In bài viết

Xây dựng đội ngũ công chức Hải quan uy tín, tinh nhuệ

(Chinhphu.vn) - Ngành Hải quan đang rà soát, sắp xếp cơ cấu tổ chức của các vụ, cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trung gian, không chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đáp ứng yêu cầu quản lý theo mô hình nghiệp vụ hải quan thông minh.

01/11/2022 18:19
Xây dựng đội ngũ công chức Hải quan uy tín, tinh nhuệ - Ảnh 1.

Xây dựng, phát triển đội ngũ công chức Hải quan có trình độ chuyên môn sâu, tác phong làm việc chuyên nghiệp, làm chủ được công nghệ, trang thiết bị hiện đại

Phát triển đội ngũ công chức chuyên nghiệp, làm chủ công nghệ hiện đại

Tại Kế hoạch Cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan đến năm 2025 (theo Quyết định số 1855/QĐ-BTC ngày 13/9/2022 của Bộ Tài chính) đã chỉ rõ các giải pháp và tổ chức thực hiện trong việc tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực.

Trong đó, xây dựng tổ chức bộ máy Hải quan 3 cấp: cấp Tổng cục, cấp Vùng và cấp Chi cục. Đồng thời, nghiên cứu đổi mới tổ chức và hoạt động của các đơn vị chuyên sâu về phân tích, xác định trọng điểm theo từng loại hình cửa khẩu; đơn vị phân loại hàng hóa; đơn vị quản lý giá, xuất xứ hàng hóa; đơn vị kiểm tra hồ sơ hải quan; kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác kiểm định hải quan để triển khai Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo Quyết định số 38/QĐ-TTg.

Bên cạnh đó, xây dựng, phát triển đội ngũ công chức Hải quan các cấp có trình độ chuyên môn sâu, hoạt động liêm chính, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, làm chủ được công nghệ, trang thiết bị hiện đại, đủ về số lượng, cơ cấu phù hợp, đáp ứng mô hình quản lý hải quan hiện đại. Đội ngũ công chức cấp Chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, tinh nhuệ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; xây dựng và phát triển đội ngũ chuyên gia nghiệp vụ 2 cấp Tổng cục và Hải quan vùng.

Xây dựng và thực hiện cơ chế tuyển dụng nguồn nhân lực công khai, minh bạch với chế độ đãi ngộ hợp lý đảm bảo thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Hải quan; xây dựng và triển khai thực hiện mô hình quản lý nguồn nhân lực theo năng lực dựa trên vị trí việc làm; xây dựng hệ thống quản lý nguồn nhân lực điện tử đảm bảo yêu cầu tự động hóa tối đa các thủ tục quản lý nguồn nhân lực.

Xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, phương pháp quản lý đào tạo đạt chuẩn của cơ sở đào tạo cấp khu vực và đội ngũ giảng viên chuyên sâu về kiến thức hải quan, kỹ năng sư phạm, một số giảng viên cơ hữu và giảng viên kiêm chức được Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) công nhận là giảng viên của WCO có thể tham gia giảng dạy quốc tế.

Nghiên cứu áp dụng triển khai các phương pháp đào tạo hiện đại, công nghệ tiên tiến trong đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức Hải quan. Xây dựng mô hình luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng giữa các cấp, giữa các bộ phận trong cùng một đơn vị, trong từng lĩnh vực nghiệp vụ, giữa các lĩnh vực nghiệp vụ; tăng cường liêm chính hải quan.

Tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối trung gian

Triển khai Kế hoạch Cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan đến năm 2025, mới đây, Tổng cục Hải quan ban hành Quyết định số 2158/QĐ-TCHQ ngày 3/10/2022 về việc phân công nhiệm vụ đến các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Theo Quyết định này, Tổng cục Hải quan giao Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì phối hợp với các đơn vị trong Ngành hoàn thiện cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ của Tổng cục Hải quan thông qua việc báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 65/2015/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính. Theo đó, trên cơ sở rà soát tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ, biên chế báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 65/2015/QĐ-TTg.

Tiếp đến là triển khai Quyết định thay thế Quyết định số 65/2015/QĐ-TTg, thực hiện rà soát, sắp xếp cơ cấu tổ chức của các vụ, cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trung gian, không chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đáp ứng yêu cầu quản lý theo mô hình nghiệp vụ hải quan thông minh.

Đề xuất mỗi cục hải quan tỉnh, thành phố thành lập một chi cục thông quan

Rà soát tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, biên chế của các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan; nghiên cứu mô hình nghiệp vụ hải quan số, hải quan thông minh, định hướng phát triển của ngành Hải quan, định hướng của Đảng, Nhà nước về tổ chức bộ máy. Trên cơ sở đó, đề xuất mỗi cục hải quan tỉnh, thành phố thành lập một chi cục thông quan tập trung thực hiện tiếp nhận tờ khai hải quan tập trung qua hệ thống; các chi cục hải quan trực thuộc cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện giám sát hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa, cùng với đó rà soát, sắp xếp lại các phòng, chi cục hải quan, Chi cục Kiểm tra sau thông quan, Đội Kiểm soát Hải quan, Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy theo định hướng tinh gọn, đáp ứng yêu cầu mô hình hải quan số, hải quan thông minh.

Mặt khác, nghiên cứu đổi mới tổ chức và hoạt động của các đơn vị chuyên sâu về phân tích, xác định trọng điểm theo từng loại hình cửa khẩu (đường bộ, đường biển, đường hàng không, đường sông, đường sắt); đơn vị phân loại hàng hóa, đơn vị quản lý giá, xuất xứ hàng hóa; đơn vị kiểm tra hồ sơ hải quan. Kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác kiểm định hải quan để triển khai Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Hoàn thiện, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trong ngành Hải quan. Theo đó, bổ sung lực lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên nòng cốt tại Trường Hải quan Việt Nam đảm bảo mỗi giảng viên có đầy đủ kinh nghiệm thực tiễn và kiến thức chuyên sâu ít nhất một lĩnh vực nghiệp vụ chuyên ngành hải quan. Đồng thời, bổ sung, tăng cường chất lượng đội ngũ giảng viên kiêm chức đảm bảo có đủ kiến thức sư phạm và kỹ năng mềm trong giảng dạy...

QH