Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo quy định của Bộ Y tế, 2 vaccine phòng COVID-19 được chỉ định tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là vaccine Moderna và Pfizer, trong đó vaccine Moderna được chỉ định tiêm cho trẻ từ 6 đến dưới 12 tuổi.
Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Dương Thị Hồng cho biết, đến nay, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để cán bộ tiêm chủng tại các tuyến triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em. Mỗi trẻ sẽ tiêm 2 liều, khoảng cách 2 liều là 4 tuần.
Cùng với nguồn cung ứng vaccine, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã có hướng dẫn cụ thể cho từng lô vaccine sẽ triển khai cho đối tượng nào, nhằm bảo đảm tính đồng đều, tránh tiêm nhầm loại vaccine, cũng như việc giám sát an toàn tiêm chủng trên quy mô cả nước.
Còn theo TS.BS. Lê Kiến Ngãi, Trưởng Khoa Dự phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Nhi Trung ương), hệ thống văn bản hướng dẫn về an toàn tiêm chủng hiện nay rất đầy đủ và cập nhật. Riêng vấn đề an toàn tiêm chủng cho trẻ, năm 2019, Bộ Y tế và Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã ban hành Văn bản 2470/QĐ-BYT hướng dẫn sàng lọc trước tiêm cho trẻ. Trong văn bản này có hướng dẫn cụ thể các trường hợp bất thường cần lưu ý để giải quyết cho trẻ tiêm chủng, không tiêm chủng, hoãn tiêm chủng, hoặc chuyển khám sàng lọc tại bệnh viện.
"Các văn bản này là hệ thống hướng dẫn sao cho có nhiều trẻ em được tiếp cận với vaccine nhất, nhưng phải luôn đảm bảo an toàn", ông Lê Kiến Ngãi nhấn mạnh.
Riêng với vaccine COVID-19, từ khi triển khai tiêm cho người dân, Bộ Y tế cũng đã có nhiều văn bản cập nhật kịp thời. Gần đây nhất là Văn bản 4355/QĐ-BYT năm 2021 hướng dẫn và cập nhật toàn bộ công việc cần phải sàng lọc để tiêm cho người dân. Đối với trẻ em, ngày 29/10/2021, Bộ Y tế tiếp tục có Văn bản 5022/QĐ-BYT hướng dẫn chi tiết và đầy đủ về vấn đề tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ.
Như vậy, hệ thống văn bản hướng dẫn đầy đủ sẽ tạo thuận lợi cho đội ngũ thực hiện tiêm chủng từ cơ sở đến Trung ương yên tâm tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ an toàn nhất.
Để thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng đã làm việc rất thận trọng, từng bước, khoa học và khách quan trên cơ sở tham khảo chương trình tiêm chủng của các nước, đặc biệt là khuyến cáo của WHO và CDC Hoa Kỳ để bảo đảm tiêm chủng an toàn.
Bộ cũng đã hướng dẫn, tập huấn cho các địa phương về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
GS.TS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhấn mạnh, một trong những vấn đề quan trọng của vaccine là tính an toàn. Việc kiểm nghiệm vaccine tại các nước phát triển rất nghiêm ngặt, từ chất lượng đến an toàn và hiệu quả. Các vaccine được nghiên cứu từ trong phòng thí nghiệm, đến nghiên cứu trên động vật, sau đó trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người, mới bắt đầu đưa vào sử dụng. Trong quá trình sử dụng, nhà sản xuất và các tổ chức quốc tế tiếp tục theo dõi chất lượng vaccine.
Đối với vaccine Pfizer và Moderna, hiện nay nhiều quốc gia phát triển đã và đang sử dụng tiêm cho nhiều đối tượng, trong đó có trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Bất kỳ phản ứng bất thường nào của vaccine xảy ra sau tiêm đều được nhà sản xuất, các tổ chức quốc tế thông báo và khuyến cáo.
Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cũng cho biết, trong quá trình vận chuyển về Việt Nam, vaccine luôn được bảo quản ở nhiệt độ theo hướng dẫn của nhà sản xuất bằng các thiết bị chuyên dụng. Sau đó, vaccine được chuyển về Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế để đánh giá chất lượng, cấp giấy phép xuất xưởng. Khi đó, vaccine mới được đưa đến các điểm tiêm chủng theo hệ thống của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Hiện nay có 53 quốc gia đã và đang triển khai, hoặc có kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12. Riêng khu vực Tây Thái Bình Dương đã có 20 quốc gia tiêm vaccine mRNA cho trẻ trong độ tuổi này.
Về mức độ an toàn của vaccine, các hướng dẫn chung đều cho biết, vaccine nào cũng có một tỉ lệ phản ứng nhất định. Riêng vaccine phòng COVID-19 chứa mRNA cho trẻ em, nhiều người lo ngại nhất là phản ứng viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim. Tuy nhiên, qua khảo sát tại các nước đã sử dụng, các chuyên gia nhận thấy ít gặp phản ứng này ở trẻ nhóm tuổi từ 5 đến dưới 12, so với lứa tuổi lớn hơn.
Về tổ chức tiêm chủng, theo đại diện Bộ Y tế, sẽ triển khai trước từ lứa tuổi lớn nhất trong nhóm này, đó là học sinh lớp 6, sau đó sẽ hạ dần độ tuổi. Các đợt tiêm sẽ được thực hiện tại trường học như tiêm chủng cho nhóm trẻ từ 12 đến 17 tuổi trước đây, theo hình thức tiêm cuốn chiếu toàn bộ học sinh của từng lớp, từng trường, rồi mới chuyển sang trường khác; tiêm tại các địa bàn dễ tiếp cận trước để nhanh chóng phủ vaccine cho trẻ đến trường an toàn.
Liên quan đến vấn đề bảo đảm tránh tiêm nhầm lẫn 2 mũi 2 loại vaccine cho trẻ, bà Dương Thị Hồng khẳng định, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia có hướng dẫn cụ thể trong mỗi lần cấp vaccine, lô vaccine nào sẽ tiêm cho nhóm tuổi trẻ em.
Trong các buổi tiêm ở trường học, nếu có nhiều nhóm tuổi cùng một lúc sử dụng 2 loại vaccine Moderna và Pfizer, thì việc tiêm sẽ triển khai theo khối lớp. Ví dụ, nếu tiêm vaccine Pfizer cho nhóm học sinh lớp 5 và lớp 4, thì vaccine Moderna sẽ tiêm cho học sinh lớp 3, 2 và 1.
Cùng với đó, sẽ tiêm cuốn chiếu theo lớp nhằm hạn chế việc tiêm không chính xác loại vaccine đối với mũi tiêm thứ 2.
Cũng theo bà Dương Thị Hồng, trong thời gian này, việc ghi chép, cũng như thống kê số trẻ đã tiêm mũi 1 vaccine gì sẽ được triển khai đầy đủ. Sau đó trung tâm y tế huyện, thành phố sẽ cấp cho các xã, phường số lượng vaccine tiêm mũi 2 trùng với số lượng vaccine tiêm mũi 1.
Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng lưu ý, khi đưa trẻ đi tiêm, cha mẹ nên thông báo với cán bộ y tế là con mình đã tiêm mũi 1 loại vaccine nào, để giám sát việc tiêm chủng của cán bộ y tế.
Đối với việc theo dõi tiêm đủ 2 liều vaccine và đánh giá mức độ tồn lưu miễn dịch ở trẻ em, lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chia sẻ, tất cả các đơn vị sản xuất và các quốc gia vẫn đang tiếp tục nghiên cứu. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng liên tục cập nhật những thông tin mới nhất từ WHO và nhà sản xuất về hiệu quả bảo vệ của vaccine trong thời gian bao lâu và bao lâu cần tiêm nhắc lại. Tuy nhiên, về nguyên lý tiêm vaccine, theo thời gian, độ miễn dịch sẽ giảm dần.
Ngay sau khi Quảng Ninh - địa phương đầu tiên trên cả nước tiêm vaccine COVID-19 cho học sinh lớp 6, đến ngày 19/4 đã có thêm nhiều địa phương triển khai tiêm cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, gồm Hà Nội, Cao Bằng, TPHCM, Bạc Liêu, Hải Dương, Bình Dương, Hà Nam, Yên Bái, Tuyên Quang… Các địa phương khác cũng đã sẵn sàng triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ ở nhóm tuổi này.
Đến nay, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phân bổ hơn 2,3 triệu liều vaccine Moderna cho các địa phương. Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến ngày 19/4, số liều vaccine đã triển khai tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là 38.944 liều (mũi 1).
Hiện có khoảng 8,2 triệu trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi thuộc đối tượng tiêm vaccine phòng COVID-19. Ngành y tế phấn đấu trong quý II này tiêm xong 2 mũi vaccine cho các cháu. Riêng 3,6 triệu trẻ đã mắc COVID-19 sẽ tiêm sau khi mắc 3 tháng (khoảng tháng 7 và 8/2022).
Hiền Minh