Bài 1: Thu hẹp khoảng cách phát triểnChương trình MTQG 1719 được triển khai nhằm thúc đẩy phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi
Xóa "lõi nghèo" là yêu cầu cấp bách
Nước ta có 53 DTTS, với khoảng 3 triệu hộ, gần 14,2 triệu nhân khẩu, chiếm 14,7% dân số cả nước. Trước thời điểm sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 ngày 12/6/2025 của Quốc hội khóa XV; Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 07/4/2025 của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, đồng bào DTTS sinh sống tập trung thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã (trong đó có 382 xã biên giới).
Cách đây 6 năm, trong Tờ trình số 414/TTr-CP ngày 11/10/2019 trình Quốc hội khóa XIV phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, Chính phủ đã nhận định, vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống thành cộng đồng là địa bàn khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế-xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.
Thực trạng ở "lõi nghèo" được phản ánh rõ hơn trong cuộc điều tra thông tin kinh tế-xã hội của 53 DTTS lần thứ II-năm 2019 do Tổng cục Thống kê (nay là Cục thống kê) và Ủy ban Dân tộc (nay là Bộ Dân tộc và Tôn giáo) phối hợp thực hiện. Kết quả điều tra cho thấy, tại thời điểm đó, toàn vùng vẫn còn 54 xã chưa có đường ô tô nối từ huyện đến xã; đường giao thông ở 9.474 thôn chưa được cứng hoá; 3.400 thôn chưa có điện lưới…
Đáng chú ý, thu nhập của người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi chỉ bằng ½ bình quân chung cả nước; riêng thu nhập của đồng bào DTTS chỉ bằng 40-50% bình quân trong khu vực. Dù tỷ lệ dân số chỉ chiếm 14,7% tổng dân số, nhưng tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi lại chiếm đến 55,27% tổng số hộ nghèo cả nước (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020)…
Công trình cầu giao thông ở xã Trà My, TP. Đà Nẵng được đầu tư từ Chương trình MTQG 1719 - Ảnh: Huy Trường
Thực tế đó đặt ra yêu cầu cấp bách phải có quyết sách đột phá để xóa "lõi nghèo", hướng đến mục tiêu "không bỏ ai lại phía sau". Đề án Tổng thể và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 đã đáp ứng mong mỏi đó của gần 14,2 triệu đồng bào DTTS và cử tri cả nước.
Thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I: 2021-2025 theo Quyết định số 1719/QĐ/TTg (Chương trình MTQG 1719). Chương trình có 10 dự án, 14 tiểu dự án được tích hợp từ 118 chính sách dân tộc, chính sách liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi trước năm 2020 và một số chính sách mới.
Chương trình MTQG 1719 được triển khai nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, giảm nghèo bền vững và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền; cụ thể hóa 09 nhóm mục tiêu được Quốc hội khóa XIV giao tại Nghị quyết 120/2020/QH14. Nguyên tắc thực hiện Chương trình là tập trung đầu tư, hỗ trợ để giải quyết các vấn đề cấp bách, bức thiết của vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Mô hình nuôi hươu ở Trà My, TP. Đà Nẵng được hỗ trợ từ vốn Chương trình MTQG 1719 - Ảnh: Huy Trường
Sau 5 năm triển khai, Chương trình MTQG 1719 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Báo cáo của Bộ Dân tộc và Tôn giáo chuẩn bị cho Hội nghị toàn quốc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn I sẽ được tổ chức tới đây cho thấy, trong 9 nhóm mục tiêu hiện đã có 6 nhóm mục tiêu cơ bản đạt và vượt mục tiêu đề ra; còn 3 nhóm mục tiêu chưa đạt, gồm: Cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; định canh, định cư, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất.
Với 3 nhóm mục tiêu chưa đạt, theo đánh giá của Bộ Dân tộc và Tôn giáo, đây là những nhóm mục tiêu đòi hỏi mức độ tập trung và thời gian thực hiện dài hơn so với nhiều nội dung nhiệm vụ khác. Đặc biệt, do địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn; một số nhóm dân cư có tập quán sinh sống tại những nơi dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai như lũ quét, sạt lở đất… nên hoạt động đầu tư về hạ tầng, ổn định dân cư triển khai trên địa bàn có những thách thức, khó khăn điển hình.
Dấu ấn Chương trình MTQG 1719
Trước đây, ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, Chương trình 135 là một "thương hiệu" trong giảm nghèo bền vững, thì hiện nay, Chương trình MTQG 1719 đã trở thành nơi gửi gắm kỳ vọng phát triển đột phá của gần 14,2 triệu đồng bào DTTS.
Dù mới qua giai đoạn I (2021-2025) nhưng Chương trình MTQG 1719 đã trở thành động lực để giải quyết những vấn đề bức thiết của đồng bào DTTS.
Diện mạo mới ở vùng đồng bào DTTS và miền núi - Ảnh: Ngọc Chí
Một trong những dấu ấn nổi bật của Chương trình MTQG 1719 là góp phần nâng cao thu nhập của người dân vùng "lõi nghèo", nhất là đồng bào DTTS. Đây cũng là một trong những nhóm mục tiêu vượt kế hoạch đề ra của Chương trình sau khi kết thúc giai đoạn I.
Theo báo cáo của Bộ Dân tộc và Tôn giáo, tính đến tháng 3/2025, thu nhập của đồng bào DTTS đạt bình quân 43,4 triệu đồng/năm, tăng 3,1 lần so với năm 2020. Dự kiến hết năm 2025 đạt 45,9 triệu đồng tăng 3,3 lần so năm 2020 (mục tiêu của Chương trình đặt ra đến năm 2025 tăng trên 2 lần).
Sở dĩ xem đây là dấu ấn nổi bật là bởi, tại thời điểm Quốc hội khóa XIV thảo luận Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (tháng 11/2019), đại diện Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, chỉ tiêu về thu nhập đến năm 2025 tăng hai lần là cao, không khả thi.
Trong phiên giải trình trên nghị trường ngày 01/11/2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến (hiện là Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) cho biết, thu nhập thực tế bình quân của người DTTS (tại thời điểm năm 2019) là khoảng 1,1-1,2 triệu đồng/tháng, tương đương 13-14 triệu đồng/năm; nếu đặt mục tiêu tăng 2 lần thì đến 2025 sẽ đạt khoảng 26 - 28 triệu đồng/người/năm.
Nếu so với mục tiêu về thu nhập trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII (phấn đấu đến năm 2025, GDP bình quân đầu người cả nước khoảng trên 4.700 - 5.000 USD, tương đương khoảng 122,7 - 130,5 triệu đồng) thì mục tiêu thu nhập bình quân người DTTS tăng 2 lần trong Đề án Tổng thể và Chương trình MTQG 1719 là không cao. Hơn nữa, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nỗ lực của người dân, trên thực tế đã có nhiều chương trình, đề án phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn, miền núi đều đạt và vượt mục tiêu.
Mô hình hỗ trợ bò sinh sản cho đồng bào DTTS xã Đăk Rve, tỉnh Quảng Ngãi được triển khai từ vốn Chương trình MTQG 1719 - Ảnh: Ngọc Chí
Đơn cư như Chương trình "Tam nông" theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đặt mục tiêu đến năm 2020 tăng thu nhập của dân cư nông thôn gấp trên 2,5 lần so với năm 2008. Nhưng tại thời điểm tổng kết 10 năm thực hiện (năm 2018) Nghị quyết số 26-NQ/TW, thu nhập của dân nông thôn cả nước đã tăng 3,8 lần so với năm 2008.
Kết quả của Nghị quyết "Tam nông" đang được kế thừa trong Chương trình MTQG 1719. Thu nhập của người DTTS hiện đã tăng vượt mục tiêu đề ra, từ đó kéo giảm tỷ lệ nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Theo báo cáo của Bộ Dân tộc và Tôn giáo, từ năm 2021 đến tháng 3/2025, bình quân tỷ lệ nghèo ở địa bàn này giảm 3,4%/năm (dự kiến cả giai đoạn 2021-2025 giảm bình quân 3,2%/năm), đạt mục tiêu Chương trình đề ra (giảm từ 3% trở lên).
Thu nhập của người DTTS được nâng lên, tỷ lệ nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm nhanh và bền vững là thành quả tổng hòa của các dự án thành phần thuộc Chương trình MTQG 1719. Người dân không chỉ được hỗ trợ phát triển sản xuất mà còn được hưởng lợi từ các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế gia đình, từng bước giảm thiếu hụt các chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản.
Chỉ riêng hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, vốn Chương trình MTQG 1719 đã đầu tư 6.018 công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; nhựa hoá, bê tông hoá hoặc cứng hoá 8.673 km đường giao thông; 442 công trình cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thôn, bản; xây mới 97 chợ và cải tạo, nâng cấp 184 chợ;...
Hạ tầng được đầu tư đồng bộ làm tăng thêm hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho đồng bào DTTS. Từ vốn Chương trình MTQG 1719, đến nay các địa phương đã triển khai 403 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, với 13.596 hộ DTTS được hưởng lợi; triển khai 2.562 dự án phát triển sản xuất cộng đồng, thu hút được 20.453 hộ tham gia. Các địa phương cũng đã triển khai hỗ trợ khoán bảo vệ 1.478.962 ha diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, tương đương 323.769 hộ được hỗ trợ;…
Những kết quả của Chương trình MTQG 1719 giai đoạn I sẽ được tổng kết, đánh giá tại Hội nghị toàn quốc sẽ được tổ chức ngày 12/7 tới đây. Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh cả nước vừa đi vào vận hành chính quyền địa phương hai cấp và đang khẩn trương kiện toàn bộ máy cấp tỉnh sau sáp nhập cho thấy nỗ lực lớn, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong thực hiện Chương trình MTQG 1719. Tinh thần đó là "kim chỉ nam" xuyên suốt trong quá trình triển khai; nếu không quyết tâm và nỗ lực thì với một chương trình hoàn toàn mới, với nhiều nội dung chính sách như Chương trình MTQG 1719 sẽ rất khó "dọc ngang thông suốt".
Cùng với phát triển kinh tế-xã hội, Chương trình MTQG 1719 là nguồn lực quan trọng để bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch. Trong 05 năm, Chương trình đã hỗ trợ đầu tư xây dựng, bảo tồn 48 làng, bản tiêu biểu của các DTTS, 69 điểm đến du lịch tiêu biểu truyền thống của các DTTS; đầu tư xây dựng 3.220 nhà văn hóa - khu thể thao tại các thôn, bản vùng đồng bào DTTS và miền núi; bảo tồn, phát huy 124 lễ hội truyền thống tiêu biểu các DTTS; hỗ trợ hoạt động cho 695 câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian và 5.760 đội văn nghệ truyền thống tại các thôn, bản vùng đồng bào DTTS và miền núi;…
Bài 2: Nỗ lực lớn, quyết tâm cao
Sơn Hào