Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) vừa ban hành Kế hoạch chi tiết về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan trong lĩnh vực hàng hải.
Mục tiêu của kế hoạch nhằm phát triển hệ thống giao thông hàng hải xanh hướng tới mục tiêu góp phần phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.
Cụ thể, giai đoạn đến năm 2030: Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh với lĩnh vực hàng hải đã sẵn sàng về mặt công nghệ, thể chế, nguồn lực nhằm thực hiện mức cam kết trong đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và mục tiêu giảm phát thải khí metan của Việt Nam.
Giai đoạn đến năm 2050: Phát triển hợp lý phương thức vận tải, thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng hàng hải sang sử dụng điện, năng lượng xanh, hướng đến góp phần phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.
Theo lộ trình của Cục Hàng hải Việt Nam, giai đoạn 2022 - 2030, sẽ khuyến khích tàu biển Việt Nam hoạt động nội địa tuân thủ đầy đủ các quy định của Phụ lục VI Công ước MARPOL về sử dụng hiệu quả năng lượng và Chiến lược giảm phát thải khí nhà kính từ tàu biển của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) từ năm 2025.
Đồng thời, khuyến khích chuyển đổi phương tiện, trang thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh hoặc có các biện pháp tương đương tại các cảng đầu tư mới, đầu tư bổ sung và cảng hiện hữu.
Giai đoạn 2031 - 2050, tàu biển Việt Nam hoạt động nội địa tuân thủ đầy đủ các quy định của Phụ lục VI Công ước MARPOL về sử dụng hiệu quả năng lượng và Chiến lược giảm phát thải khí nhà kính từ tàu biển của IMO.
Đặc biệt ở giai đoạn này, tàu biển đóng mới, hoán cải, nhập khẩu sau năm 2035 sử dụng điện, năng lượng xanh.
Từ năm 2031, sẽ đầu tư phương tiện, trang thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh hoặc có các biện pháp tương đương tại các cảng đầu tư mới, đầu tư bổ sung. Từ năm 2040, thực hiện chuyển đổi phương tiện, trang thiết bị tại các cảng hiện hữu, các thiết bị báo hiệu hàng hải sử dụng điện, năng lượng xanh hoặc có các biện pháp tương đương.
Từ năm 2050, tất cả các phương tiện, trang thiết bị tại cảng, các thiết bị báo hiệu hàng hải sử dụng điện, năng lượng xanh hoặc có các biện pháp tương đương.
Để thực hiện những mục tiêu trên, Cục Hàng hải Việt Nam đề xuất nhiều nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Cụ thể, cơ quan này đề xuất sửa Bộ luật Hàng hải Việt Nam và các văn bản dưới luật. Trong đó, tích hợp các nội dung, quy định và cam kết quốc tế liên quan đến chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính.
Hoàn thiện các quy định về điều kiện tham gia giao thông, điều kiện kinh doanh, niên hạn sử dụng, đăng ký, đăng kiểm để giảm dần số lượng và tiến tới loại bỏ hoàn toàn phương tiện, trang thiết bị hàng hải sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Đề xuất xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật... liên quan đến quản lý, vận hành, khai thác phương tiện, trang thiết bị ngành hàng hải có hiệu suất năng lượng cao, sử dụng điện, năng lượng xanh.
Nghiên cứu và lồng ghép các quy hoạch ngành hàng hải đảm bảo việc định hướng đầu tư, xây dựng, nâng cấp, vận hành khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải phù hợp và đồng bộ với đầu tư, khai thác phương tiện, trang thiết bị hàng hải sử dụng điện, năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính.
Trong việc chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh, cơ quan này đề ra giải pháp kiểm kê khí nhà kính với các hoạt động hàng hải, cũng như phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam và các đơn vị liên quan xây dựng chương trình chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh hoặc các biện pháp tương đương đối với tàu biển.
Xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi tàu biển sử dụng năng lượng hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Đối với việc phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải xanh, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại, dịch vụ chất lượng cao. Trong đó, ưu tiên phát triển các khu bến cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, Cái Mép và triển khai Đề án phát triển cảng xanh.
Ngoài ra, xây dựng, ban hành quy định, tiêu chí cảng xanh và triển khai áp dụng tiêu chí cảng xanh tại các cảng biển Việt Nam. Cùng với đó, xây dựng, ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hàng hải đầu tư, phát triển chuyển đổi năng lượng xanh.
Trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện triển khai các quy định của Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) về hiệu quả sử dụng năng lượng đối với tàu biển hoạt động tuyến nội địa. Đồng thời, tổ chức quản lý, điều hành, khai thác hiệu quả phương tiện, trang thiết bị hạ tầng hàng hải.
Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị tổ chức vận tải trên cơ sở phát triển hợp lý các phương thức vận tải; tăng cường kết nối các phương thức vận tải kết hợp dịch vụ logistics chất lượng cao, giảm hệ số chạy rỗng của phương tiện, giảm ùn tắc hàng hóa trong hoạt động vận tải biển và chuỗi cung ứng dịch vụ logistics.
Về nguồn vốn, sẽ huy động đa dạng nguồn hỗ trợ tài chính từ các quỹ về môi trường trên thế giới, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài, ngân hàng thương mại quốc tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài…
Về công nghệ, thực hiện nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phương tiện, thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh, kết cấu hạ tầng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, cung ứng năng lượng xanh. Đặc biệt chú trọng công nghệ, công nghiệp hỗ trợ phát triển phương tiện, trang thiết bị hàng hải sử dụng điện, năng lượng xanh.
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, giao thông thông minh trong quản lý, điều hành các lĩnh vực trong ngành hàng hải.
Đối với công tác phát triển nguồn nhân lực, đào tạo lại và đào tạo nâng cao nguồn nhân lực hiện có của ngành hàng hải sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao, quản lý, khai thác, vận hành phương tiện, hạ tầng hàng hải công nghệ mới không phát thải khí nhà kính.
PT