Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, các đơn vị chức năng đã thực hiện đếm xe, đánh giá dòng phương tiện trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn theo chỉ đạo của Cục Quản lý Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT). Đây là một trong những giải pháp cấp bách để rà soát, điều chỉnh tổ chức giao thông, đảm bảo an toàn giao thông trên cao tốc giai đoạn phân kỳ đầu tư này.
Theo đó, từ ngày 15-17/3, Công ty CP Tư vấn Trường Sơn đã tổ chức đếm xe tại Km 0+020 của cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đồng thời thu thập số liệu xe tại trạm Đông Hà Km 763+800 QL1 tỉnh Quảng Trị.
Kết quả cho thấy, lượt xe quy đổi (từ các loại ô tô, xe tải khác ra ô tô con - PV), trung bình ngày đêm trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn đạt gần 10.000 PCU (xe quy đổi).
Trong đó, xe tải nặng (xe tải từ 4 trục trở lên, xe đầu kéo và xe khách lớn) chiếm tỷ lệ chủ yếu, gần 50% trong tổng số phương tiện được phép lưu thông trên cao tốc. Riêng xe tải nặng chiếm đến gần 45%.
Công ty CP Tư vấn Trường Sơn cũng đưa ra so sánh với quy chuẩn kỹ thuật về năng lực thông hành đối với đường quốc lộ 2 làn xe không có dải phân cách cứng có vận tốc 80km (đạt khoảng 9.200-11.000 PCU/ngày đêm). So sánh cho thấy lưu lượng xe trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã đạt đến nǎng lực thông hành của tuyến, chạm ngưỡng "mãn tải".
Trong khi đó, kết quả đếm xe trên QL1 tại trạm Ðông Hà Km 763+800 tỉnh Quảng Trị, mỗi ngày đêm có khoảng hơn 17.000 xe quy đổi lưu thông. Nhưng tỷ lệ xe tải nặng chỉ chiếm 37%, riêng xe tải hạng nặng từ 18 tấn trở lên chiếm 11% trên tổng số xe lưu thông trên QL1. Căn cứ theo tiêu chuẩn đường ô tô 4 làn xe có dải phân cách giữa, QL1 này còn khoảng 6.000 xe quy đổi mới mãn tải.
Ghi nhận hiện trường, các đoàn kiểm tra liên ngành đánh giá, xu hướng phương tiện đổ dồn lên cao tốc do đường không có giao cắt đồng mức, không có xe thô sơ và chưa thu phí... Việc tăng nhanh dòng phương tiện, đặc biệt các xe tải nặng khiến năng lực thông hành trên tuyến bị cản trở.
Ban QLDA Đường HCM cho hay, cao tốc có độ dốc dọc tối đa 5%, đảm bảo vận tốc đến 100km/h và đang tổ chức lưu thông quy định tối đa 80km/h, tối thiểu 60km/h. Nhưng hầu hết xe tải nặng chạy tốc độ không đạt tiêu chuẩn tối thiểu. Đây là nguyên nhân gây ra tình trạng ùn ứ, ức chế tâm lý cho các tài xế và nạn vượt ẩu của các ô tô khác.
Thống kê cơ quan chức năng, từ khi đưa vào khai thác đến nay trên tuyến cao tốc này xảy ra 42 vụ va chạm, TNGT. Trong đó có 19 vụ TNGT xảy ra vào ban đêm, khi trời tối (chiếm 45% tổng số vụ TNGT trên toàn tuyến) và có các vụ TNGT nghiêm trọng, chết người.
Nguyên nhân chính cơ bản của các vụ tai nạn là do lỗi của người điều khiển phương tiện lấn làn, vượt ẩu thiếu quan sát; không giữ khoảng cách an toàn, chưa tuân thủ theo chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ trên tuyến.
Ban QLDA Đường HCM cho biết, tiếp thu đề xuất giải pháp của các cơ quan chức năng, đoàn kiểm tra liên ngành, đơn vị có văn bản trình Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức phân luồng phương tiện qua cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Theo đó, tập trung phân loại phương tiện là nguyên nhân chủ yếu gây TNGT, ùn ứ giao thông trên cao tốc.
Cấm một phần xe tải nặng cho phân lưu đi trên QL1 để giảm bớt xe tải nặng, xe đầu kéo lưu thông trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Cụ thể cấm các xe khách trên 30 chỗ, xe đầu kéo, xe tải nặng từ 6 trục trở lên (tải trọng trên 30 tấn), xe khách trên 30 chỗ lưu thông trên tuyến cao tốc.
Về phía Cục quản lý đường bộ Việt Nam, đơn vị cho hay, hàng loạt giải pháp về điều chỉnh tim vạch đường, bổ sung đinh phản quang dọc tim đường tất cả đoạn cao tốc 2 làn xe, tiêu hộ lan mềm phân làn, biển báo... được Cục chỉ đạo các đơn vị triển khai, hoàn thiện trong thời gian qua. Đồng thời, tổ chức đếm xe, nghiên cứu phân luồng phương tiện để có các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình khai thác cao tốc phân kỳ 2 làn xe này.
"Việc cấm xe tải nặng, xe khách không phải lần đầu tiên được áp dụng với những cao tốc 2 làn xe. Cục đang rà soát để phân luồng các loại phương tiện phù hợp, đảm bảo phát huy hiệu quả công trình, năng lực thông hành trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn", lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam thông tin.
Theo hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, hồ sơ thiết kế cơ sở của dự án đã được phê duyệt, quy mô của tuyến cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 23,25m, trong đó mặt đường xe chạy (2 x 3,5m) x 2 bên= 14m; dải phân cách giữa 0,75m; dải an toàn giữa 2 x 0,75m= 1,5m; dải dừng xe khẩn cấp 2x2,5m=5m; lề đất 2x1m=2m.
Giai đọan phân kỳ thiết kế theo hướng dẫn về thiết kế và tổ chức giao thông trong giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng đường ô tô cao tốc được Bộ GTVT ban hành tại Quyết định số 5109 ngày 31/12/2014, vận tốc thiết kế 80km/h; về quy mô mặt cắt ngang phân kỳ có bề rộng nền 12m tương ứng với quy mô đường cấp III đồng bằng theo tiêu chuẩn TCVN 4054-2005.
Quy mô giai đoạn phân kỳ được đề xuất lên Quốc hội trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư cho Dự án còn hạn hẹp do bổ sung thêm dự án cầu Mỹ Thuận 2 (Tờ trình số 488 ngày 21/10/2017 Chính phủ trình Quốc hội).
Quy mô mặt cắt ngang của tuyến cao tốc giai đoạn phân kỳ phù hợp với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 52/2014/QH14 ngày 22/11/2017 (đoạn Cam Lộ - La Sơn theo tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, cấp đường ô tô cao tốc 80 - 100 và được phân kỳ đầu tư với quy mô 2 làn xe có bề rộng nền 12m, tổng mức đầu tư 7.900 tỷ đồng).
Tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn nằm trong quy hoạch tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Ðông giai đoạn 2017-2020, trong giai đoạn phân kỳ đầu tư với quy mô 2 làn xe (theo quy mô đường cấp III) có yếu tố hình học (bình đồ tuyến, trắc dọc tuyến) theo tiêu chuẩn đường cao tốc, trong đó xây dựng hoàn chỉnh hệ thống biển báo, hàng rào, hầm chui dân sinh, giao cắt, dải dừng xe khẩn cấp, các điểm vượt xe... cơ bản phù hợp với hướng dẫn về thiết kế và tổ chức giao thông trong giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng đường ô tô cao tốc đã được ban hành...
Phan Trang