Lãnh đạo Vietcombank cho biết: Trên cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022 đó là kiểm soát tốt lạm phát, NHNN quyết định tăng giới hạn tín dụng tối đa cho các tổ chức tín dụng trong năm 2022 để hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế trong những tháng cuối năm 2022. Về phía Vietcombank cũng đã được NHNN chấp thuận cho tăng thêm 2,7% dư nợ tín dụng tối đa đến hết năm 2022.
Để được NHNN chấp thuận cho tăng thêm 2,7% dư nợ tín dụng tối đa đến cuối năm 2022, trong thời gian vừa qua, Vietcombank đã nỗ lực để đạt được xếp hạng hạng A theo Thông tư 52 của NHNN về quy định xếp hạng các tổ chức tín dụng, chi nhánh các ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, Vietcombank đã thực hiện tốt các tiêu chí, chỉ tiêu về an toàn vốn, về thanh khoản, về chất lượng điều hành cũng như đạt kết quả tốt về hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng đã thực hiện tốt các chỉ đạo của NHNN như giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân cũng như hỗ trợ cho tổ chức tín dụng yếu kém theo chủ trương của Chính phủ.
Lãnh đạo Vietcombank nhấn mạnh: Sau khi được NHNN cho phép tăng thêm 2,7% dư nợ tín dụng tối đa, Vietcombank sẽ tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng vào những lĩnh vực, ngành nghề thiết yếu của nền kinh tế, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, kiểm soát tốt thanh khoản, kiểm soát tốt rủi ro tín dụng, đảm bảo tỉ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức độ thấp, duy trì mặt bằng lãi suất huy động vốn, lãi suất cho vay, đảm bảo ở mức hợp lý, hỗ trợ cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế cũng như phục hồi và phát triển của các doanh nghiệp.
Trước đó, NHNN đã phát đi thông cáo cho biết đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng (room) tín dụng năm 2022 và có thông báo gửi các ngân hàng
Bên cạnh Vietcombank, đợt này một số ngân hàng cũng được nới room tín dụng như: Sacombank, Agribank, MB, SHB, VIB, TPBank , LietvietpostBank…
Các chuyên gia cho rằng: Nhu cầu vốn tín dụng trong năm nay tăng trưởng cao gắn với nhu cầu thực hơn so với trước rất nhiều do nền kinh tế phục hồi, sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh, doanh nghiệp có nhu cầu vốn để hoạt động.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết: Nếu không có ảnh hưởng của dịch COVID-19, hay cơ hội phục hồi kinh tế kéo theo nhu cầu vốn doanh nghiệp, hộ kinh doanh tăng nhanh, thì vấn đề room tín dụng không nóng như hiện nay. Cụ thể, nếu không có dịch, không gia hạn nợ, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, thì lượng vốn đã đủ để quay vòng, trả nợ. Nhưng do các nguyên nhân trên cộng với tình hình kinh tế phục hồi nên lượng vốn cần bổ sung tăng lên khá mạnh.
Tuy nhiên, bài toán điều hành của NHNN vẫn phải ưu tiên ổn định hệ thống và kinh tế vĩ mô. Do đó, sẽ phải hết sức chú ý đến lạm phát và hệ thống thanh khoản ngân hàng.
Thời gian qua, NHNN thường áp dụng công cụ room tín dụng cùng với các yêu cầu về an toàn vốn…
Ngân hàng nào chất lượng tốt hơn, tín dụng lành mạnh hơn, tham gia nhiều hơn vào các mục tiêu chung của hệ thống và chủ trương của Chính phủ đương nhiên sẽ được ưu tiên nới room tín dụng hơn.
NHNN căn cứ trên kết quả xếp hạng mới nhất theo Thông tư 52/2018/TT-NHNN, tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng trong năm 2022, diễn biến thị trường và định hướng từ đầu năm tại Chỉ thị 01. Mức độ tăng thêm không đồng đều, nếu đầu năm, một số ngân hàng đã được cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao thì nay mức độ cấp thêm sẽ ít hơn so với các ngân hàng còn lại.
Anh Minh