Theo NHNN, việc xây dựng Nghị định nhằm hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền (PCRT) năm 2022, góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCRT; xây dựng hệ thống pháp luật về PCRT phù hợp với các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế về PCRT mà Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện trên cơ sở bảo đảm sự độc lập, tự chủ về kinh tế cũng như bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền nói riêng và công tác phòng, chống tội phạm nói chung.
Dự thảo Nghị định được bố cục gồm 3 chương, 13 Điều. Theo đó, Nghị định sẽ tập trung quy định chi tiết nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp, đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền; nhận biết khách hàng; chủ sở hữu hưởng lợi; giao dịch với giá trị lớn bất thường hoặc phức tạp; trách nhiệm cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo; thu thập, xử lý và phân tích thông tin phòng, chống rửa tiền; trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin phòng, chống rửa tiền với cơ quan có thẩm quyền trong nước, trì hoãn giao dịch.
Dự thảo nêu rõ các nguyên tắc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền. Theo đó, đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền phải xác định được mức độ rủi ro về rửa tiền của quốc gia.
Kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền được sử dụng để xây dựng, cập nhật chính sách, chiến lược và kế hoạch thực hiện sau đánh giá về phòng, chống rửa tiền tương ứng trong từng thời kỳ.
Đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền được thực hiện trên cơ sở quy định pháp luật phù hợp với chuẩn mực quốc tế và điều kiện thực tiễn của quốc gia.
Về trách nhiệm cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo, dự thảo Nghị định quy định, đối tượng báo cáo phải cung cấp kịp thời thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật PCRT cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau: Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ PCRT thuộc NHNN đối với các giao dịch được báo cáo theo quy định của Luật PCRT.
Cơ quan Công an hoặc Viện kiểm sát nhân dân cấp quận, huyện trở lên nếu giao dịch liên quan tới tội phạm được báo cáo theo Khoản 3 Điều 37 Luật PCRT.
Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát nhân dân các cấp nếu giao dịch liên quan tới vụ việc và khách hàng đã có quyết định khởi tố vụ án và quyết định khởi tố bị can. Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng các cơ quan này là người ký yêu cầu cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo và thông tin liên quan.
Cơ quan an ninh điều tra nếu giao dịch liên quan tới các đối tượng bị nghi ngờ phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng cơ quan này là người ký yêu cầu cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo và thông tin liên quan.
Cơ quan thuế, cơ quan có chức năng điều tra ban đầu nếu giao dịch liên quan tới cá nhân, tổ chức bị nghi ngờ vi phạm pháp luật về thuế, pháp luật về hải quan hoặc pháp luật khác liên quan. Yêu cầu cung cấp thông tin phải được Thủ trưởng, Phó Thủ Trưởng cơ quan Thuế, cơ quan có chức năng điều tra ban đầu ký yêu cầu cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo và thông tin liên quan.
Cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành khi thực hiện nhiệm vụ theo các quyết định thanh tra, kiểm tra do cấp có thẩm quyền ban hành ký yêu cầu cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo và thông tin liên quan.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Minh Hiển