, trong đó có tới 1/3 số ca mắc sốt xuất huyết phải nhập viện. Mới đây nhất, ngày 3/10, Trung tâm tiếp nhận 29 bệnh nhân nội trú thì có tới 10 ca mắc sốt xuất huyết.

Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã ghi nhận 6 ca tử vong, trường hợp trẻ nhất mới 22 tuổi.

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới khẳng định, về mặt cơ chế, đặc điểm và độc lực của virus gây bệnh sốt xuất huyết hiện nay không có gì bất thường hay khác so với các năm trước. Tuy nhiên, dịch bệnh này vẫn xảy ra liên tục trong những năm gần đây.

Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng các ca bệnh vẫn liên tiếp gia tăng, thậm chí vẫn ghi nhận ca tử vong?

PGS.TS. Đỗ Duy Cường: Năm nay dịch sốt xuất huyết xuất hiện khá sớm. Ngay từ đầu hè tháng 5, Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận nhiều ca bệnh, số lượng ngày càng tăng. Trong đó, có những bệnh nhân nặng được chuyển đến từ các cơ sở y tế khác, cần được xử lý chuyên sâu, hồi sức, do có dấu hiệu cảnh báo, như chảy máu, sốc, suy đa tạng...

Tuy nhiên, đặc điểm và độc lực của virus gây bệnh sốt xuất huyết hiện nay không có gì bất thường hay khác so với các năm trước. Như vậy, nguyên nhân dịch bệnh gia tăng là do công tác phòng, chống dịch ở một số nơi còn chưa quyết liệt.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ yếu tố thời tiết, do thay đổi thất thường, trời nóng, ẩm, mưa nhiều - những yếu tố thuận lợi để muỗi phát triển.

Theo điều tra dịch tễ học, bệnh sốt xuất huyết thường xảy ra vào tháng 8, 9, 10, tức là mùa Thu, nhưng những năm gần đây, bệnh xuất hiện từ đầu mùa Hè và kèo dài đến nay. Đỉnh điểm của dịch bệnh này có thể xảy ra vào tháng 10, 11 năm nay.

Vì sao bệnh sốt xuất huyết liên tục gia tăng? - Ảnh 2.

PGS.TS. Đỗ Duy Cường chia sẻ về cách phòng chống và điều trị bệnh sốt xuất huyết - Ảnh: VGP/HM

Theo ông, công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết hiện nay cần phải lưu ý những gì để hạn chế thấp nhất số người mắc và tử vong?

PGS.TS. Đỗ Duy Cường: Sốt xuất huyết không phải bệnh mới Bệnh này đã xảy ra từ rất nhiều năm. Do vậy, chúng ta cần phải chủ động chuẩn bị, đầu tư cho công tác phòng, chống dịch, tránh bị động từ việc phòng, chống, đến điều trị bệnh.

Cụ thể, công tác phòng, chống dịch cần phải được chỉ đạo quyết liệt, phối hợp hiệu quả, có trách nhiệm giữa các đơn vị liên quan. Trong đó, việc phun thuốc diệt muỗi cần phải chủ động triển khai ngay từ đầu mùa dịch.

Về giải pháp căn cơ, ngành y tế cần có kế hoạch, chiến lược và triển khai ngay vấn đề đáp ứng nhân lực cho chuyên ngành truyền nhiễm. Hiện nay, lực lượng này trên cả nước rất mỏng. Hai năm chống đại dịch COVID-19 đã cho chúng ta thấy rõ thực trạng này.

Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế ở khối ngành này cũng chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, trong khi các bệnh truyền nhiễm mới nổi đang ngày càng gia tăng.

Bệnh nhân sốt xuất huyết thường tập trung ở những khu vực nào, thưa ông?

PGS.TS. Đỗ Duy Cường: Số lượng bệnh nhân ghi nhận ở hầu hết các quận, huyện nội, ngoại thành của Hà Nội, đồng thời đang có xu hướng lan rộng ra các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam…

Năm ngoái, dịch bệnh tập trung nhiều các huyện Hoài Đức, Thạch Thất, Đan Phượng… của Hà Nội. Năm nay, huyện Gia Lâm, Sóc Sơn… cũng ghi nhận nhiều ổ dịch.

Trong nội thành, tại các khu vực đông đúc dân cư, khu trọ, nhất là thời điểm sinh viên nhập học, bệnh có xu hướng gia tăng do điều kiện vệ sinh không đảm bảo, tạo điều kiện cho muỗi, bọ gậy phát triển.

Tính đến hiện tại, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận 6 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Những trường hợp này nhập viện muộn, có dấu hiệu cảnh báo nặng, sốc, suy đa nội tạng, chảy máu.

Đáng lưu ý, những trường hợp tử vong do sốt xuất huyết đa phần là người trẻ, trung bình từ 30-35 tuổi, thậm chí không có bệnh nền.

Tại sao lại như vậy, thưa ông?

PGS.TS. Đỗ Duy Cường: Những bệnh nhân này đến bệnh viện quá muộn, với những triệu chứng kinh điển là sốt – biểu hiện dễ cảm nhận được, đau đầu, chán ăn, đau ngực, da xung huyết, mệt mỏi…

Có nhiều bệnh nhân có dấu hiệu sốt cao trong 2-3 ngày đầu tiên mắc bệnh, nhưng đây không phải là dấu hiệu đáng lo. Đến ngày thứ 4-5, khi tiểu cầu hạ nhiều, mới có tình trạng xuất huyết.

Tuy nhiên, nhiều người không sốt, nhưng chảy máu nội tạng, thoát huyết tương, cô đặc máu, thoát dịch… rất khó phát hiện.

Ngày thứ 5 của bệnh cảnh, bệnh nhân có thể hết sốt, chuyển sang giai đoạn nguy hiểm, bị sốc, như thoát huyết tương, cô đặc máu, tụt huyết áp. Nhiều người lầm tưởng, hết sốt là đã khỏi bệnh nên chủ quan.

Thưa ông, những trường hợp mắc sốt xuất huyết có biểu hiện như nào thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn khám và điều trị kịp thời?

PGS.TS. Đỗ Duy Cường: Với tình hình ngày càng nhiều bệnh nhân, xu hướng nhập viện ngày càng tăng, đặc biệt là các bệnh nhân nặng có dấu hiệu cảnh báo, các cơ sở y tế cần tăng cường khám sàng lọc, phát hiện sớm các dấu hiệu, phân loại tình trạng bệnh (bệnh nhẹ có thể được điều trị tại nhà, bệnh nặng cần được đưa các bác sĩ chuyên khoa).

Sốt xuất huyết khi có dấu hiệu cảnh báo có thể diễn biến rất nhanh. Trường hợp cần bác sĩ có chuyên môn, nhất là về điều trị hồi sức tích cực, bệnh nhân cần được đưa đến các cơ sở có sẵn vật tư, thiết bị để có thể hồi sức và được cứu sống.

Không phải tất cả các ca bệnh sốt xuất huyết đều có thể chuyển nặng. Nhưng chỉ cần 10% trong số các ca bệnh có biểu hiện nặng nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời thì có thể dẫn tới tử vong.

Hiện nay, chưa có vaccine phòng chống sốt xuất huyết. Vì vậy, để hạn chế các ca tử vong, chúng ta cần phải tăng cường phát hiện sớm, điều trị đúng phác đồ.

Hiện nay một số người dân cho rằng, mắc sốt xuất huyết là hạ tiểu cầu và bệnh nhân cần phải được truyền tiểu cầu khi nhập viện, để tránh tử vong. Ông có thể giải thích thêm vấn đề này tới độc giả?

PGS.TS. Đỗ Duy Cường: Không phải cứ mắc sốt xuất huyết là cần truyền máu hoặc truyền tiểu cầu. Tiểu cầu là một trong những chỉ số để tiên lượng, nhưng không phải yếu tố quyết định tình trạng bệnh nặng hay nhẹ. Nhiều người bệnh có chỉ số tiểu cầu dưới 20 nhưng không xuất huyết, thì cũng không cần truyền tiểu cầu.

Theo hướng dẫn mới đây của Bộ Y tế, người bệnh có chỉ số tiểu cầu dưới 10 kèm theo xuất huyết thì mới cần truyền tiểu cầu, hoặc chỉ số tiểu cầu dưới 5, tình trạng nặng, nếu có chỉ định thì cần truyền tiểu cầu.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hiền Minh (thực hiện)