Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Dự án Luật dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4 theo quy trình thông qua tại 1 kỳ họp.
Việc sửa đổi Luật nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế, khắc phục những bất cập của luật hiện hành, đảm bảo an ninh tài chính trước những diễn biến phức tạp của thế giới và sự phát triển của khoa học công nghệ, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, khắc phục những thiếu hụt về cơ chế phòng, chống rửa tiền.
Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) gồm 4 chương với 63 điều quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền.Việc phòng, chống rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt được thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật hình sự và pháp luật về phòng, chống khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Báo cáo tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết việc xây dựng Dự án Luật nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Bên cạnh việc kế thừa, Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) phải khắc phục các vướng mắc, bất cập của các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền hiện hành; đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động phòng, chống rửa tiền hiện nay.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) được xây dựng theo đúng quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hồ sơ dự án Luật được đăng tải lên Cổng TTĐT Chính phủ và NHNN để lấy ý kiến rộng rãi; được gửi tới các bộ, ngành, cơ quan, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức, hiệp hội, đối tượng chịu sự tác động để tham gia ý kiến bằng văn bản; tổ chức hội thảo để lấy ý kiến.
Cơ quan chủ trì soạn thảo đã thực hiện nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến góp ý, thẩm định. Dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất với các Luật và Điều ước quốc tế có liên quan.
Báo cáo một số ý kiến về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) Vũ Hồng Thanh tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền với các lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Trong đó, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, làm rõ 23 khuyến nghị, trong đó có 4 khuyến nghị cốt lõi liên quan đến Luật Phòng, chống rửa tiền. Đối với các khuyến nghị chưa thể khắc phục do không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống rửa tiền sẽ được kiến nghị sửa đổi, bổ sung tại các văn bản quy phạm pháp luật khác như Bộ luật Hình sự, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản quy định về xử phạt vi phạm hành chính…
Tuy nhiên, UBKT đề nghị cơ quan soạn thảo thuyết minh, phân tích kỹ hơn về tính cấp bách, các điều kiện cần và đủ để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua dự án Luật theo quy trình tại một kỳ họp.
Cơ quan soạn thảo cần nhấn mạnh sự cần thiết và quan điểm sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền phải bảo đảm sự độc lập, tự chủ về kinh tế cũng như bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia; bám sát tình hình thực tiễn của đất nước, phù hợp với các hiệp định đã ký kết, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; góp phần tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong thời gian tới.
Thường trực UBKT cho biết hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, cơ bản đầy đủ, đáp ứng quy định tại Khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bố cục của dự thảo Luật sau khi tiếp thu ý kiến của UBTVQH và Báo cáo thẩm tra sơ bộ của UBKT đã hợp lý hơn, hiện gồm 4 chương và 63 điều (giữ nguyên số chương, tăng 10 điều, bỏ 1 điều).
Tuy nhiên, UBKT đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo Luật; luật hóa tối đa những nội dung đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn, nhất là các quy định trong các nghị định, bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật; quy định rõ các nguyên tắc tại các điều, khoản giao Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định chi tiết, bảo đảm tính thống nhất và tính khả thi của Luật.
Về sự phù hợp của dự thảo Luật với Hiến pháp, các luật có liên quan và tính tương thích với các cam kết, điều ước quốc tế, UBKT cho rằng, các nội dung của dự thảo Luật phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và cơ bản tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã gia nhập hoặc phê chuẩn.
Tuy nhiên, UBKT đề nghị tiếp tục rà soát thêm nội dung có liên quan trong một số Hiệp định thương mại thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên, cập nhật đồng bộ với dự án Luật Giao dịch điện tử dự kiến được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thông qua tại kỳ họp thứ 5./.
Nguyễn Hoàng