Trao đổi với báo chí, GS.TS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, các kịch bản phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh người dân đi lại nhiều trên thế giới, sẽ không phải là của một địa phương, một quốc gia mà là kịch bản trên toàn thế giới.
WHO đã đưa ra kịch bản phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới với dự đoán dịch bệnh sẽ giảm dần, chiến dịch tiêm vaccine sẽ giảm thấp nhất trường hợp chuyển nặng và tử vong. Từ đó, bệnh COVID-19 sẽ trở thành một bệnh lưu hành.
Tuy nhiên, để các hoạt động trong xã hội trở lại bình thường, mỗi cá nhân cần phải biết được nguy cơ của chính mình và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Đối với dịch COVID-19, GS.TS. Phan Trọng Lân lưu ý rằng: "Khi người dân tham gia giao lưu xã hội nhiều, sẽ xuất hiện liên tục diễn biến mới của dịch bệnh. Thậm chí, có thể sẽ có những thay đổi lớn, lây lan mạnh hơn, vì vậy, chúng ta phải chủ động triển khai những biện pháp cấp bách như chúng ta đã từng làm".
Cũng theo lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, mặc dù chúng ta đã có những "vũ khí" chống dịch COVID-19 như vaccine, thuốc điều trị, kinh nghiệm, bài học trong phòng, chống dịch, nhưng chúng ta không chủ quan, lơ là, mà phải thường xuyên cập nhật tình hình dịch, bao gồm cả thuốc điều trị, các công nghệ vaccine…
Ông Phan Trọng Lân nhấn mạnh tới 2 kịch bản sẽ được xây dựng song song về phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới. Kịch bản thứ nhất, trường hợp COVID-19 trở thành bệnh lưu hành trong xã hội. Kịch bản thứ hai sẽ là các biện pháp dự phòng chủ động, để khi xảy ra các tình huống dịch bệnh thì sẵn sàng kích hoạt sang kịch bản ứng phó với các biến chủng mới, nghiêm trọng.
Bên cạnh các kịch bản về phòng, chống dịch trong tình hình mới, GS.TS. Phan Trọng Lân cũng khẳng định, vaccine vẫn là vũ khí chiến lược.
Đặc biệt, dù dịch đã được kiểm soát, nhưng vẫn có 2 vấn đề thách thức trong thời gian tới. Đó là có thể xuất hiện biến thể mới nguy hiểm, kháng lại vaccine, trường hợp này xác suất xảy ra thấp. Thứ hai, đối với những người đã mắc hoặc đã tiêm chủng, hệ miễn dịch sẽ giảm dần theo thời gian nên có thể tăng khả năng tái nhiễm.
Tại phiên họp thứ 14 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tổ chức ngày 9/4, các báo cáo, ý kiến cũng nhận định dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên cả nước. Số ca mắc mới sau một thời gian tăng cao khi tiến hành các biện pháp mở cửa, đến cuối tháng 3 đã bắt đầu giảm mạnh, trong khi tỉ lệ và số ca chuyển nặng, nhập viện và tử vong tiếp tục giảm sâu.
Theo các đại biểu, các nguyên nhân chủ yếu là do tỉ lệ tiêm vaccine tại Việt Nam cao; lựa chọn đối tượng ưu tiên tiêm vaccine của Việt Nam phù hợp, hiệu quả; năng lực y tế của Việt Nam dần được nâng lên và đáp ứng yêu cầu tốt hơn; việc chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh phù hợp, kịp thời, đúng thời điểm, đi trước nhiều nước trong khu vực.
Tuy nhiên, tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ những hạn chế, bất cập trong công tác phòng, chống dịch phải cương quyết khắc phục trong thời gian tới. Đó là tốc độ tiêm mũi 3 cho người lớn còn chậm; việc cung ứng, triển khai tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi chưa đạt mục tiêu đề ra tại phiên họp 13 của Ban Chỉ đạo; còn lúng túng, bị động trong việc điều trị tại nhà, một số hướng dẫn chưa kịp thời, thiếu thống nhất; việc chi trả, thanh toán tài chính với công tác phòng, chống dịch còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ kịp thời. Tình hình thay đổi, nhưng việc chuyển đổi, các hướng dẫn, biện pháp chưa theo kịp.
Nguyên nhân được chỉ ra là có nơi, có lúc, có người còn chủ quan, lơ là với phòng, chống dịch. Một số ban chỉ đạo, cơ quan, đơn vị, địa phương còn thiếu quyết liệt, chưa kịp thời chuyển trạng thái thích ứng linh hoạt khi tình hình có thay đổi. Công tác hậu cần, phục vụ tiêm chủng còn có bất cập, phối hợp chưa chặt chẽ, hiệu quả.
Chính vì vậy, Thủ tướng yêu cầu theo dõi sát tình hình, diễn biến dịch bệnh trong nước và trên thế giới, bám sát khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học. Kịp thời phát hiện, cảnh báo, ứng phó với các diễn biến chưa dự báo được, như virus có thể thích ứng với vaccine, hoặc có thể xuất hiện các biến chủng mới, dịch bệnh có thể phức tạp, khó lường hơn. Đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm vaccine, nhất là với các đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, có bệnh nền, trẻ em… Tiếp tục tăng cường y tế dự phòng, y tế cơ sở; chủ động về thuốc; đề cao ý thức người dân.
Hiền Minh