• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Bến Tre: Hướng đến hoàn thiện 8 chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực

(Chinhphu.vn) - Triển khai Nghị quyết Tỉnh ủy về xây dựng và hoàn thiện chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực định hướng đến năm 2025, toàn tỉnh Bến Tre đang nỗ lực hiện thực hóa hoàn thiện và phát triển 8 sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh cao trên địa bàn.

07/10/2022 14:50
Bến Tre: Hướng đến hoàn thiện 8 chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực - Ảnh 1.

Trong số 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Bến Tre, sản phẩm dừa thể hiện đầy đủ đặc điểm của 1 chuỗi sản phẩm có hiệu quả, tạo ra giá trị gia tăng khá lớn, độ liên kết khá rộng và có năng lực xuất khẩu.

Phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp bền vững

Nghị quyết về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025 nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân.

Qua đó, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh trong tiến trình tham gia chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp toàn cầu.

Mục tiêu của Nghị quyết nêu rõ phải xây dựng và hoàn thiện được chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp theo hướng phát triển ổn định, bền vững đối với 8 sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh cao của tỉnh, gồm: Dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, lợn, bò và tôm biển.

Các nhiệm vụ cụ thể được phân kỳ cụ thể theo 3 giai đoạn: Từ năm 2016 - 2018; năm 2019 - 2020 và 2021-2025.

Theo đó, mỗi giai đoạn có nhiệm vụ cụ thể, từ nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản; xây dựng và hình thành hợp tác xã kiểu mới cho mỗi sản phẩm (2016-2018); nâng cấp chuỗi giá trị và tổ chức nhân rộng (2019-2020); tiếp tục phát triển chuỗi đã hình thành theo hướng bền vững, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đẩy mạnh thị trường xuất khẩu và nhân rộng đối với một số sản phẩm nông nghiệp khác (2021-2025).

Kết quả bước đầu

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, đến nay, Bến Tre đã có 3 chuỗi giá trị nông sản chủ lực hình thành khá rõ nét là dừa, bưởi da xanh và chôm chôm.

 Trong 3 chuỗi sản phẩm nói trên, chuỗi dừa thể hiện đầy đủ đặc điểm của 1 chuỗi sản phẩm, có hiệu quả và tạo ra giá trị gia tăng khá lớn cho ngành dừa của tỉnh (diện tích lớn nhất, mức độ liên kết chế biến sâu cao và năng lực xuất khẩu).

Khoảng 30% sản phẩm dừa trái của tỉnh được thu mua, được chế biến sâu và thâm nhập tốt vào các thị trường lớn của khu vực và thế giới.

Hiện toàn tỉnh có 52 tổ hợp tác, 18 HTX tham gia liên kết, tổ chức sản xuất, tiêu thụ dừa với quy mô 3.152 ha, trong đó,  vùng dừa hữu cơ đạt 3.077ha. Một số DN (Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới) trở thành DN đầu tàu trong việc liên kết với nhiều HTX, tổ hợp tác để dẫn dắt chuỗi, chế biến sâu và xuất khẩu…

Hai chuỗi bưởi da xanh và chôm chôm đã hình thành chuỗi khá rõ và đang trong quá trình tích tụ diện tích, sản lượng và độ liên kết.

Với chuỗi bưởi da xanh, diện tích tham gia chuỗi toàn tỉnh đã có 347/9.442 ha. Sản lượng tham gia chuỗi 1.200/89.950 tấn với 32 tổ hợp tác, HTX tham gia. Trong đó, diện tích bưởi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 113,2/9.442ha.

Diện tích chôm chôm tham gia chuỗi 57,9/3.787ha. Sản lượng 57,9/73.100 tấn. Diện tích tham gia thực hành VietGAP đạt 113,2/3.787ha, chiếm 2,9%. Sản phẩm chôm chôm đã được ngân sách Nhà nước hỗ trợ xây dựng 17 mã code vùng trồng để xuất khẩu sang Trung Quốc và châu Âu.

Theo đánh giá của Đoàn giám sát Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Bến Tre về thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy, nhiều mô hình liên kết, tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn hơn, sản xuất theo hướng sạch có liên kết tiêu thụ sản phẩm ra thị trường đã được hình thành.

Ba chuỗi sản phẩm dừa, chôm chôm và bưởi da xanh hình thành khá rõ nét. Đặc biệt, với chuỗi sản phẩm dừa, dừa Bến Tre trở thành thương hiệu dừa Việt Nam (Vietcoco) được các thị trường lớn như: Trung Quốc, châu Âu, Mỹ rất quan tâm.

Cùng với đó, mô hình liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị đã góp phần làm tăng giá trị sản phẩm và mở ra hướng phát triển mới cho ngành nông nghiệp - thủy sản của Bến Tre.

Nhìn nhận rõ nguyên nhân để khắc phục

Thời gian qua, việc tổ chức xây dựng, phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn những hạn chế, bất cập. Đó là tiến độ xây dựng và hoàn thiện các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh chậm. Còn 5/8 sản phẩm (tôm biển, nhãn, lợn, bò và hoa kiểng) chỉ đạt mức độ chuỗi cung ứng ngắn, liên kết đầu vào, đầu ra chưa bền vững. Quy mô diện tích, sản lượng tham gia chuỗi các sản phẩm chủ lực còn nhỏ so với yêu cầu, chưa đạt mục tiêu đề ra.

Nguyên nhân của hạn chế, bất cập là kinh tế tập thể còn chậm phát triển, chưa đảm nhận tốt vai trò tổ chức lại sản xuất hàng hóa quy mô lớn, sản xuất sạch và liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Chính sách hỗ trợ phát triển HTX còn nhỏ lẻ, phân tán, thực hiện lồng ghép từ nhiều nguồn chi…

DN tham gia liên kết chủ yếu là DN vừa và nhỏ trong tỉnh nên hạn chế năng lực đầu tư và chế biến sâu; việc thu hút, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này còn gặp nhiều khó khăn…

Mối liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp chưa bền vững. Quy mô vùng nguyên liệu sạch còn nhỏ; nông dân chưa mặn mà tham gia thực hiện các tiêu chuẩn sản xuất sạch. Từ đó, việc xã hội hóa xây dựng, tái công nhận các tiêu chuẩn sản xuất sạch cho vùng nguyên liệu gặp nhiều khó khăn...

Bến Tre: Hướng đến hoàn thiện 8 chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực - Ảnh 2.

Nuôi tôm công nghệ cao ở huyện Thạnh Phú - Ảnh: Hội Nông dân tỉnh Bến Tre

Giải pháp gỡ khó

Sau các đợt khảo sát, đoàn công tác HĐND tỉnh kiến nghị cần phát triển mạnh hơn nữa chuỗi giá trị sản phẩm dừa. Bên cạnh đó, củng cố mở rộng phát triển có chiều sâu và tạo thương hiệu mạnh cho các chuỗi sản phẩm tôm biển, bưởi da xanh, chôm chôm và một số sản phẩm đặc sản khác.

Tiếp tục xây dựng phát triển các mô hình liên kết tiêu thụ các sản phẩm lợn, bò, nhãn và cây giống - hoa cảnh thành chuỗi sản phẩm hoàn chỉnh. Tạo giá trị tăng thêm cho các chuỗi sản phẩm cao hơn. Cụ thể, giá trị chuỗi dừa và tôm biển đều đạt 1 tỷ USD; chuỗi bò và cây giống - hoa cảnh đều đạt 500 triệu USD vào năm 2025.

Đoàn giám sát đề xuất UBND tỉnh giao cho Sở NN&PTNT là cơ quan đầu mối phối hợp, huy động các ngành chức năng, địa phương thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm trong xây dựng phát triển chuỗi giá trị, xây dựng vùng nguyên liệu sạch. 

Trong đó lưu ý các khâu: Quy hoạch vùng nguyên liệu, củng cố phát triển HTX; huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng, quản lý sản xuất, môi trường; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, tài chính tín dụng, xúc tiến thị trường...

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng liên quan cần hướng dẫn HTX về nội dung ký kết hợp đồng liên kết đầu vào/hợp đồng liên kết đầu ra cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa HTX và doanh nghiệp, đảm bảo minh bạch, công bằng, công khai đúng quy định pháp luật về hợp đồng kinh tế, hợp đồng phải có chế tài áp dụng nhằm đảm bảo hiệu lực hợp đồng liên kết.

Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho biết thời gian tới, ngành nông nghiệp tập trung thực hiện tốt các quy định về đất đai nhằm tạo thuận lợi để các thành phần tham gia chuỗi có điều kiện tiếp cận đất đai. Hình thành các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, chế biến tập trung. Tạo điều kiện về thể chế, chính sách, thúc đẩy quá trình liên kết, hợp tác, tổ chức lại sản xuất theo yêu cầu phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ và bền vững, tạo lập vùng sản xuất tập trung, áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa và quản trị tiên tiến.

Bước đầu hình thành các mô hình nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn. Tập trung xây dựng, công nhận các DN và vùng sản xuất công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Quan tâm cấp mới, quản lý, theo dõi, kiểm tra giám sát mã số vùng trồng và cấp mã cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc. Quản lý khai thác, phát triển các nhãn hiệu đã được xây dựng và bảo hộ./.

Nguyễn Phương