Tại Tọa đàm "Xử lý các dự án yếu kém: Bài học kinh nghiệm và hướng đi tiếp theo", TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, Nhiệt điện Thái Bình 2 là một dự án thành công và rất khó. Ông đề nghị đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu phân tích, rút ra bài học, vì sao trong thời gian ngắn mà Thủ tướng thúc đẩy được như vậy?
Ông Phan Đức Hiếu cho rằng, có một logic trong câu chuyện Nhiệt điện Thái Bình 2 cũng như trong xử lý một số dự án yếu kém khác chính là sự chỉ đạo rất quyết liệt, tích cực, phù hợp với thực tiễn và hiệu quả.
Phân tích sâu về việc giải "bài toán lợi ích và chi phí" trong xử lý các dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, ông Hiếu cho rằng: Chúng ta không tính toán lợi ích và chi phí một cách cơ học, nhìn một cách "không động".
Tư duy "động" ở chỗ nếu dự án thực sự không cần thiết thì chấm dứt được càng sớm thì thiệt hại của Nhà nước càng giảm. Còn trong trường hợp Nhiệt điện Thái Bình 2, "bài toán ở đây là bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia", thì đây là dự án cần thiết. Xác định như thế, thì cân đối giữa chi phí bỏ thêm ra và lợi ích quốc gia thu được trong trường hợp này lớn hơn rất nhiều.
"Chúng ta đi theo hướng đó. Nên không chọn cách dẹp nhà máy này đi và xây dựng một nhà máy mới". Chính vì thế, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã hồi sinh sau nhiều năm khóa khăn, vướng mắc.
Theo ông Hiếu, trong câu chuyện này, có một bài học để giải quyết các dự án tồn đọng. Đây là một nguyên tắc mà sau này chúng ta vận hành các dự án đầu tư của Nhà nước dưới hình thức doanh nghiệp. Đó là, "bài toán rất thị trường", bài toán kinh tế, thị trường và lợi ích.
Đồng ý với ý kiến của ông Phan Đức Hiếu, TS. Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh thêm rằng: Trong vấn đề này, phương pháp luận của Thủ tướng có vai trò rất quan trọng. Tức là phải xử lý dứt điểm. Đã nhận thấy vấn đề quan trọng thì phải làm dứt điểm và sâu sát, quyết liệt.
Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, hai yếu tố này rất quan trọng. Đã nhận thấy vấn đề thì phải xử lý dứt điểm bằng được. Chính vì thế Thủ tướng đã cử ngay một Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo và đem lại hiệu quả cụ thể.
"Phương thức có thể vận dụng để xử lý các dự án tiếp theo", TS. Nguyễn Sĩ Dũng nêu quan điểm.
Trao đổi thêm về việc xử lý các dự án yếu kém còn lại, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, trong quá trình giải quyết thì "dễ trước khó sau". Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025, thời hạn này không thể gia hạn tiếp được.
Do đó, thách thức sắp tới rất nhiều. Phải hình dung được khối lượng công việc mới có thể thấy thách thức rất lớn. Tuy nhiên, Chính phủ đã có lộ trình rất cụ thể cho nội dung này.
Theo ông Phan Đức Hiếu, cần có sự quyết liệt đối với từng dự án. Ví dụ phải chọn phướng án xử lý cho EPC nhanh chóng nếu không có lựa chọn khác. Chúng ta buộc phải đưa ra để dứt điểm.
Cùng với đó, về tư duy, ông Phan Đức Hiếu cho rằng: Phải hiểu lợi ích tốt nhất có tính thời điểm. Không thể nói 3 năm sau thì thế nào…
Đồng thời, phải thống nhất về nguyên tắc, phân định quyền, trách nhiệm của các bên liên quan. Ví như giai đoạn trước 1 người làm. Đến giai đoạn này lại người khác phải chịu trách nhiệm cả quá trình. Do đó, "phải đảm bảo về mặt pháp luật", "tạo ra cơ chế để người thực hiện nhiệm vụ yên tâm".
Đặc biệt là, "tinh thần quyết liệt cần được tồn tại mãi sau này khi giải quyết công việc", ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.
Chia sẻ quan điểm này, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng: Rõ ràng là chỉ đạo của Thủ tướng là rất quan trọng, phải giải quyết dứt điểm, sâu sát, quyết liệt các dự án yếu kém.
Với tinh thần đó của Thủ tướng, chúng ta phải đặt đồng hồ đếm ngược cho tất cả các dự án đang tồn tại để giải quyết trong thời gian sớm nhất, sớm ngày nào thiệt hại sẽ ít đi ngày đó. Chúng ta không nên tính cái tối đa mà cần tính cái tối ưu cho lợi ích của doanh nghiệp cũng như lợi ích cho đất nước./.