Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đây quan điểm của ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) trong cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề xử lý nợ xấu, nới room tín dụng và tình hình các ngân hàng... trong bối cảnh hiện nay.
Theo NHNN, đến 20/5/2022, tín dụng đạt trên 11 triệu tỷ đồng, tăng 7,66% so với cuối năm 2021. Cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các ngành, lĩnh vực thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vẫn được kiểm soát chặt chẽ. Tuy vậy, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng cho rằng hoạt động ngân hàng tiềm ẩn rủi ro. Do đó, quy định của Nhà nước đều yêu cầu các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro (DPRR).
"Gói hỗ trợ lãi suất 2% là tiền ngân sách, nên nếu bị lợi dụng hoặc cho vay đối tượng không phù hợp, ngân hàng sẽ phải đối mặt với rủi ro khác cao hơn, thậm chí liên quan đến pháp luật. Do đó, lúc ban đầu, các tổ chức tín dụng (TCTD) còn khá e ngại tham gia. Thực tế này khiến NHNN phải quán triệt rất quyết liệt. Kết quả là các ngân hàng tham gia tích cực và coi đây là nhiệm vụ chính trị góp phần hỗ trợ nền kinh tế", đại diện VNBA nói.
Tại cuộc làm việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, đại diện một số TCTD đề xuất NHNN nới room tăng trưởng tín dụng.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, sau khi tăng trưởng tín dụng bị hạn chế do ảnh hưởng COVID-19, nhu cầu vốn tăng cao. Đến thời điểm hiện tại, tăng trưởng tín dụng đã đạt 9%, do đó Vietcombank đề nghị NHNN xem xét nới room tín dụng phù hợp để các ngân hàng chung tay hỗ trợ tăng trưởng.
Về vấn đề này, Tổng Thư ký VNBA phân tích tín dụng tăng trưởng khá cao do nhiều nguyên nhân: Nền kinh tế bước đầu phục hồi, DN hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại. Tuy nhiên, tình hình giá cả cũng tăng cao, nhất là nguyên vật liệu đầu vào, khiến chi phí vốn của DN và ngân hàng đều tăng, gây áp lực lạm phát.
Việc tín dụng tăng cao, giới hạn tín dụng sắp hết nên cần nới room tín dụng vì nếu không sẽ khó triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ DN, hộ kinh doanh, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Tuy nhiên, ở góc độ vĩ mô, với áp lực lạm phát trên thế giới tăng cao, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng, NHNN sẽ phải cân nhắc kỹ việc nới tăng trưởng tín dụng vì điều này có thể sẽ gia tăng áp lực lạm phát trong nước.
Ông Nguyễn Quốc Hùng lưu ý, mục tiêu của NHNN là ổn định vĩ mô, kiểm soát, không để xảy ra lạm phát. Do đó, dù biết rất rõ tình hình các TCTD gặp khó về room tín dụng nhưng lãnh đạo NHNN phải cân nhắc rất cẩn trọng, để có giải pháp phù hợp nhất.
Để giải quyết khó khăn này, NHNN sẽ phải rà soát kỹ hoạt động tín dụng cũng như tình hình tài chính của các ngân hàng, vì vậy việc nới room chắc chắn không đều. NHNN sẽ phải căn cứ vào mức độ tuân thủ của các TCTD về an toàn vốn.
Ví dụ, Thông tư 22 quy định bên cạnh việc giảm tỉ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn xuống còn 30% kể từ 1/10/2022 nên ngân hàng nào không đạt yêu cầu, để tỉ lệ này cao hơn mức 30% sẽ khó có cơ hội được nới room.
Thông tư 14 của NHNN ban hành ngành 7/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01 về việc TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Thông tư nêu TCTD quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021 từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 30/6/2022 và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Như vậy, việc thực hiện miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng theo quy định tại Thông tư này thực hiện đến ngày 30/6/2022. Khi hạn chót đang đến gần, dư luận quan tâm liệu Thông tư này có gia hạn hay không.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng việc gia hạn đến nay là đủ, không nên kéo dài nội dung của Thông tư 14.
Nhìn vào bối cảnh chung, nếu tính đủ phải có đến cả triệu tỷ đồng bị ảnh hưởng COVID-19. Thời gian qua, khách hàng khó khăn, tiềm ẩn nợ xấu nhưng ngành ngân hàng sẵn sàng chia sẻ, vẫn cơ cấu nợ và để khách hàng được vay tiếp nếu phương án kinh doanh có hiệu quả.
Đại diện VNBA cho rằng phải quán triệt chỉ đạo của NHNN là khi cho vay các TCTD phải thẩm định kỹ càng, hỗ trợ DN, hộ kinh doanh nhưng không cho vay dưới chuẩn, không để nợ xấu tăng cao ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.
Các TCTD phải tuân thủ nguyên tắc không hạ chuẩn cho vay, thẩm định chặt chẽ, khi vay vốn ngân hàng, người vay phải đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật.
"Việc một khách hàng gặp khó khăn không trả nợ đúng hạn cùng với khả năng phục hồi kém sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro với bên cho vay. Nếu điều này tiếp tục kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ trở thành các khoản tín dụng dưới chuẩn, tiềm ẩn rủi ro hệ thống", ông Nguyễn Quốc Hùng nêu quan điểm.
Tại Hội nghị triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của NHNN vừa qua, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đã yêu cầu toàn hệ thống triển khai ngay việc thực hiện hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Nghị định số 31 và Thông tư 03 trong toàn hệ thống.
Lãnh đạo NHNN yêu cầu quá trình triển khai có thể phức tạp, mất công sức, không mang lại lợi nhuận, nhưng không được có tâm lý làm cho xong mà cần xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị, cần phải tích cực tham gia, góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng.
Các NHTM không được hạ chuẩn tín dụng, phải bảo đảm thực hiện hỗ trợ lãi suất đúng quy định, đúng đối tượng, đúng mục đích; ngăn chặn các sai phạm, rủi ro, trục lợi chính sách.
Huy Thắng