In bài viết

VietinBank mở rộng hệ sinh thái số đi đôi với tập trung về an toàn bảo mật

(Chinhphu.vn) – Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yếu tố sống còn của ngành ngân hàng. Trong đó, VietinBank là một trong những ngân hàng tiên phong ứng dụng công nghệ, tối ưu hệ sinh thái số và nâng cao bảo mật nhằm mang đến trải nghiệm tài chính toàn diện, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

10/02/2025 21:11
VietinBank mở rộng hệ sinh thái số đi đôi với tập trung về an toàn bảo mật- Ảnh 1.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại tại sự kiện chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sẵn sàng đối mặt thách thức tối ưu hóa hệ sinh thái số

Thời gian qua, lãnh đạo NHNN đã yêu cầu các NHTM bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với quan điểm xuyên suốt lấy người dân, doanh nghiệp (DN) là trung tâm và định hướng chuyển đổi số ngành Ngân hàng với việc lấy trải nghiệm khách hàng là thước đo. Tại sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024, Thủ tướng nhấn mạnh: "Ngân hàng sẽ là ngành đi đầu trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia". Thủ tướng cũng chỉ rõ ba mục tiêu và sáu nhiệm vụ trọng tâm để ngành ngân hàng phát triển lên tầm cao mới thông qua chuyển đổi số.

Lãnh đạo NHNN nhấn mạnh quan điểm "Chuyển đổi số không còn là lựa chọn, mà là lẽ sống còn". Thực tế triển khai, đến nay, hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017-2023 đạt trên 100%/năm. Hạ tầng công nghệ ngân hàng thường xuyên được đầu tư nâng cấp, phát triển. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830 nghìn tỷ đồng/ngày (tương đương 40 tỷ USD), hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20-25 triệu giao dịch/ngày.

Việc ngân hàng tiên phong trong chuyển đổi số giúp các ngân hàng thương mại mở rộng kết nối, phát triển hệ sinh thái số theo chủ trương của Đảng, Nhà nước đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng và thị trường.

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Lê Việt Đức - Giám đốc Khối Bán lẻ VietinBank tâm đắc với với quan điểm Chuyển đổi số ngành ngân hàng không còn là một lựa chọn, mà đã trở thành một yêu cầu bắt buộc, một chiến lược kinh doanh "sống còn" đối với các ngân hàng. Không nằm ngoài xu thế đó, VietinBank đã chú trọng đầu tư cho chiến lược chuyển đổi số, đặc biệt là việc triển khai các sáng kiến nhằm tối ưu hóa hệ sinh thái số để nâng cao trải nghiệm của khách hàng.

Dù đi tiên phong, nhưng đứng trước dòng chảy của chuyển đổi số, VietinBank không đứng yên mà luôn tìm hiểu nhu cầu của khách hàng để không ngừng cải tiến và gia tăng các tính năng mới, từ đó mang lại trải nghiệm thông minh và toàn diện cho khách hàng ứng dụng ngân hàng số VietinBank iPay Mobile.

Là ứng dụng ngân hàng được phát triển trên nền tảng công nghệ mới dựa trên giao diện lập trình ứng dụng mở (Open APIs), VietinBank iPay Mobile có thể dễ dàng kết nối với các đối tác để gia tăng tính năng, tiện ích, xây dựng một hệ sinh thái ngân hàng số toàn diện, đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng... Đến nay, VietinBank đã kết nối gần 3.000 đối tác để cung cấp hơn 200 dịch vụ, tính năng trên ứng dụng cho khách hàng. Như vậy, ứng dụng Ngân hàng số VietinBank iPay trở thành một siêu ứng dụng với hệ sinh thái thanh toán và dịch vụ đa dạng ngoài ngân hàng và đáp ứng được phần đông nhu cầu sử dụng của khách hàng.

Bên cạnh những cơ hội và lợi thế nâng cao khả năng cạnh tranh thì việc mở rộng hệ sinh thái số ngân hàng cũng mang tới những thách thức lớn cho VietinBank như: Các tổ chức tài chính, các ví điện tử ngày càng gia tăng cả về sản phẩm, dịch vụ, tiện ích và trải nghiệm người dùng; thói quen tiêu dùng của một tập khách hàng chưa sẵn sàng tiếp cận phương thức giao dịch trên kênh số, do vậy công tác truyền thông, tuyên truyền về lợi ích của việc giao dịch trên kênh số cần thực hiện sâu, rộng, tần suất cao và đơn giản tới khách hàng. Hơn nữa, việc mở rộng hệ sinh thái số đòi hỏi nguồn lực tài chính, nhân lực rất lớn trong khi phí dịch vụ trên kênh số hầu hết đều bằng 0..., đồng thời cần tính toán cả vấn đề pháp lý.

VietinBank mở rộng hệ sinh thái số đi đôi với tập trung về an toàn bảo mật- Ảnh 2.

Ông Lê Việt Đức - Giám đốc Khối Bán lẻ VietinBank - Ảnh: VGP/HT

Mở rộng ngân hàng số đi đôi với bảo mật

Ông Lê Việt Đức - Giám đốc Khối Bán lẻ VietinBank khẳng định: Trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi, ngân hàng luôn đặt yếu tố an toàn, bảo mật cho khách hàng khi sử dụng các sản phẩm dịch vụ số lên hàng đầu.

Ngoài việc dành nguồn lực rất lớn để đầu tư vào "hàng rào" hệ thống bảo mật, các nền tảng, các thiết bị bảo mật tiên tiến, thì việc liên tục rà soát, tối ưu hệ thống và các nền tảng bảo mật là việc mà chúng tôi luôn ưu tiên và liên tục triển khai.

VietinBank mở rộng hệ sinh thái số đi đôi với tập trung về an toàn bảo mật- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp VietinBank - Ảnh: VGP/HT

VietinBank là một trong những ngân hàng đầu tiên áp dụng xác thực giao dịch bằng Soft OTP cho giao dịch của khách hàng trên ứng dụng ngân hàng số. VietinBank cũng là ngân hàng đầu tiên triển khai giải pháp xác thực giao dịch qua FacePay, chỉ khách hàng với sinh trắc học khuôn mặt đã đăng ký với ngân hàng mới thực hiện xác thực được giao dịch tài chính trên ứng dụng VietinBank iPay Mobile mang tới sự an tâm cho khách hàng khi thực hiện các giao dịch tài chính.

Mới đây, VietinBank đã ký kết hợp đồng hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (Trung tâm RAR) - Bộ Công An triển khai dịch vụ xác thực điện tử qua VNeID trên VietinBank iPay Mobile giúp khách hàng dễ dàng thu thập sinh trắc học và cập nhật giấy tờ tùy thân để thực hiện các giao dịch thanh toán trực tuyến theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Thông tư 17.

VietinBank "bắt tay" với Bộ Công an để đưa xác thực điện tử vào ngân hàng số cho thấy, đây không chỉ là câu chuyện của một ngân hàng, mà là một phần của bức tranh lớn hơn, đó là bức tranh của một Việt Nam hiện đại, trong đó có nỗ lực để từng giao dịch được an toàn, từng bước phát triển đều vững chắc.

Thông qua việc triển khai thu thập sinh trắc học xác thực giao dịch tài chính, tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng trên không gian mạng của các đối tượng tội phạm công nghệ cao thời gian qua đã giảm thiểu đáng kể - giảm hơn 50% so với thời gian trước.

"Với thế mạnh về các giải pháp công nghệ, cùng định hướng đã chia sẻ ở trên, trong thời gian tới, VietinBank tiếp tục mở rộng nhiều sản phẩm, dịch vụ, nhiều chương trình và chính sách thúc đẩy dịch vụ ngân hàng số trên cơ sở tăng cường trải nghiệm khách hàng, mở rộng hệ sinh thái và nền tảng bảo mật nhiều lớp tiên tiến trên thế giới", ông Lê Việt Đức cho hay.

Không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ cung cấp dịch vụ trực tiếp tới khách hàng, VietinBank còn tích cực tham gia phối hợp triển khai dịch vụ công, thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của quốc gia.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp VietinBank bày tỏ vinh dự là một trong những ngân hàng chủ lực đầu tiên phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan, ban, ngành, địa phương tích hợp triển khai thành công thanh toán dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, góp phần mạnh mẽ trong thúc đẩy triển khai cải cách thủ tục hành chính, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. VietinBank đã phối hợp Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương kiểm thử, tích hợp triển khai thanh toán phí, lệ phí dịch vụ công cho tất cả các Cơ quan bộ ngành, địa phương trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

VietinBank đã đồng hành cùng Văn phòng Chính phủ triển khai định hướng cung ứng nhiều dịch vụ thiết yếu cho người dân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia như: Thanh toán phí, lệ phí; Nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông; Nộp thuế cá nhân, lệ phí trước bạ, thuế đất đai; Nộp gia hạn thẻ BHYT, đóng bảo hiểm tự nguyện; Nộp thuế đất đai;…

Bên cạnh phát triển các giải pháp thanh toán trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, ngân hàng đã sớm xác định nhiệm vụ trọng tâm nghiên cứu các giải pháp toàn diện đáp ứng yêu cầu triển khai thanh toán dịch vụ công cho các địa phương trên cơ sở ứng dụng hệ thống công nghệ hiện đại trong thanh toán.

Qua đó, góp phần hiện đại hóa quy trình xử lý thủ tục và thanh toán dịch vụ công cho chính quyền địa phương và người dân. VietinBank đã triển khai nhiều giải pháp thanh toán hiện đại như: Thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của các tỉnh/thành phố thông qua các phương tiện thanh toán tài khoản ngân hàng, thẻ ATM, thẻ tín dụng; Thanh toán qua POS, QRCode tại các Trung tâm phục vụ hành chính công và các bộ phận một cửa của các quận, huyện, xã…; Thanh toán thông qua mọi kênh giao dịch của tất cả các ngân hàng (quầy giao dịch, internet banking, mobile banking). Giải pháp thanh toán dịch vụ công trực tuyến - eGPS đã từng được tổ chức VINASA trao tặng danh hiệu "Danh hiệu Sao Khuê" nhờ đáp ứng toàn diện 4 mức độ dịch vụ công, cho phép công dân, doanh nghiệp lựa chọn và thuận tiện trong sử dụng để thanh toán dịch vụ công.

Việc Chính phủ, các bộ ngành, địa phương tăng cường cung cấp các dịch vụ công mức độ 4 cho người dân đã giúp tác động mạnh mẽ, thay đổi thói quen của người dân trong việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng, sử dụng các phương tiện thanh toán hiện đại, giúp gia tăng số lượng khách hàng mở, sử dụng tài khoản của VietinBank thanh toán dịch vụ công.

Anh Minh