In bài viết

Xúc tiến hàng nông, thủy sản Bến Tre vào thị trường các quốc gia Hồi giáo

(Chinhphu.vn) - Tổng giai đoạn 2016-2021 xuất khẩu nông, thủy sản của Bến Tre đạt 6,53 tỷ USD, trong đó thị trường các nước Hồi giáo đạt gần 154 triệu USD, tập trung vào các nhóm hàng có thế mạnh của địa phương, nhất là sản phẩm từ dừa và thủy sản.

14/10/2022 10:19
Xúc tiến hàng nông, thủy sản Bến Tre vào thị trường các quốc gia Hồi giáo - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn tham quan gian hàng trưng bày đặc sản bưởi da xanh - Ảnh: Báo Đồng khởi

Những năm qua, tỉnh Bến Tre đã góp phần tích cực vào sự tăng trưởng ngoạn mục của kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản của tỉnh tăng đều hàng năm.

Tổng giai đoạn 2016-2021 xuất khẩu nông, thủy sản của Bến Tre đạt 6,53 tỷ USD, trong đó thị trường các nước Hồi giáo đạt gần 154 triệu USD, tập trung vào các nhóm hàng có thế mạnh của địa phương, nhất là sản phẩm từ dừa và thủy sản.

Bến Tre có hơn 77.000 ha trồng dừa, chiếm 1/3 diện tích trồng dừa của cả nước, cung cấp cho thị trường các sản phẩm như nước dừa trái tươi, nước dừa đóng lon, sữa dừa, dầu dừa, than hoạt tính, mỹ phẩm, đồ uống và các sản phẩm từ xơ dừa. Các sản phẩm từ dừa tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, đã đạt các bộ tiêu chuẩn ISO 22000:2005, BRC, Kosher, Halal, HACCP và đã xuất khẩu thành công sang các thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt, như Mỹ, Australia, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Bên cạnh cây dừa, Bến Tre còn nổi tiếng với nhiều loại cây ăn trái khác có chất lượng, như sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn...  và đã xuất khẩu ổn định sang nhiều quốc gia.

Với lợi thế được bao bọc bởi 4 con sông lớn, cùng với 65 km bờ biển, Bến Tre đã tạo ra hơn 46.000 ha nuôi trồng thủy sản với sản lượng lớn, năng suất cao như tôm, cá tra, nghêu…

Nhiều sản phẩm nông, thủy sản của Bến Tre, như dừa uống nước và bưởi da xanh đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý bảo hộ độc quyền; con nghêu của Bến Tre được Hội đồng Bảo tồn biển quốc tế cấp chứng nhận MSC và là vùng nuôi nghêu đầu tiên của khu vực Đông Nam Á được cấp chứng nhận này. Đó là những điều kiện thuận lợi để các sản phẩm của tỉnh hiện diện ngày càng nhiều hơn trên thị trường thế giới.

Xúc tiến thương mại vào thị trường các quốc gia Hồi giáo

Nhằm tăng cường xúc tiến thương mại các sản phẩm nông, thủy sản đặc trưng của Bến Tre vào thị trường các quốc gia Hồi giáo, Bộ Ngoại giao và tỉnh Bến Tre đồng chủ trì tổ chức hội nghị "Xúc tiến hàng nông, thủy sản của tỉnh Bến Tre vào thị trường các quốc gia Hồi giáo", dự kiến diễn ra vào ngày 19/10 tại Hà Nội.  

Hội nghị dự kiến thu hút khoảng 200 đại biểu là các đại sứ/đại biện, tham tán/phụ trách kinh tế, thương mại các nước Hồi giáo và các nước có cộng đồng Hồi giáo lớn; các DN, hiệp hội tại các nước Hồi giáo.

Mục tiêu của hội nghị là nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về thông tin thị trường, yêu cầu đối với hàng nông, thủy sản xuất khẩu vào các quốc gia Hồi giáo. Hỗ trợ các DN Bến Tre xuất khẩu hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Tăng cường quảng bá, thông tin sản phẩm thế mạnh của tỉnh vào thị trường các quốc gia Hồi giáo. Hỗ trợ kết nối giữa các DN, hiệp hội của tỉnh với các DN, chuỗi siêu thị, nhà hàng, hiệp hội các nước Hồi giáo. Tìm hiểu cơ hội mở rộng hợp tác sang lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch trên cơ sở cùng có lợi.

Hơn 50 quốc gia Hồi giáo, với dân số chiếm khoảng 1/4 dân số thế giới, trải dài từ Trung Đông, châu Phi đến Trung Á, Nam Á và Đông Nam Á, các rào cản thương mại không quá khắt khe… sẽ là điều kiện thuận lợi để các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường đầy tiềm năng này.

Theo công bố gần đây của Diễn đàn Halal thế giới (WHS), giá trị trao đổi thương mại toàn cầu của các quốc gia Hồi giáo có quy mô xấp xỉ 2.000 tỷ USD mỗi năm. Nếu tính riêng cho nhóm hàng thực phẩm, theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), quy mô thị trường này đạt khoảng 1.400 tỷ USD năm 2020. Dự báo sẽ tăng trưởng lên 1.900 USD vào năm 2024 và có thể lên đến 15.000 tỷ USD vào năm 2050.