Theo Quyết định, phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Lai Châu, quy mô 9.068,73 km2 gồm 8 đơn vị hành chính: Thành phố Lai Châu, các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ, Nậm Nhùn và Mường Tè.
Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Lai Châu nắm bắt và khai thác hiệu quả các cơ hội, nguồn lực bên trong và bên ngoài để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, xây dựng Lai Châu phát triển xanh, nhanh, bền vững và toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực, gia tăng đóng góp của ngành dịch vụ, tập trung phát triển kinh tế biên mậu và du lịch gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc; phát triển công nghiệp năng lượng, khai khoáng, chế biến, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng địa phương; nông nghiệp phát triển theo hướng đa giá trị, sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững. Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhất là hạ tầng liên kết vùng. Khoa học, công nghệ được ứng dụng hiệu quả, kinh tế số phát triển, chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội được phát triển toàn diện, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên, mở rộng hợp tác, hội nhập sâu rộng. Đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Đến năm 2030, phấn đấu đưa Lai Châu trở thành tỉnh phát triển trung bình của vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Về kinh tế, Lai Châu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 9% - 11% trong đó: Ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng khoảng 5,0%/năm; ngành công nghiệp, xây dựng tăng khoảng 13,6%/năm; ngành dịch vụ tăng khoảng 7,9%/năm.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 10,1%; ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 48,5%; ngành dịch vụ chiếm 33,4%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,0%.
Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 116,6 triệu đồng/người/năm (tương đương 4.266 USD theo giá hiện hành).
Tỷ lệ đô thị hóa đạt 40%. Tỷ lệ thôn, bản, khu dân cư có nhà văn hoá đạt 88%; tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa đạt trên 86%; tỷ lệ khu dân cư văn hóa đạt 78%; tỷ lệ cơ quan, đơn vị doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đạt 98%...
Tầm nhìn đến năm 2050, Lai Châu là tỉnh phát triển xanh, bền vững, văn minh, giàu bản sắc văn hoá, phát triển toàn diện; kết cấu hạ tầng nông thôn được hiện đại hóa, đạt đầy đủ các tiêu chí của nông thôn mới. Bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Phấn đấu đưa Lai Châu trở thành tỉnh có kinh tế, xã hội trên mức trung bình của cả nước.
+ Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong tham mưu, ban hành các cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử.
+ Tạo bước đột phá về phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, hạ tầng thương mại cửa khẩu, hạ tầng khu - cụm công nghiệp.
+ Phát triển hạ tầng thông tin và tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trên các lĩnh vực.
+ Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thông qua thu hút nhân tài và cải thiện chất lượng đào tạo nhân lực tại chỗ, khơi dậy khát vọng phát triển, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp.
+ Tận dụng vị trí địa lý, phát triển thương mại, dịch vụ, kinh tế cửa khẩu; đẩy mạnh thương mại điện tử.
+ Phát triển du lịch theo hướng (i) bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn, khai thác tối đa nguồn lực và lợi thế hiện có để phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa; đồng thời, (ii) tập trung thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch đa dạng và hiện đại có đủ điều kiện để phục vụ du lịch quy mô lớn, trong đó tập trung phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao và vui chơi có thưởng, du lịch mạo hiểm - khám phá, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng.
+ Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế, nhất là thủy điện và công nghiệp chế biến sản phẩm nông lâm thủy sản và khai thác, chế biến khoáng sản.
+ Đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là sản phẩm có ưu thế, sản phẩm chủ lực của tỉnh.
+ Huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển 02 vùng kinh tế trên địa bàn tỉnh.
+ Củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ biên giới vững chắc; mở rộng quan hệ đối ngoại, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển.
Theo phương hướng phát triển, ngành dịch vụ phát triển đa dạng, hiện đại, bền vững trên cơ sở khai thác tối đa thế mạnh của tỉnh và theo kinh tế thị trường; chú trọng xây dựng, phát triển bền vững dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại nội địa; tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế biên mậu, phát huy vai trò là cửa ngõ thông thương giữa các nước ASEAN và Trung Quốc thông qua cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng; mở thêm một cửa khẩu song phương tại huyện Mường Tè. Tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ từ 13% - 14%/năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng bình quân 13%/năm, giá trị đến năm 2030 đạt khoảng 230 triệu USD. Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng trở thành một động lực phát triển kinh tế của tỉnh Lai Châu.
Phát triển du lịch Lai Châu trở thành lĩnh vực quan trọng trong cơ cấu ngành dịch vụ của tỉnh, phát triển mạnh du lịch treking leo núi, thể thao mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc; ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch mới như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chăm sóc sức khỏe và vui chơi giải trí, vui chơi có thưởng...; định hướng hình thành 05 khu/điểm du lịch cấp quốc gia và 27 khu du lịch cấp tỉnh.
Lai Châu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất tích hợp đa giá trị, nông nghiệp hàng hóa tập trung, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị, nông nghiệp tuần hoàn, sản phẩm sạch, hữu cơ phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh; tập trung phát triển một số sản phẩm chủ lực: Mắc ca, chè, sâm Lai Châu, các sản phẩm OCOP đặc hữu… Các hoạt động nông nghiệp của tỉnh Lai Châu hướng tới phát thải các bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế rừng bền vững dựa trên nguyên tắc phát triển toàn diện và đồng bộ các hoạt động quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, trồng rừng, khai thác, chế biến, thương mại lâm sản, dịch vụ môi trường rừng gắn với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng,… gắn với tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng có rừng và hưởng lợi từ rừng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo an ninh quốc phòng và an ninh nguồn nước. Mức tăng trưởng GRDP của ngành đạt khoảng 5%/năm; đến năm 2030 có 3.500 ha lúa tập trung, gần 13.000 ha cây cao su; 35.000 ha cây mắc ca (trồng mới 31.000 ha); 10.000 ha chè (trồng mới 2.400 ha); 10.000 ha quế; 3.620 ha cây dược liệu; 500 ha hoa; trên 6.000 đàn ong;...
Vũ Phương Nhi