Cá chình là loại cá có giá trị dinh dưỡng, thịt thơm ngon, được nhiều người ưa thích. Giá thu mua trên thị trường trong nước hiện nay là 500.000 - 700.000 đồng/kg.
Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển trở thành một trong những nước có sản lượng cá chình lớn của thế giới, nhờ có điều kiện khí hậu và nguồn nước rất thuận lợi, có nguồn giống trên 10 triệu con/năm ở các tỉnh miền Trung, nên sản lượng có thể đạt tới 8.000-10.000 tấn/năm.
Trong đó, Phú Yên có vùng nước lợ ven biển khoảng 21.000 ha là các bãi đẻ, sinh trưởng của các loài thủy sản. Do điều kiện tự nhiên thuận lợi như vậy, Phú Yên là tỉnh dẫn đầu cả nước về nguồn giống cá chình bông. Nguồn cá chình giống chủ yếu thu vớt từ tự nhiên tại địa phương, với ngư cụ khai thác là lưới mành kết hợp với ánh sáng.
Nghề nuôi cá chình ở nước ta bắt đầu ở tỉnh Phú Yên khoảng những năm 2000. Những năm đầu tiên khi mới bắt đầu làm nghề nuôi cá chình bông, cá chình con không được quan tâm nhân tạo giống mà người dân chủ yếu đánh bắt cá chình bông giống ở tự nhiên.
Đến giai đoạn nghề nuôi cá chình bông được chú trọng và tăng nhanh về diện tích, để chủ động đáp ứng nhu cầu về con giống, một số đề tài nghiên cứu công nghệ và xây dựng mô hình lên giống, nuôi cá được triển khai.
Hiện nay, mô hình nuôi cá chình bông thương phẩm đã được nhân rộng ra nhiều hộ gia đình ở huyện Tuy An, Tây Hòa, Đông Hòa... Mô hình này bước đầu đã cho thấy hiệu quả khả quan: Cá chình phát triển tốt, ít dịch bệnh, giá cả ổn định, đầu ra rộng mở. Đây hứa hẹn sẽ là vật nuôi mang lại nhiều lợi nhuận, góp phần ổn định đời sống của người dân.
Theo chia sẻ của các hộ nông dân tham gia mô hình nuôi cá chình bông, với giá bán như hiện nay, người dân sau một vụ nuôi cá 18 – 24 tháng có thể thu lãi được 70.000 đến 80.000 đồng/con.
Ông Kiều Công Thoại, xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên cho biết, ban đầu gia đình ông nuôi 3 bể, thả khoảng 700 con giống loại nhỏ. Khi đàn cá lớn lên, ông xây thêm bể và tách đàn, phân loại để đưa cá ra bể lớn hơn. Hiện tại, gia đình ông có 4 bể với 700-800 con giống. Vừa rồi xuất được một lứa cá chình khoảng 5 tạ cá, mang lại lợi nhuận hơn 200 – 300 triệu, trừ chi phí thì ông lãi hơn 60%.
Theo ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Phú Yên, đầu tư con giống tuy có giá thành cao nhưng mức độ an toàn, chất lượng sản phẩm, thu lợi nhuận cao, trong khi các sản phẩm cá khác, nuôi thời gian dài nhưng sản phẩm không đạt như cá chình. Hiệu quả kinh tế từ nuôi cá chình cao, gấp 5-6 lần các vật nuôi khác.
Xuất phát từ thực tiễn đó, Viện Thổ nhưỡng nông hoá, thuộc Viện Khoa học nông nghiệp, Bộ NN&PTNT phối hợp với Sở KHCN tỉnh Phú Yên và một số cơ quan liên quan đang triển khai nhiệm vụ "Đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá chình bông của tỉnh Phú Yên".
Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá chình bông được đánh giá là rất cần thiết. Cá chình bông Phú Yên có chất lượng đặc trưng riêng biệt, có mối liên hệ với điều kiện tự nhiên, sinh thái của khu vực nuôi trồng.
Đây chính là cơ sở khoa học để xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cá chình bông Phú Yên, từ đó giúp người nuôi, kinh doanh sản phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao, đồng thời tăng khả năng nhận biết bảo vệ danh tiếng cho sản phẩm.
Các sản phẩm cá chình bông Phú Yên sau khi được bảo hộ, người tiêu dùng sẽ dễ nhận biết và lựa chọn sản phẩm; sản phẩm sẽ góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ trong tương lai, có sức cạnh tranh hơn so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường; củng cố lòng tin của người tiêu dùng đối với cá chình bông Phú Yên từ đó gia tăng giá trị, thúc đẩy sản phẩm tham gia tốt hơn vào thị trường trong nước và xuất khẩu...
Hà Giang