Cục Thủy sản ước tính đến hết tháng 12/2024, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 9,6 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2023. Trong đó, sản lượng khai thác thủy sản đạt gần 3,86 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 5,75 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt hơn 10 tỷ USD.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản thông tin thêm, trong năm vừa qua, việc đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản tại các hồ chứa đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh đó, đã có điểm sáng trong xuất khẩu cá rô phi, đặc biệt ở khu vực phía Bắc. Ngoài ra, lươn, ếch… cũng là những đối tượng tiềm năng để hướng đến trong tương lai.
"Nuôi trồng thủy sản vẫn còn nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nhưng muốn bền vững cần phải tổ chức bài bản ngay từ đầu, tránh tình trạng tự phát", ông Luân cho hay.
Ông Phạm Quang Toản, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, 2025 là năm cuối tăng tốc, bứt phá về đích thực hiện Kế hoạch phát triển ngành thủy sản 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời chuẩn bị cho Kế hoạch phát triển ngành 2026 - 2030, Cục Thủy sản sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương thực hiện các quy định của Luật Thủy sản 2017, các nhiệm vụ, giải pháp theo Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương mà Chiến lược phát triển thủy sản đề ra là giảm khai thác và tăng nuôi trồng thủy sản. Đồng thời triển khai đồng bộ, thống nhất trên cả nước đối với các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển ngành thủy sản thực hiện Chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phê duyệt.
Bên cạnh đó, phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản. Tiếp tục thực hiện mục tiêu "Chuyển đổi từ tư duy sản xuất thủy sản sang tư duy kinh tế thủy sản" và "chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp đa giá trị".
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta năm 2024 đã vượt mốc 10 tỷ USD, đây là thành công của toàn ngành. Tuy nhiên trong năm 2025, cần giám sát chặt chẽ hơn về vấn đề dư lượng kháng sinh trong các lô hàng thủy sản xuất khẩu.
Về thị trường, ông Hòa cho hay, trong năm 2025, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường sẽ tích cực phối hợp với Cục Thú y trong giám sát dịch bệnh để Ả rập Xê út sớm mở cửa trở lại cho tôm và cá nuôi của Việt Nam. Đồng thời, tích cực đàm phán và cố gắng khai thác tốt hơn tại thị trường Trung Quốc.
Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân nhấn mạnh, có hai vấn đề trọng tâm, trọng điểm mà ngành thủy sản sẽ tập trung trong năm 2025, đó là kiểm soát chặt chẽ hơn nữa chất lượng giống tôm nói riêng, giống thủy sản nói chung và việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chỉ đạo trong năm 2025, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý nhằm đảm bảo tính thực tiễn để các chính sách và quy định thực sự đi vào cuộc sống. Việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn đừng để chậm trễ, "công việc hôm nay đừng để ngày mai".
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, tăng trưởng của ngành thủy sản còn nhiều dư địa. Đối với những đối tượng đã có lợi thế như tôm, cá tra, nhuyễn thể..., cần nâng cao năng suất, giải quyết các vấn đề về kháng sinh, dịch bệnh, siết chặt chất lượng tôm giống, thức ăn, dinh dưỡng… để đảm bảo bền vững. Đẩy mạnh phát triển các đối tượng nuôi mới tiềm năng như rong biển, lươn, cá rô phi…
Liên quan đến công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý đội tàu, thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS), xử lý vi phạm hành chính, truy xuất nguồn gốc; trước trong và sau Tết phải tích cực kiểm tra tình hình tại các địa phương.
Ngành thủy sản trong năm 2024 dù đã gặp nhiều khó khăn, nhất là sau bão số 3 (bão Yagi) nhưng nhìn chung đã làm rất tốt, đã phát huy được nội lực, chỉ đạo đã có sự lan tỏa, hợp tác đã chặt chẽ. Tuy nhiên trong năm 2025 vẫn còn nhiều việc phải làm, bởi đây là năm tiền đề quan trọng để về đích Kế hoạch phát triển ngành thủy sản 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời chuẩn bị cho Kế hoạch phát triển ngành 2026 - 2030.
Đỗ Hương