Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác dâng hoa tại Tượng đài "Bác Hồ với đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu" - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trước cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã dâng hoa tại Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu.
Cùng dự cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu Giàng Páo Mỷ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.
Trước đó, trong ngày 18/11, Thủ tướng và đoàn công tác đã dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ; thăm, tặng quà thầy, cô, học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pa Tần, huyện Sìn Hồ nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tặng quà và xe đạp cho trẻ em nghèo vượt khó trên địa bàn tỉnh; thăm, động viên và tặng quà cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Huổi Luông, huyện Phong Thổ và dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ tại xã Ma Li Pho, huyện Phong Thổ; khảo sát, nghe báo cáo và cho ý kiến về phát triển Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng.
Theo báo cáo của Tỉnh uỷ Lai Châu, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Tăng trưởng được thúc đẩy. GRDP bình quân giai đoạn 2021-2023 tăng 3,91%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 47,2 triệu đồng, tăng 3,4 triệu đồng so với năm 2020.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 38,03%; dịch vụ chiếm 40,14%; nông nghiệp chiếm 15,16%).
Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chú trọng phát triển giống lúa chất lượng cao, cây trồng có lợi thế và giá trị gia tăng cao. Toàn tỉnh có 171 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực.
Dịch vụ, du lịch phát triển khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng tăng 12,9%, trung bình giai đoạn 2021-2023 tăng khá cao (tăng bình quân 10,8%/năm). Du lịch được quan tâm phát triển, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ; khách du lịch tăng bình quân 33,2%/năm (vượt mục tiêu của nhiệm kỳ là tăng bình quân 20%/năm).
Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư. Hiện có 99% xã có đường xe máy hoặc ô tô đi lại thuận lợi; 99,7% trường học và 94,2% trạm y tế được xây dựng kiên cố. Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai tích cực .
Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được đẩy mạnh. Năm 2022, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 27 cả nước, tăng 28 bậc so với năm 2020; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 24, tăng 14 bậc; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp thứ 35, tăng 01 bậc.
Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo có nhiều tiến bộ, đời sống của Nhân dân được nâng lên. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19. Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2021-2023 giảm bình quân 3,4%/năm, riêng huyện nghèo giảm bình quân 4,7%, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra (lần lượt là 3% và 4%).
Quốc phòng-an ninh được củng cố; trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội tiếp tục được đổi mới, ngày càng thiết thực, hiệu quả. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về cuộc làm việc.
Hà Văn